Thực hư chuyện robot Trung Quốc hạ cánh xuống sao Hỏa

22/05/2021 17:05 GMT+7

Sau gần 1 tuần “án binh bất động”, Trung Quốc ngày 21.5 công bố hình ảnh được cho là do robot tự hành Chúc Dung gởi về từ sao Hỏa, nhưng liệu Chúc Dung có thực sự đã hạ cánh thành công như tuyên bố?

Trước đó, ngày 15.5 vừa qua, Cục không gian quốc gia Trung Quốc (CNSA) thông báo với thế giới rằng tàu thăm dò chở robot tự hành Chúc Dung đã đã vượt qua 9 phút “kinh hoàng” ma sát với khí quyển sao Hỏa và hạ cánh thành công xuống bề mặt hành tinh này. Với thông tin này, họ tuyên bố trở thành quốc gia thứ 2 hạ cánh thành công xuống sao Hỏa.

Các dấu ấn lịch sử ở sao Hỏa

Về mặt lịch sử, nỗ lực khám phá sao Hỏa đầu tiên phải kể tới Nga. Từ năm 1970, tàu thăm dò Mars 1 của quốc gia này đã được phóng lên sao Hỏa, nhưng bị phá hủy khi tiếp cận tới bề mặt Sao Hỏa.

Đến năm 1971, tàu Mars 2 của Nga tiếp tục được đưa lên, vượt qua khí quyển sao Hỏa và được chứng minh là hạ cánh an toàn. Nhưng sau đó chỉ giữ liên lạc được 20 giây và im lặng mãi mãi. Do đó, vị trí quốc gia đầu tiên hạ cánh thành công xuống sao hỏa vẫn không thể dành cho Nga. Bởi theo nguyên tắc, việc hạ cánh thành công chỉ được tính khi tàu hạ cánh rồi giữ liên lạc lâu dài.

Sau này, nhiều nỗ lực khác của châu Âu và Nga trong việc khám phá sao Hỏa vẫn đều không thành công. Mãi tới 1976, Mỹ đặt cột mốc quan trọng trong việc hạ cánh tàu thăm dò Viking xuống sao Hỏa thành công, tiếp tục giữ được liên lạc với Trái Đất và thực hiện nhiệm vụ liên tục 6 năm sau đó (vượt quá kỳ vọng ban đầu vốn chỉ có 90 ngày).

Đến năm 1997, Mỹ tiếp tục giữ vị trí quốc gia đầu tiên hạ cánh robot tự hành thành công xuống sao Hỏa, giữ liên lạc và hoạt động nghiên cứu trên đó. Cho đến hiện tại, Mỹ đã đưa thành công tổng cộng 5 con robot tự hành lên sao Hỏa để tiến hành nghiên cứu. Với thành tích này, Mỹ vẫn là quốc gia đầu tiên hạ cánh thành công tàu tự hành xuống sao Hỏa, đồng thời cũng là nước có nhiều tàu nhất đang hoạt động trên sao Hỏa.

Trực thăng tự hành Ingenuity tách khỏi Perseverance và bay trên sao Hỏa

NASA

Robot tự hành mới nhất mà Mỹ đưa lên sao Hỏa gần đây là Perseverance, không chỉ chạy mà còn mang theo trực thăng tự hành  Ingenuity - đã tiến hành nhiều sứ mệnh bay thành công trên sao Hỏa. Chỉ 5 phút sau khi hạ cánh xuống sao Hỏa, tàu Perseverance đã ngay lập tức gởi hình chụp trắng đen về Trái Đất ngay trong ngày hạ cánh.

Chưa đầy 24 tiếng sau, những bức ảnh màu khung cảnh sao Hỏa lẫn video quay lại 7 phút vượt khí quyển sao Hỏa và hạ cánh an toàn xuống bề mặt đã được Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) công bố.

Dấu hiệu khó hiểu

Đối với lần hạ cánh mới đây của robot tự hành Chúc Dung, nhiều ngày sau khi hạ cánh nó vẫn “án binh bất động”. CNSA giải thích rằng robot cần phải có thời gian kiểm tra, ổn định trước khi hoạt động và hứa rằng cuối tháng 5 sẽ gởi hình ảnh đầu tiên về. Bất chấp giải thích này, nhiều suy đoán vẫn cho rằng tàu Chúc Dung đã bị hư trong quá trình hạ cánh.

Thấy gì về cuộc chạy đua không gian Mỹ - Trung qua hai robot tự hành trên sao Hỏa?

Tuy nhiên, đến 21.5 vừa qua, ảnh chụp đầu tiên của tàu Chúc Dung đã được Trung Quốc công bố sớm hơn kế hoạch 7 gần 1 tuần.

Với trình độ kỹ thuật hiện tại, sẽ mất chỉ khoảng 5 - 20 phút để tín hiệu radio có thể di chuyển từ sao Hỏa về Trái Đất qua các hệ thống chuyển tiếp trên vệ tinh và đài thiên văn dưới Trái Đất.

Hình ảnh được cho do robot Chúc Dung "selfie" trên sao Hỏa

CNSA

Do đó, với những gì mà các quốc gia đi trước đã làm được, kết hợp với thông tin trên, không khỏi khiến người ta có thể đặt nghi vấn về một khoảng thời gian mất liên lạc giữa robot tự hành Chúc Dung và cơ quan vũ trụ Trung Quốc sau khi hạ cánh.

Tất nhiên, hoạt động nghiên cứu của robot tự hành Chúc Dung không chỉ dừng lại ở một bức ảnh chụp xác nhận đầu tiên mà sẽ còn rất nhiều nghiên cứu khác cần phải làm và kết quả sẽ tiếp tục được gởi về Trái Đất. Hãy cùng chờ xem những “khám phá” khác của tàu Chúc Dung do Trung Quốc gửi đi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.