Tìm thấy thiên hà xa nhất và cổ xưa nhất của vũ trụ

24/12/2020 15:04 GMT+7

Trong lúc quan sát và phân tích vũ trụ xa xăm, các nhà thiên văn học đã phát hiện một thiên hà xa nhất và cổ xưa nhất từng được quan sát cho đến thời điểm này.

GN-z11 có lẽ không phải là cái tên bóng bẩy, nhưng nó thuộc về một thiên hà có thể nói là độc nhất vô nhị: thiên hà cách xa Trái đất nhất, tính đến thời điểm này.
Đội ngũ các nhà thiên văn học do giáo sư Nobunari Kashikawa của Đại học Tokyo (Nhật Bản) dẫn đầu đã đặt mục tiêu tìm ra thiên hà xa nhất có thể quan sát được, trước khi nghiên cứu về quá trình hình thành và thời điểm khai sinh của nó.
“Từ những cuộc nghiên cứu trước đây, thiên hà GN-z11 dường như cách xa chúng ta nhất, ở khoảng cách 13,4 tỉ năm ánh sáng, hay 134 nonillion km (có nghĩa theo sau số 134 là 30 chữ số 0)”, theo Space.com dẫn lời giáo sư Kashikawa.
Tất nhiên, việc đo đạc và xác nhận được khoảng cách xa xôi như thế không phải là chuyện dễ dàng.
Để xác định được khoảng cách giữa GN-z11 và Trái đất, nhóm của ông Kashikawa đã nghiên cứu cái gọi là “dịch chuyển đỏ” của thiên hà đối tượng, tức tính toán khoảng cách ánh sáng kéo giãn hoặc dịch chuyển về phía rìa đỏ của quang phổ ánh sáng.
Nói tóm lại, một thiên thể càng ở xa Trái đất thì ánh sách của nó càng dịch chuyển đỏ.
Bên cạnh đó, họ quan sát những tín hiệu hóa học phát ra từ thiên hà GN-z11, nhờ vào thiết bị gọi là MOSFIRE của Đài quan sát Keck I tại Hawaii (Mỹ).
Kết quả là nhóm chuyên gia đã tính toán được khoảng cách giữa đối tượng và Trái đất, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature Astronomy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.