Thủy điện Trung Quốc gặp chướng ngại tại Nam Á

20/11/2017 12:38 GMT+7

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc đã vấp phải nhiều trở ngại tại Nam Á khi lần lượt Nepal rồi Pakistan gần đây hủy các dự án thủy điện lớn với Bắc Kinh.

Ngày 13.11, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Năng lượng Nepal Kamal Thapa thông báo trên Twitter rằng nước này đã hủy dự án xây dựng đập thủy điện Budhi Gandaki công suất 1.200 megawatt với công ty quốc doanh Trung Quốc Gezhouba Group (CGGC). Nepal trao dự án này cho CGGC vào tháng 6, chỉ vài tuần sau khi Kathmandu đồng ý tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con đường mà Bắc Kinh khởi xướng. Thỏa thuận 2,5 tỉ USD bị hủy bỏ sau khi một ủy ban quốc hội Nepal cho rằng chính quyền nước này đã phạm luật vì chọn nhà thầu mà không tổ chức đấu thầu cho dự án, theo trang HydroWorld.
Một ngày sau sự cố này, đến lượt Pakistan rút dự án xây đập thủy điện Diamer-Bhasha trị giá 14 tỉ USD ra khỏi dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) vì “những đòi hỏi hết sức khắt khe” của đồng minh Trung Quốc. Theo đó, Bắc Kinh sẽ nắm quyền sở hữu dự án, quản lý hoạt động và chịu chi phí bảo trì, cộng với cam kết xây dựng một đập thủy điện khác trong khi nước chủ nhà Pakistan phải trả chi phí xây dựng đập thủy điện công suất 4.500 megawatt này. Ông Muzammil Hussain, Chủ tịch Cơ quan phát triển nguồn nước và năng lượng (WAPDA) của Pakistan tuyến bố những điều kiện mà Bắc Kinh đưa ra là “không thể đáp ứng và trái với lợi ích của Islamabad”, theo tờ Express Tribune.

tin liên quan

Nepal hủy dự án thủy điện lớn với Trung Quốc

Giới phân tích cho rằng việc Nepal quyết định hủy dự án thủy điện lớn với công ty Trung Quốc là bước lùi đáng kể cho ý định gia tăng ảnh hưởng ở quốc gia Nam Á này của Bắc Kinh.

Tuy cần sự đầu tư của Trung Quốc để nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng và đáp ứng thiếu hụt về nguồn điện, nhưng nhiều dự án thủy điện của các nước Nam Á với Bắc Kinh cũng gặp nhiều trở ngại. Năm 2011, chính quyền Tổng thống Thein Sein ở Myanmar tuyên bố đình chỉ dự án đập Myitsone 3,6 tỉ USD với Trung Quốc 2 năm sau khi khởi động. Những vấn đề như tác động môi trường, tái định cư người dân, xung đột lợi ích của người ở thượng nguồn và hạ nguồn ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại của các dự án thủy điện của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Trung Quốc bị cản trở một phần cũng vì sự cạnh tranh sức ảnh hưởng của Ấn Độ. Dự án đập Diamer-Bhasha được xây dựng trên sông Ấn ở khu vực do Pakistan kiểm soát tại Kashmir, vùng Ấn Độ cũng tuyên bố chủ quyền. Chính sự phản đối của Ấn Độ là một phần nguyên nhân khiến Pakistan gặp khó khăn trong việc lôi kéo nhà đầu tư quốc tế vào dự án Diamer-Bhasha.
Tại Nepal, Ấn Độ cũng được cho là đã gây tác động đến quyết định hủy bỏ dự án Budhi Gandaki khi cảnh báo về bài học nhãn tiền của Sri Lanka, nước bị cho là mắc kẹt trong núi nợ sau dự án cho thuê cảng biển Hambantota với Trung Quốc, theo Times of India.
Một đập thủy điện trên sông Chenab tại vùng Kashmir chảy từ Ấn Độ sang Pakistan. Reuters
Cả Ấn Độ và Trung Quốc nhiều năm qua đã tranh nhau tạo sự ảnh hưởng tại Nepal thông qua nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Nước này có một mạng lưới sông ngòi rộng lớn, nhiều tầng lớp bắt nguồn từ dãy Himalaya và có tiềm năng lớn cho việc khai thác thủy điện. Tuy nhiên, việc thiếu nguồn vốn và công nghệ khiến cho Kathmandu phải dựa vào người hàng xóm New Delhi để đáp ứng nhu cầu 1.400 megawatt điện mỗi năm. Ngoài ra, Nepal còn cấp phép cho 2 công ty Ấn Độ xây dựng các nhà máy thủy điện có công suất đến 900 megawatt mỗi cơ sở, và số điện này phần lớn được xuất khẩu sang Ấn.
Không những vậy, Nepal nói riêng và khu vực Nam Á nói chung cũng đang thu hút sự quan tâm hơn từ phía Mỹ, đặc biệt khi chính quyền Tổng thống Donald Trump gần đây nhấn mạnh đến việc phát triển một khu vực liên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng.
Trong cuộc điều trần mới đây trước quốc hội Mỹ, quyền Trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực Nam và Trung Á Alice Wells khẳng định Nepal đã được chọn để triển khai một trong những dự án quan trọng nhất của Mỹ nhằm tăng cường kết nối khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Hồi tháng 8, Tập đoàn thách thức thiên niên kỷ (MCC), tổ chức được chính phủ Mỹ lập ra nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo trên thế giới, phê chuẩn gói đầu tư 500 triệu USD cho 2 dự án phát triển ngành năng lượng và vận tải ở Nepal.

tin liên quan

Trung Quốc 'mắc nghẹn' ở Myanmar
Trong bài bình luận độc quyền cho Thanh Niên, học giả Brahma Chellaney phân tích nỗ lực của Myanmar không cho Trung Quốc xây đập Myitsone.

Dù có những trở ngại ở một số dự án, tuy nhiên chuyên gia nghiên cứu Nam Á Zhao Gancheng tại Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải nhận định trên tờ South China Morning Post rằng đó là chuyện bình thường trong thương mại và chưa phải là vấn đề nghiêm trọng đối với sáng kiến Vành đai và Con đường mà Trung Quốc thúc đẩy. "Có một nhận định sai lầm chung trong cộng đồng quốc tế khi cho rằng Vành đai và Con đường là điều mà Trung Quốc muốn đẩy mạnh bằng mọi giá. Tuy nhiên thực tế là mọi dự án đều là cuộc thương lượng nên nó cần phải hợp lý về mặt kinh tế và được 2 bên đồng thuận.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.