Thông điệp chống biến đổi khí hậu từ San Francisco

Khánh An
Khánh An
18/09/2018 00:00 GMT+7

Giới lãnh đạo từ các quốc gia và doanh nghiệp trên thế giới cùng cam kết đảm bảo mục tiêu trong Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu.

Hội nghị thượng đỉnh về hành động chống biến đổi khí hậu (GCAS) tại thành phố San Francisco (bang California, Mỹ) đưa ra nhiều thông điệp và cam kết mạnh mẽ nhằm xóa bỏ hoàn toàn phát thải khí nhà kính. Qua hơn 300 sự kiện, hội thảo, giới thiệu kinh nghiệm, 4.500 đại biểu đã củng cố lòng tin cho các nước thành viên trong Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu tiến tới thông qua bộ quy tắc thực thi tại hội nghị LHQ ở Ba Lan vào tháng 12 tới. Nội dung quan trọng của thỏa thuận là giảm phát thải khí nhà kính để nhiệt độ tăng thêm tối đa 2oC vào năm 2030 so với thời điểm trước công nghiệp hóa.
Hôm qua, lãnh đạo 26 thành phố tham gia cam kết “Đường phố Xanh” với nội dung sử dụng xe buýt không khói vào năm 2025, bên cạnh phát triển những khu vực đô thị không phát thải khí nhà kính. Hơn 70 lãnh đạo cam kết thực thi kế hoạch hành động ngay từ năm 2020 nhằm đạt mục tiêu xây dựng thành phố không phát thải khí nhà kính trước năm 2050. Bên cạnh đó, 815 thành phố đã tham gia “Hiến chương Một hành tinh” để tiếp tục xây dựng các tòa nhà không khí thải và rác thải. Ngoài ra, nhiều thành phố cam kết sẽ hành động nhằm giữ nhiệt độ tăng trong mức 1,5oC, thấp hơn mức 2oC trong Thỏa thuận Paris.
Cùng ngày, hơn 17 thông điệp được đưa ra tại sự kiện do các tổ chức 30x30 Forest và Food and Land Challenge, kêu gọi hành động nhằm cải thiện lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ thực phẩm, bảo tồn rừng, môi trường sống và đưa ra giải pháp bền vững. Theo các chuyên gia, sự kiện thu hút sự tham gia của nông dân, đầu bếp, lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức cho thấy bước tiến mới trong việc quản lý đất đai nhằm chống biến đổi khí hậu, cũng như lan tỏa nguồn cảm hứng trên toàn cầu. Trả lời Thanh Niên đưa tin tại hội nghị, chuyên gia Manuel Pulgar-Vidal phụ trách về khí hậu và năng lượng tại Tổ chức WWF cho biết lĩnh vực nông, lâm nghiệp và việc sử dụng đất gây phát thải khí nhà kính còn nhiều hơn lĩnh vực giao thông, trong khi lại thiếu đầu tư tìm giải pháp. “Tại vòng đàm phán sắp tới của LHQ, các nước cần tập trung hơn vào lĩnh vực này nhằm đặt mục tiêu dựa trên nghiên cứu khoa học và đưa ra giải pháp để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu”, ông kêu gọi.
Một trong những cam kết đưa ra tại hội nghị là “Thách thức 30x30”, với sự tham gia của hơn 100 tổ chức, doanh nghiệp và chính quyền địa phương vào chuỗi chương trình hành động nhằm ngăn ngừa phát thải khí nhà kính từ việc sử dụng đất nông, lâm nghiệp. Bên cạnh đó, cam kết về tài chính của Cơ sở Môi trường toàn cầu (GEF) sẽ đầu tư 500 triệu USD (11.625 tỉ đồng) vào chương trình cải thiện môi trường trong sử dụng đất cũng như thực hiện các giải pháp khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Riêng về lĩnh vực thực phẩm, cam kết Cool Food Pledge đưa ra cơ sở giúp các công ty, trường học, bệnh viện và đô thị cung cấp thực phẩm tốt cho sức khỏe, đồng thời giảm 25% lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực này vào năm 2030. Cam kết cũng bao gồm công cụ giúp các thành viên đo đếm tác động đến biến đổi khí hậu từ thực phẩm mà họ sản xuất. Một cam kết cụ thể khác là FoodShot Global có sự tham gia của 13 tập đoàn thực phẩm toàn cầu, quỹ đầu tư, ngân hàng và trường đại học sẽ tập trung đầu tư vào nghiên cứu công nghệ mới nhằm cải tạo đất. Thông qua đó, ngành nông nghiệp sẽ tạo ra sản phẩm năng suất cao, nhiều dinh dưỡng, giảm sử dụng hóa chất gây ô nhiễm.
Tại Brazil, các nhà đầu tư với tổng tài sản trị giá 5.600 tỉ USD đồng ý tham gia vào liên minh dự án Cerrado Manifesto nhằm hỗ trợ việc bảo tồn vùng sinh thái hoang mạc rộng lớn Cerrado. Cũng tại Nam Mỹ, Ủy ban Liên hiệp về phát triển dầu cọ bền vững cam kết duy trì cân bằng giữa phát triển và bảo tồn. Cụ thể, ủy ban này sẽ thúc đẩy áp dụng các biện pháp mới nhằm sản xuất dầu cọ hiệu quả tại các vùng đang canh tác, nhằm ngăn xu hướng phá rừng mở rộng diện tích.
Vai trò của người dân
Phát biểu tại hội nghị, tỉ phú Michael Bloomberg, đặc phái viên LHQ về biến đổi khí hậu, nhấn mạnh chính quyền liên bang Mỹ không phải là bên đưa ra quyết định gây ảnh hưởng nhất đến phát thải khí nhà kính, mà vấn đề nằm ở nhu cầu của người dân. Ông Bloomberg cũng khẳng định vai trò quan trọng không kém của các lãnh đạo địa phương trong việc ra chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, chủ doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội mới từ công nghệ hiện đại trong lĩnh vực năng lượng vì khách hàng của họ đều muốn sống trong môi trường trong lành và không ô nhiễm, ông kêu gọi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.