Thú vị chuyện bên lề APEC

22/12/2017 22:01 GMT+7

Ngoài các chương trình nghị sự mang tính đại sự quốc gia, Tuần lễ cấp cao APEC 2017 cũng để lại nhiều ấn tượng cùng những câu chuyện bên lề thú vị và đáng nhớ.

Đổ xô về Đà Nẵng “săn” hình máy bay
Cuối tháng 10, khi có thông tin về chiếc máy bay quân sự vận tải hạng nặng Boeing C-17 Globemaster III của Không lực Mỹ đáp xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) để chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Donald Trump, giới chơi ảnh hàng không đã lên kế hoạch khá chu đáo cho chuyến “đi săn” ảnh của mình tại Đà Nẵng.

tin liên quan

An ninh tuyệt đối cho APEC
An ninh tại Đà Nẵng đang được siết chặt hơn bao giờ hết khi lãnh đạo các nền kinh tế lần lượt có mặt để tham dự Hội nghị cấp cao APEC 2017.
Nhận thấy đây là cơ hội gần như “chục năm có một” khi hàng loạt chuyên cơ độc đáo đến từ 21 nền kinh tế thành viên cũng như chuyên cơ của các thương gia nổi tiếng sẽ đáp xuống sân bay nên ai cũng cố gắng thu xếp thời gian để “canh me”. Một nhiếp ảnh gia giấu tên chia sẻ, năm 2006, APEC diễn ra tại Hà Nội nhưng khi đó chủng loại máy bay chưa đa dạng như hiện nay. Sau 12 năm, số lượng máy bay đến dự APEC dịp này đã tăng lên. Nhiều chuyên cơ phục vụ các nhà lãnh đạo đã thay đổi. “Tôi chơi ảnh hàng không đã lâu và đã đi nhiều sân bay nhưng có những máy bay có khi cả đời chưa chắc được nhìn thấy. Bởi vậy, dù bận rộn nhiều việc gia đình nhưng tôi nhất định không bỏ lỡ dịp này”, anh cho biết.
 Thú vị chuyện bên lề APEC 1
“Đại bản doanh” nơi giới săn ảnh trên đường Lê Đại Hành có thể chụp rất rõ các máy bay đáp xuống Đà Nẵng Ảnh: Hoàng Sơn
Hầu hết những người chơi ảnh máy bay mà tôi gặp đều phải cất công di chuyển hàng trăm cây số từ khắp nơi trên cả nước đến Đà Nẵng. Có những người cố gắng thu xếp trùng khớp đến mức chỉ vừa xong việc là “nhảy” máy bay từ TP.HCM ra Đà Nẵng. Đến Đà Nẵng những ngày sau bão Damrey, họ phải túc trực hàng giờ trên sân thượng một căn nhà 4 tầng dưới trời mưa dầm dề. Họ lấy thân mình che chở cho bộ máy ảnh “khủng” trong khi bụng đói cồn cào mà vẫn không dám bỏ vị trí.
Ngày 5.11, chiếc máy bay C-17 đầu tiên xuất hiện trên bầu trời Đà Nẵng, tầng thượng - nơi “ẩn nấp” của các tay máy - như vỡ òa. Tiếng bấm máy tanh tách át cả tiếng động cơ máy bay. Chỉ 10 giây, sau đó là những tiếng cười khoái chí lẫn những lời xuýt xoa tiếc nuối.
Có lẽ chiếc máy bay được chờ đợi nhiều nhất chính là Không lực 1 (Air Force One) nổi tiếng chuyên chở ông chủ Nhà Trắng Donald Trump. “Để canh được chiếc máy bay này không hề dễ dàng vì Không quân Mỹ luôn bảo mật giờ đến, giờ đi. Chỉ có cách canh chừng để “bắt” ảnh mà thôi. Cũng vì vậy mà những bức ảnh có góc độc, lạ về máy bay này càng trở nên quý giá”, anh H., một người chuyên chụp máy bay nói.
Người Đà Nẵng mến khách
Chính khách quốc tế đến Đà Nẵng dự APEC hiểu rõ những tổn thất mà địa phương này gánh chịu khi cơn bão Damrey đổ bộ vào đất liền. Trong số những lãnh đạo nền kinh tế thành viên APEC, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long là người đã đăng những dòng trạng thái chia sẻ với Đà Nẵng trên Facebook khi vừa đặt chân đến thành phố. “Bên cạnh việc chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao và đón tiếp khách mời, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng quan tâm tới công tác tìm kiếm cứu nạn và dọn dẹp sau bão”, ông viết.
Không những quan tâm đến việc dọn dẹp như lời ông Lý nói mà thành phố Đà Nẵng đã làm hết sức mình để có một kỳ APEC ấn tượng, trang trọng nhất. Bức thư kêu gọi và cảm ơn của người đứng đầu chính quyền thành phố này - ông Huỳnh Đức Thơ - đã nói lên tất cả. Hàng ngàn người dân từ trẻ nhỏ cho đến người già, từ cán bộ cho đến người làm thuê… đã xuống đường tất tả dọn vệ sinh trong khi những ngày gió bão vần đảo, sóng biển vẫn ầm ào. Đó chỉ có thể là lòng tự trọng, sự mến khách, muốn làm đẹp mình để làm đẹp lòng khách.
Thú vị chuyện bên lề APEC 1
Người dân Đà Nẵng đón đợi các đoàn lãnh đạo trong trật tự, nghiêm túc Ảnh: Hoàng Sơn
Thú vị chuyện bên lề APEC 2
Đoàn người náo nức chào đón ông Putin Ảnh: Đậu Tiến Đạt
Thú vị chuyện bên lề APEC 3
Người Đà Nẵng vui vẻ đội mưa đón chờ đoàn xe "khủng" chuyên chở Tổng thống Mỹ Ảnh: Huy Đạt
Thú vị chuyện bên lề APEC 4
Sự nồng nhiệt của những người dân Đà Nẵng với du khách Mỹ khi đón Tổng thống Mỹ Donald Trump Ảnh: H.S
Thú vị chuyện bên lề APEC 5
Người dân Đà Nẵng với lòng mến khách của mình, tất bật dọn dẹp, sửa sang phố phường để đón đại biểu APEC Ảnh: H. Sơn
Thú vị chuyện bên lề APEC 6
Những ngày tác nghiệp về APEC, sự mến khách của người Đà Nẵng mà tôi ấn tượng nhất là hình ảnh cha con anh Nguyễn Văn Tri (trú tại Sơn Trà, Đà Nẵng) cầm ô che nắng đứng trên cầu Rồng để chờ đoàn xe các đoàn đại biểu đi qua. Anh Tri kể, từ sáng sớm, biết đoàn xe sẽ chạy qua cầu Rồng, các con anh nằng nặc đòi đi xem cho bằng được. Anh nói: “Ngoài sự tò mò được xem các đoàn siêu xe chở tổng thống, thủ tướng các quốc gia, tôi cũng muốn cùng các con chào đón các đại biểu đến Đà Nẵng dự họp. Dễ gì có cơ hội như thế này”. Trưa 10.11, đoàn xe chở hàng loạt lãnh đạo các nền kinh tế thường xuyên xuất hiện trên truyền hình như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình… đã chạy qua các phố Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp… trong sự hò reo cùng những tràng vỗ tay nồng nhiệt của người dân.

