Tình hình bán đảo Triều Tiên khó lường trong năm 2019

Văn Khoa
Văn Khoa
30/12/2018 20:00 GMT+7

Nhiều chuyên gia đưa ra những dự đoán khác nhau về tình hình bán đảo Triều Tiên trong năm 2019 dù căng thẳng có phần hạ nhiệt.

Trong thông điệp mừng năm mới 2018, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố sẽ cử phái đoàn đến dự Thế vận hội mùa đông vào tháng 2 ở Hàn Quốc và muốn cải thiện quan hệ liên Triều. Thông điệp đó đã mở đầu cho một năm hạ nhiệt căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên. Vào ngày 27.4, ông Kim trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên đặt chân sang lãnh thổ Hàn Quốc trong 65 năm khi gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ở Bàn Môn Điếm thuộc Khu phi quân sự liên Triền.
Sau đó, hai nhà lãnh đạo tiếp tục có cuộc gặp lần lượt tại Bàn Môn Điếm vào tháng 5 và Bình Nhưỡng vào tháng 9. Sau các cuộc hội đàm, hai bên đã có nhiều động thái nhằm giảm căng thẳng như dỡ bỏ loa tuyên truyền chống phá lẫn nhau và 10 chốt canh gác ở khu vực biên giới. Ngoài ra, lãnh đạo Kim cũng đã thăm Trung Quốc 3 lần trong năm 2018, giúp cải thiện quan hệ song phương.
Song song đó, căng thẳng Triều Tiên-Mỹ cũng có phần hạ nhiệt trong năm 2018. Hồi tháng 6, nhà lãnh đạo Kim và Tổng thống Donald Trump gặp nhau tại Singapore, đánh dấu cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều. Khi đó, hai bên cam kết hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và đổi lại Washington sẽ đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng. Trong năm 2018, Triều Tiên không thử hạt nhân và cũng không phóng bất kỳ tên lửa nào. Triều Tiên cũng đã cho đánh sập các đường hầm trong bãi thử hạt nhân Punggye-ri.
Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6 Reuters
Về phần mình, Mỹ đã tạm dừng và giảm quy mô những cuộc tập trận chung lớn với Hàn Quốc nhằm tạo thuận lợi cho các cuộc đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa cho đến nay vẫn chưa có tiến triển. Trước những diễn biến như trên, nhiều chuyên gia đưa ra dự đoán khác nhau về tình hình bán đảo Triều Tiên trong năm 2019, theo chuyên san The National Interest.

Đàm phán sẽ có tiến triển?

