Tội phạm mạng khiến thế giới mất tiền 'khủng'

Khánh An
Khánh An
24/02/2021 08:40 GMT+7

Thời đại công nghệ số càng phát triển, không gian mạng càng trở thành môi trường béo bở cho tội phạm.

Theo trang Techradar dẫn số liệu vừa công bố của dịch vụ mạng riêng tư ảo Atlast VPN, tội phạm mạng khiến thế giới mất hơn 1.000 tỉ USD trong năm ngoái, tương đương 1% GDP toàn cầu và là con số kỷ lục từng được ghi nhận.
Nếu tính riêng, tội phạm chiếm đoạt tổng cộng 945 tỉ USD, còn 145 tỉ USD được chi cho công tác an ninh mạng. Số liệu mới nhất cho thấy môi trường mạng ngày càng chứng kiến sự hoành hành của tội phạm, cũng như nhu cầu tăng cường an ninh.

Thiệt hại nặng

Số liệu trên được tổng hợp dựa trên dữ liệu công khai về thiệt hại tại các quốc gia, bên cạnh phỏng vấn với các chuyên gia an ninh mạng từ khoảng 1.500 công ty tại nhiều nước như Anh, Mỹ, Canada, Đức, Pháp, Nhật Bản và Úc.
Chi phí an ninh mạng trong năm ngoái tăng hơn 50% so với năm 2018. Dù vậy, trong cùng kỳ, thiệt hại gây ra bởi tội phạm mạng lại tăng 81%.

Vụ tấn công mạng SolarWinds gây tác hại hơn tưởng tượng

So sánh qua giai đoạn 7 năm cho thấy thiệt hại tăng vọt hơn 3 lần, từ 300 tỉ USD vào năm 2013 lên 945 tỉ USD vào năm 2020. Các cơ quan chính phủ đối diện nhiều mối đe dọa nhất, trong khi lĩnh vực y tế lại thường bị tấn công đòi tiền chuộc.
Lĩnh vực chịu thiệt hại đắt giá nhất là trộm thông tin về sở hữu trí tuệ và tài chính, chiếm 2/3 thiệt hại về tiền. Bên cạnh đó, nhiều công ty an ninh mạng cho biết những bên bị tấn công còn chịu thiệt hại khác như ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất.

Bảo vệ kém

Trước tình hình trên, nhiều tổ chức vẫn chưa nhận thức được nguy cơ trầm trọng đến từ tội phạm mạng. Khoảng 20% các tổ chức trên thế giới không có kế hoạch bảo vệ trước khả năng bị tấn công bởi tội phạm mạng.
Tính chung, 19% các tổ chức đã sắp xếp các chương trình ứng phó về an ninh mạng, nhưng lại không có kế hoạch dự phòng. Tuy nhiên, chỉ 32% số người được hỏi cho rằng các chương trình của họ thực sự hiệu quả một khi xảy ra tấn công.
Trong số các nước trên, Nhật Bản có nhiều tổ chức chưa sẵn sàng đối phó với tấn công mạng nhất, với 4% doanh nghiệp ở nước này không có kế hoạch về cách phòng ngừa hoặc ứng phó. Trong khi đó, tất cả các tổ chức tại Mỹ được hỏi đều có ít nhất 1 kế hoạch.
Có đến 44% các tổ chức trên thế giới sẵn sàng phòng ngừa và ứng phó với sự cố an ninh mạng. Tuy nhiên, chỉ 33% có chiến lược phòng ngừa mà chưa có kế hoạch ứng phó một khi bị tấn công.
Theo chuyên gia Rachel Welch tại Atlas VPN, không tổ chức nào hoàn toàn miễn nhiễm trước các vụ tấn công mạng, trong khi hậu quả có thể vô cùng nghiêm trọng.
“Do đó, chiến lược phòng ngừa lẫn ứng phó là điều quan trọng nếu một công ty muốn giảm thiểu nguy cơ về an ninh mạng. Việc có một kế hoạch hành động khi bị tin tặc tấn công cũng quan trọng không kém việc phòng ngừa các nguy cơ đó”, ông nêu rõ.
Web đen kiếm được 2,1 tỉ USD tiền ảo
Theo tạp chí Forbes, trang web đen khét tiếng về bán thông tin thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ bị đánh cắp là Joker’s Stash đã “nghỉ hưu” vào tháng trước sau khi kiếm được 2,1 tỉ USD tiền ảo Bitcoin. Các quản trị viên từ Joker’s Stash để lại một lá thư cho khách hàng giải thích rằng các nhà khai thác sẽ ngừng hoạt động. “Joker nghỉ hưu một cách xứng đáng. Joker’s Stash đang đóng cửa. Khi chúng tôi mở cửa nhiều năm trước, không ai biết đến chúng tôi. Ngày nay chúng tôi là một trong những thị trường bán thẻ lớn nhất”, bức thư viết.
Trang web đen này hoạt động từ năm 2014 nhưng chưa bị triệt phá, bất chấp nhiều nỗ lực của Interpol và FBI.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.