Thổ Nhĩ Kỳ bắt 6.000 người sau đảo chính

18/07/2016 10:09 GMT+7

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch truy quét quy mô cực lớn để “thanh lọc” phong trào của một giáo sĩ lưu vong bị cáo buộc chủ mưu đảo chính.

Ngày 17.7, Reuters đưa tin sau cuộc đảo chính thất bại của một nhóm quân nhân khiến 265 người thiệt mạng đêm 15.7, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành truy bắt trên toàn quốc với mục tiêu gồm thẩm phán, sĩ quan cấp cao cho đến nhiều dân thường bị nghi là tín đồ của giáo sĩ Fethullah Gulen. Ông này từng là đồng minh của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan nhưng sau đó bị cáo buộc gây bất ổn và đã lưu vong tại Mỹ từ năm 1999. Ankara khẳng định ông này đứng sau vụ binh biến thất bại, còn giáo sĩ Gulen tố ngược chính quyền của Tổng thống Erdogan “dàn dựng đảo chính” để có cớ đàn áp phong trào của ông, theo tờ The Guardian.
Tướng lĩnh, cố vấn sa lưới
Hôm qua 17.7, tổng cộng lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ khoảng 6.000 người và con số này có thể còn tăng do chiến dịch truy quét vẫn đang diễn ra, theo Bộ trưởng Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag. Trong số những người bị bắt có gần 3.000 thẩm phán, công tố viên, khoảng 3.000 binh sĩ, sĩ quan cùng nhiều dân thường. Đặc biệt có cả những nhân vật cấp cao như ông Ali Yazici, cố vấn quân sự của Tổng thống Erdogan và Chuẩn tướng Bekir Ercan Van, chỉ huy căn cứ không quân Incirlik - nơi Thổ Nhĩ Kỳ cho Mỹ và đồng minh mượn để làm cơ sở tiến hành chiến dịch không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Để phục vụ bắt giữ tướng Van, chính quyền Ankara đã phong tỏa và cắt điện tại căn cứ Incirlik từ đêm 16.7. Đến tối qua 17.7, Lầu Năm Góc thông báo giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã mở lại căn cứ và chiến dịch chống IS đã được khôi phục.
Lãnh đạo, quan chức cấp cao của nhiều nước phương Tây cực lực lên án vụ đảo chính nhưng kêu gọi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng pháp quyền trong quá trình xử lý hậu quả. AFP dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh tất cả phải hành động theo pháp luật, còn Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cảnh báo vụ đảo chính “không thể là cớ” cho Tổng thống Erdogan mạnh tay với phe đối lập.
Trong ngày 17.7, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi điện cho ông Erdogan, bày tỏ hy vọng trật tự và ổn định sẽ sớm được khôi phục ở Thổ Nhĩ Kỳ, theo Reuters. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết thêm hai nhà lãnh đạo có thể gặp nhau vào tháng 8. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy quan hệ hai nước đang được cải thiện sau thời gian dài khủng hoảng vì vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga hồi tháng 11.2015.
Mỹ bác bỏ dính líu đảo chính
Hiện chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc giục Mỹ cho dẫn độ giáo sĩ Gulen về nước để điều tra. Thủ tướng Binali Yildirim thậm chí tuyên bố bất kỳ quốc gia nào đứng về phía ông Gulen sẽ bị xem là tuyên chiến với Ankara, theo Reuters. Đáp lại, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói nước này sẵn sàng hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ trong việc điều tra những đối tượng liên quan đến đảo chính nhưng ông nhấn mạnh Washington chỉ hành động nếu có bằng chứng cho thấy giáo sĩ Gulen phạm pháp. Ngoại trưởng Kerry cũng kịch liệt bác bỏ tuyên bố của Bộ trưởng Lao động Thổ Nhĩ Kỳ Suleyman Soylu rằng Mỹ có thể liên quan đến vụ đảo chính và cảnh báo phát biểu này làm tổn hại quan hệ song phương, theo Reuters.
Đến tối 17.7, tình hình đã dần trở lại bình thường. Phi trường quốc tế Ataturk ở TP. Istanbul đã được mở lại, còn Iran đã nối lại các chuyến bay đến và đi từ Thổ Nhĩ Kỳ, theo Reuters. Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Mehmet Simsek lên tiếng kêu gọi các nhà đầu tư không nên lo lắng, khẳng định chính quyền Ankara đã làm chủ tình hình và đã đưa ra “tất cả biện pháp cần thiết” để hỗ trợ doanh nghiệp. Ngân hàng trung ương, các thị trường tài chính, sàn chứng khoán đều đã hoạt động trở lại.
Mặt khác, giới chức tuyên bố chiến dịch chống các phần tử đảo chính vẫn chưa kết thúc. Vì vậy, Mỹ vẫn khuyến cáo công dân hạn chế đến Thổ Nhĩ Kỳ đồng thời chưa ra lệnh nối lại các chuyến bay, theo AFP.
Không có người Việt bị ảnh hưởng
Trả lời Thanh Niên ngày 17.7, Đại sứ Phạm Sanh Châu, Trưởng đoàn VN đang dự khóa họp của Ủy ban Di sản thế giới thuộc UNESCO tại Istanbul cho biết tình hình tại thành phố này hiện đã ổn định trở lại. Theo đại sứ, đoàn nước ta vẫn giữ đúng lịch mời đại sứ các nước có di sản vừa được công nhận là di sản thế giới dùng cơm vào trưa qua 17.7. Đặc biệt, trong các di sản thế giới mới, có một số do VN hỗ trợ tư vấn khi làm hồ sơ. Đây cũng là dịp đoàn VN bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết với nước chủ nhà sau những diễn biến nghiêm trọng vừa qua.
Cùng ngày, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán VN Lê Thị Minh Trang xác nhận với Thanh Niên rằng không có người Việt nào bị ảnh hưởng trong vụ đảo chính. Các sân bay ở Ankara và Istanbul cũng hoạt động lại gần như bình thường nên những du khách Việt bị kẹt trong phòng chờ từ đêm 15.7 cũng dần được lên các chuyến bay. Bà Minh Trang cho hay: “Đường sá ở thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ đã đông xe trở lại, mọi người ra đường cũng an tâm hơn. Trong khi sáng 16.7, tôi ra một số cửa hàng ở gần đại sứ quán thì ngoài đường rất vắng, ai cũng có vẻ lo lắng, cảnh giác. Tôi cũng thế, đi tới đâu cũng nhìn trước ngó sau”.
Lan Chi
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.