tin liên quan

Mở cửa tham quan vườn tượng APEC
Vườn tượng là nơi quy tụ 21 bức tượng nghệ thuật được sáng tác từ ý tưởng của mỗi thành viên nền kinh tế APEC.
Nhiều du khách đến Đà Nẵng cũng ấn tượng với văn hóa giao thông của người dân thành phố trong dịp APEC. Giao thông đảo lộn khi nhiều đường bị cấm để nhường cho xe đại biểu đi qua. Có khi người đi đường dầm mưa cả tiếng đồng hồ. Tuy có sự nóng lòng nhưng ai nấy đều chấp hành nghiêm chỉnh các quy định và kiên nhẫn chờ đợi.
Anh Nguyễn Văn Thạch, một vị khách đến từ TP.HCM, tỏ ra thán phục: “Tôi đã nghe người ta kể nhiều về văn hóa giao thông của người dân Đà Nẵng. Và tôi ấn tượng nhất là cách nhường đường lúc đông đúc”.
Từ logo, áo truyền thống đến Smart City
Từ logo, áo truyền thống đến Smart City
Các lãnh đạo mặc trang phục truyền thống dự yến tiệc chiêu đãi Ảnh: TTXVN
Logo biểu trưng năm APEC Việt Nam 2017 đã được Công ty Mark&B thực hiện sau một cuộc thi sáng tác mẫu. Logo chính thức mang ý nghĩa tập hợp những hình chuyển động xoay quanh tâm là mặt trời, được cách điệu từ hình tượng mái chèo và chim hạc trên trống đồng Hoàng Hạ. Hình ảnh 21 chim hạc tượng trưng cho 21 nền kinh tế thành viên APEC, còn bố cục chuyển động tròn gợi hình ảnh một động cơ phản lực, thể hiện sự năng động của khối kinh tế thế giới này.
Trang phục truyền thống APEC 2017 của chủ nhà Việt Nam đã được các lãnh đạo mặc trong yến tiệc chiêu đãi tối 10.11. Tất cả đều được may bằng loại lụa tơ tằm Việt cao cấp và dệt, nhuộm thủ công theo bí quyết gia truyền với hai màu trắng ngà - xanh nước biển. Khuy cài áo được lấy ý tưởng từ biểu tượng của APEC 2017.
Truyền thống mặc trang phục tiêu biểu của nước chủ nhà bắt đầu từ Hội nghị APEC năm 1993 ở Seattle (Mỹ), khi Tổng thống Bill Clinton đề nghị các thành viên mặc áo khoác da phi công để chụp ảnh chung. Với bộ trang phục năm nay, một số người dân bình luận rằng nên để khách mặc áo dài vẫn hơn và màu áo không được sang, nếu là màu vàng như lần trước ở Hà Nội thì đẹp hơn.
Năm nay, Việt Nam đem đến APEC sáng kiến về tiêu chuẩn cho mô hình Smart City (Thành phố thông minh). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một dự án trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng được APEC tài trợ, và cũng là một trong số rất ít dự án được duyệt.
Nội dung và mục tiêu chính của dự án là tổ chức các cuộc điều tra cùng các hội thảo quy mô để chia sẻ những mô hình Smart City thực hành tốt, trao đổi thông tin trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đánh giá sự phù hợp nhằm thúc đẩy xây dựng các thành phố thông minh trong khu vực. Được biết, APEC không tài trợ dự án cho một quốc gia độc lập nào cả. Các dự án của APEC đều mang tính chất khu vực.
Nghi Lạc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.