Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng lệnh cấm mang thiết bị điện tử lên máy bay

22/03/2017 13:35 GMT+7

Sau khi lệnh cấm hành khách đến Mỹ và Anh mang thiết bị điện tử có kích thước lớn lên máy bay được ban hành, xuất hiện nhiều ý kiến phản ứng từ các nước liên quan.

Ngày 21.3, Bộ An ninh Nội địa Mỹ thông báo về lệnh cấm mang theo thiết bị điện tử lớn hơn điện thoại như máy tính xách tay, máy tính bảng, máy quay phim... đối với hành khách đến Mỹ từ 10 sân bay ở 8 nước Trung Đông và Bắc Phi. Các thiết bị này thay vào đó phải được ký gửi chứ không được mang theo người (dạng hành lý xách tay).
Theo Reuters, lệnh cấm mới ảnh hưởng đến các sân bay quốc tế Amman (Jordan), Cairo (Ai Cập), Kuwait City (Kuwait), Doha (Qatar), Dubai và Abu Dhabi (UAE), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Casablanca (Ma Rốc), Riyadh và Jeddah (Ả Rập Xê Út). Các sân bay này phục vụ việc chở khách của 9 hãng hàng không lớn bay thẳng đến các thành phố ở Mỹ với tần suất khoảng 50 chuyến/ngày.
Anh sau đó cũng ban hành lệnh cấm tương tự, ảnh hưởng đến 14 hãng hàng không (trong đó có 6 hãng của Anh) và 6 sân bay tại các nước Ả Rập Xê Út, Ai Cập, Jordan, Li Băng, Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia, theo BBC.
Phía Mỹ ra thời hạn cho các hãng hàng không thông báo với hành khách về quy định mới là 96 giờ tính từ 3 giờ ngày 21.3. Trong khi đó, lệnh cấm của Anh có hiệu lực ngay trong ngày 21.3. Cả 2 nước đều không đưa ra thời hạn kết thúc lệnh cấm, theo đài SBS.
Dù phía Mỹ và Anh đều cho rằng các lệnh cấm nhằm ngăn ngừa các mối đe doạ an ninh, tuy nhiên điều đó cũng gây ra những phản ứng từ các nước bị tác động.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sau đó lên tiếng cho rằng lệnh cấm của Mỹ là sai lầm và nên bị bãi bỏ. Hãng thông tấn Anadolu ngày 21.3 dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Ahmet Arslan phàn nàn rằng hành động của Mỹ không công bằng cho Thổ Nhĩ Kỳ và cả Mỹ.
"Mọi biện pháp cẩn trọng cần được thực hiện. Tuy nhiên chúng tôi tin rằng việc cho phép hành khách có thể làm chuyện riêng của họ với các thiết bị trong một chặng đường bay khoảng 12 giờ là một biện pháp tốt, mang tính xây dựng", ông Arslan nói.
Bộ trưởng Giao thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã liên lạc với cơ quan chức năng Mỹ nhằm bãi bỏ hoặc giảm bớt phạm vi hiệu lực của lệnh cấm này.
Hành khách từ một số nước Trung Đông và Bắc Phi, bao gồm cả khách Mỹ, sẽ phải ký gửi hành lý với các thiết bị điện tử cỡ lớn như máy tính bảng, laptop khi bay đến Mỹ AFP
Ông Arslan nói Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng làm mọi biện pháp nhằm giúp các chuyến bay an toàn, tuy nhiên điều đáng lo ngại là số lượng hành khách có thể giảm, cùng với việc hành khách mất đi sự thoải mái khi bay sau khi lệnh cấm được áp dụng.
Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ, ông Serdar Kilic thì coi hành động của Mỹ và Anh là không thể chấp nhận và không thực tế. Ông Kilic chỉ trích lực lượng tình báo phương Tây trước khi ban hành lệnh cấm đã không cho Thổ Nhĩ Kỳ thời gian để kiểm tra và áp dụng các biện pháp an ninh tại các sân bay ở nước này, theo The Guardian.
Tờ Arab News dẫn lời người phát ngôn chính quyền Ả Rập Xê Út, ông Mansour al-Badr nói rằng chính quyền Mỹ đã thông báo về lệnh cấm nhưng phía Riyadh "không biết lý do đằng sau lệnh cấm này".
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ trưởng Giao thông liên bang Úc, bà Kate Barwick cho hay chính quyền Úc không có kế hoạch ban hành lệnh cấm tương tự của Anh và Mỹ, theo trang News.com. Đức và New Zealand cũng chưa cân nhắc về ban hành lệnh cấm tượng tự, AFP cho biết.
Tờ The Globe and Mail thì dẫn lời Bộ trưởng Giao thông Canada, ông Marc Garneau thông báo chính quyền đang đánh giá thông tin tình báo do phía Mỹ gửi qua để quyết định có nên ban hành lệnh cấm tương tự đối với các chuyến bay từ Trung Đông hay không. Ông Garneau nói Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ John Kelly đã gọi điện cho ông vào ngày 21.3 để giải thích về quyết định ban hành lệnh cấm của chính quyền Trump.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.