Tình báo Mỹ đại tu hệ thống thông tin

03/02/2012 03:32 GMT+7

CNN dẫn lời Giám đốc Tình báo quốc gia James Clapper khẳng định Mỹ đang triển khai những biện pháp quan trọng và hiệu quả để tránh một vụ WikiLeaks thứ hai.

Lộ trình 5 năm

Giám đốc Clapper cam đoan rằng trong vòng 5 năm nữa, kiến trúc an ninh mới cho tình báo Mỹ sẽ được dựng xong. “Sự kiện kinh hoàng”, từ ông Clapper dùng để chỉ vụ WikiLeaks công bố hàng trăm ngàn thư tín mật của Mỹ, đã buộc Washington tiến hành những thay đổi cần thiết. Trình bày tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington vừa qua, lãnh đạo tình báo Mỹ tiết lộ phần chủ chốt của kế hoạch cải tổ là cải thiện công tác phân loại và đánh dấu các thông tin. Từ đó, siết chặt quy định về cấp bậc và quyền hạn cụ thể của những người được truy xuất thông tin từ hệ thống, nhằm vừa bảo mật thông tin vừa chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan.

 
Mỹ quyết tâm cải tổ hệ thống chia sẻ thông tin tình báo - Ảnh: Lockheed Martin 

Các biện pháp trên nhằm loại bỏ tình trạng nội gián như trường hợp binh sĩ Bradley Manning.  Anh này đang đối mặt với cáo buộc phản quốc do cung cấp thông tin nhạy cảm cho website WikiLeaks, dẫn đến tổn thất chưa từng có đối với ngành ngoại giao và tình báo Mỹ. Dù chỉ mới ở cấp binh nhì và đóng tại Iraq chưa đầy nửa năm, Manning đã có thể truy cập được hầu như toàn bộ thư tín mật của Bộ Ngoại giao Mỹ, với tổng cộng khoảng 260.000 thư tín đã bị công khai, cũng như một khối lượng lớn thư tín trao đổi của quân đội Mỹ về Iraq và Afghanistan. Đến tháng 11.2011, Washington mới hoảng hồn nhận ra bao nhiêu bí mật đã bị công khai trước thiên hạ. Hậu quả không những là thiệt hại khó bù đắp đối với nhân lực của Bộ Ngoại giao, mà còn là sự mất mát về lòng tin trên toàn cầu. AFP dẫn lời Trợ lý giám đốc tình báo quốc gia về chính sách và chiến lược Corin Stone nhấn mạnh: “Về cơ bản, chúng tôi đang nỗ lực giành lại sự tin cậy đã mất sau bê bối WikiLeaks”.

Tình báo lên “mây”

Bloomberg dẫn lời Giám đốc Tình báo quốc gia Clapper cho biết công nghệ điện toán đám mây sẽ đóng vai trò chủ chốt trong hệ thống tình báo nước này, hướng đến hợp nhất máy tính và các hệ thống thông tin để chia sẻ dữ liệu một cách an toàn hơn. Hiểu một cách nôm na, điện toán đám mây là việc di chuyển hầu hết các ứng dụng cũng như cơ sở dữ liệu lên một mạng chung, đồng bộ hóa giữa các hệ thống để người dùng có thể truy cập và sử dụng bất cứ đâu mà không phải lưu chuyển qua lại. Bắt kịp xu hướng công nghệ của thời đại, tình báo Mỹ đã quyết định nhờ cậy đến biện pháp lưu trữ và chia sẻ dữ liệu “thời thượng” này, cho phép đồng bộ hóa toàn bộ hệ thống dữ liệu của 16 cơ quan khác nhau thuộc cộng đồng tình báo Mỹ. 

Xu hướng lên “mây” của tình báo Mỹ được khai mào cách đây 2 năm với tiên phong là Cơ quan An ninh quốc gia (NSA), tiếp bước là Cơ quan Tình báo quốc phòng (DIA), Cơ quan Tình báo địa - không gian (NGA) và Văn phòng Do thám quốc gia (NRO). Sau đó đến lượt Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) cũng không đứng ngoài. Là một trong những nhân vật chủ chốt vận động áp dụng công nghệ mới trong làng tình báo, ông Clapper khẳng định đây là biện pháp duy nhất giúp thông tin được an toàn mà lại dễ chia sẻ, theo tạp chí Forbes.

Chính quyền Washington cũng đang thực hiện cuộc đánh giá tổng quan về khả năng ứng dụng và hiệu quả của công tác chia sẻ, cho phép các cơ quan tình báo tăng cường lưu chuyển thông tin nhưng ít lo ngại về nguy cơ bị rò rỉ. Kết quả có thể sẽ sớm hoàn tất trong vòng vài tháng nữa, theo ông Clapper.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.