Nhà bình luận Mỹ về chính trị Đông Á Tim Shorrock cho rằng câu hỏi thật sự cho năm 2019 không phải là liệu nhà lãnh đạo Kim có sớm từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không mà là hai miền Triều Tiên có hay không và tiếp tục hướng tới hòa bình như thế nào sau một năm cải thiện quan hệ song phương. Ông dự đoán hai miền Triều Tiên tiếp tục có động thái hướng tới hòa bình lâu dài, buộc Mỹ, với sự hỗ trợ của Tổng thống Moon, chấp nhận cách tiếp cận Triều Tiên dần dần có hiệu quả hơn của Hàn Quốc.
Cựu đặc phái viên Mỹ về đàm phán với Triều Tiên Joseph R. DeTrani thì bày tỏ hy vọng rằng trong năm 2019 sẽ có tiến triển trong cuộc đàm giữa Mỹ và Triều Tiên. “Sau cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 giữa Chủ tịch Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump, dự kiến diễn ra vào đầu năm 2019, các nhà thương thuyết sẽ gặp thường xuyên để thiết lập một lộ trình đưa tới sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể xác minh của Triều Tiên để đổi lại sự đảm bảo an ninh và hỗ trợ phát triển kinh tế. Tiến trình này có thể kéo theo sự thiết lập văn phòng liên lạc đầu tiên ở mỗi thủ đô của hai bên và Mỹ sẽ tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953)”, ông DeTrani dự đoán.
Tổng thống Moon Jae-in và lãnh đạo Kim Jong-un tại Bàn Môn Điếm hồi tháng 4 Reuters
Ngoài ra, Giáo sư Sung-yoon Lee tại trường Luật và Ngoại giao thuộc Đại học Tufts (Mỹ) dự đoán trong năm 2019, nhà lãnh đạo Kim sẽ tiếp tục hoạt động ngoại giao, có thể gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Nhà lãnh đạo Kim có thể sẽ tiếp đón Chủ tịch Tập, gặp một lần nữa Tổng thống Trump và Tổng thống Moon và thậm chí có thể phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng liên hiệp quốc vào tháng 9. Giáo sư Kim Sung-han tại Đại học Hàn Quốc, từng là thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, cũng dự đoán trong năm 2019, Triều Tiên sẽ tiếp tục đối thoại “chiến thuật” với Mỹ cho đến khi các biện pháp trừng phạt kinh tế được dỡ bỏ.
Cùng lúc, Triều Tiên sẽ gia tăng việc làm nhỏ đầu đạn hạt nhân và phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng chạm tới lục địa Mỹ cho đến khi có thể dùng ICBM để đổi lấy quan hệ ngoại giao bình thường với Mỹ và hơn thế nữa. Triều Tiên cũng sẽ tiếp tục hợp tác với Hàn Quốc để lấy đó làm lá chắn chống lại cuộc tấn công quân sự tiềm tàng từ Mỹ, đồng thời thúc ép Tổng thống Trump rút hoặc giảm quân đáng kể ở Hàn Quốc để đổi lại việc Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa một phần, theo ông Kim.

Mục tiêu của Triều Tiên

Trong khi đó, bà Jieun Baek, nghiên cứu sinh tiến sĩ về chính sách công tại Đại học Oxford, dự đoán nhà lãnh đạo Kim sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân trong năm 2019. Bà nhấn mạnh bà tin rằng Triều Tiên sẽ không quyết tâm cũng như không thực hiện quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược (CVID). Từ đó, bà Baek dự đoán chính quyền Tổng thống Trump sẽ không ưu tiên về việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên trong năm 2019. Bà lập luận CVID đòi hỏi tốn năng lượng và nguồn lực chính trị đáng kể mà lại không có sự đảm bảo rằng những nỗ lực này sẽ mang lại kết quả cho Mỹ hay các đồng minh.
Tương tự, nhà phân tích Malcolm Davis tại Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc (ASPI) dự đoán trong năm 2019, Triều Tiên sẽ không có sự nhượng bộ đáng kể nào về chương trình vũ khí và hạt nhân, lập luận mục tiêu của Bình Nhưỡng là mở rộng kho vũ khí hạt nhân và đạt khả năng phản công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt này.
Bên cạnh đó, chiến lược gia, nhà khoa học chính trị Mỹ Van Jackson, hiện làm việc tại Trung tâm học giả quốc tế Woodrow Wilson ở Washington, dự đoán trong năm 2019, cái gai trong quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc có thể lớn dần vì Tổng thống Moon sẽ tiếp tục cải thiện quan hệ với Triều Tiên cho dù tình trạng quan hệ Mỹ-Triều có như thế nào đi nữa.
Ông Jackson còn dự đoán trong năm tới, Triều Tiên sẽ không công bố kho tên lửa cũng như vũ khí và cũng không hủy bỏ bất kỳ đầu đạn hạt nhân nào. Ông lý giải: “Triều Tiên không có lý do thực hiện những hành động mà tự đưa mình vào thế nguy hiểm nếu nước này không tin rằng Mỹ đã cơ bản thay đổi thái độ”. Cũng theo chuyên gia Jackson, Mỹ sẽ không dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt nặng ký đối với Triều Tiên. “Nhiều lệnh trừng phạt đã thành luật và tôi không thấy quốc hội có thể đưa ra bất kỳ luật nào để hủy bỏ các biện pháp trừng phạt hiện hữu”, ông Jackson nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.