Thủy điện nhỏ, tác hại lớn

07/03/2012 15:39 GMT+7

Các nhà khoa học quốc tế tiếp tục cảnh báo về tác động mang tính thảm họa đối với nghề cá nội địa, khi các nhà máy thủy điện dọc sông Mekong đi vào hoạt động. 

 
Thuyền đánh cá tại nhánh sông Mekong ở Phnom Penh ngày 2-3 - Ảnh: AFP

Một nghiên cứu về đập thủy điện trên sông Mekong vừa được đăng tải trong kỷ yếu của Viện Khoa học quốc gia Mỹ (NAS). Tác giả chính của nghiên cứu này, nhà khoa học môi trường Guy Ziv thuộc Đại học Stanford, cho biết lý do ông bắt tay nghiên cứu: "Tác động của các con đập ở sông nhánh rất ít được nghiên cứu". 

Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ được đưa ra sau gần bốn tháng kể từ khi các nước thành viên Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) gồm Lào, Campuchia, Thái Lan và VN quyết định hoãn xây dựng đập thủy điện trên sông Mekong để thực hiện các nghiên cứu sâu hơn về ảnh hưởng của nó tới hệ sinh thái.
 

Nghiên cứu nhận định hiện dư luận thế giới đang rất quan tâm tới các kế hoạch phát triển đập thủy điện dọc con sông dài 4.600km, chảy qua Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. AFP ngày 6-3 cho biết nghiên cứu tập trung xem xét tác hại của việc xây đập trên các nhánh sông nhỏ. NAS kết luận do tác động của đập thủy điện, cá trên sông Mekong không thể di chuyển lên thượng nguồn và sự đa dạng của loài cá sẽ bị hủy hoại.

Chuyên gia Ame Trandem, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Tổ chức Liên minh các dòng sông, đánh giá kết quả nghiên cứu cho thấy cần cấp bách xem xét lại sự phát triển thủy điện ở toàn lưu vực sông Mekong.

Do nhu cầu về điện ngày càng tăng ở khu vực, các quốc gia dọc sông Mekong đang có kế hoạch xây dựng 11 con đập trên dòng sông chính, 44 con đập ở các sông nhánh trong vòng bốn năm tới. Khoảng 10-37 con đập ở nhánh khác sẽ hoàn thành từ năm 2015-2030.

Sử dụng mô hình di cư của cá để phân tích, chuyên gia Ziv và cộng sự nhận thấy nếu toàn bộ các con đập được hoàn thành, sản lượng cá ở Mekong sẽ bị giảm 51%, 100 loài cá di cư có thể bị tuyệt chủng. Ông Ziv nhấn mạnh nghiên cứu này chỉ là khởi đầu và còn nhiều khía cạnh tác động tiềm tàng khác chưa được tính toán để đưa vào phân tích cái được và mất của các dự án thủy điện.

Các tổ chức môi trường đã nhiều lần cảnh báo về những hậu quả tai hại đối với hàng chục triệu cư dân nghèo sống dọc sông Mekong. Theo các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu và phát triển nghề cá Campuchia, Đại học Stanford và Princeton (Mỹ), hơn 1 triệu tấn cá nước ngọt được đánh bắt mỗi năm ở Campuchia và Việt Nam. Toàn bộ lưu vực sông Mekong là nơi 65 triệu người dân sinh sống, trong đó có 2/3 sống phụ thuộc vào nguồn cá.

Các nhà nghiên cứu xác định trong 877 loài cá ở hạ lưu sông Mekong, 103 loài sẽ không thể bơi lên thượng nguồn do bị các công trình thủy điện ngăn cản. Nghiên cứu cũng cho biết các con đập ở nhánh sông Mekong được xây tùy vào luật mỗi quốc gia và không cần thỏa thuận quốc tế, mặc dù vậy xây đập lại "tiềm tàng những tác động rất to lớn xuyên biên giới đối với các nước khác".

Nghiên cứu khẳng định: "Chúng tôi nhận thấy 78 con đập trên các nhánh sông sẽ gây nên hậu quả to lớn. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy cần phải đánh giá lại một số con đập đã được lên kế hoạch xây dựng, đưa ra một thỏa thuận mới cấp khu vực nhằm phát triển nhánh sông ở lưu vực Mekong"

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.