Thiên đường rửa tiền ở Trung Quốc

10/04/2016 10:42 GMT+7

Trung Quốc bị cho là đang trở thành thiên đường rửa tiền mới cho những băng nhóm lừa đảo và buôn bán ma túy trên khắp thế giới.

Trung Quốc bị cho là đang trở thành thiên đường rửa tiền mới cho những băng nhóm lừa đảo và buôn bán ma túy trên khắp thế giới.

Cảnh sát Tây Ban Nha bố ráp chi nhánh Ngân hàng Công thương Trung Quốc - Ảnh: ReutersCảnh sát Tây Ban Nha bố ráp chi nhánh Ngân hàng Công thương Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Đối với giới lừa đảo quốc tế, cái tên Gilbert Chikli gần như trở thành một huyền thoại. Siêu lừa mang quốc tịch Pháp và Israel này được xem là người “khai tông lập phái” cho trò giả danh “chủ tịch tập đoàn” hoặc “sĩ quan tình báo” nhằm chiếm lòng tin của con mồi và dẫn dụ họ chuyển tiền.
Chiêu trò của Chikli là khởi nguồn cho cả một thế hệ lừa đảo từng khiến hàng ngàn công ty, chủ yếu ở Mỹ, thiệt hại 1,8 tỉ USD chỉ trong 2 năm, theo Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI). Bậc thầy lừa đảo này còn là nguồn cảm hứng cho một bộ phim Pháp phát hành cuối năm 2015 có tên Je compte sur vous (tạm dịch: Tôi trông chờ bạn).
Trong một cuộc phỏng vấn với AP mới đây, Chikli tiết lộ y từng lừa được nhiều ngân hàng, công ty lớn trên thế giới với số tiền khổng lồ.
Trong vòng chưa đầy 2 năm, y kiếm được ít nhất 6,1 triệu euro (gần 7 triệu USD) chỉ từ nước Pháp. Tuy nhiên, vấn đề là Chikli không thể tiêu số tiền “bẩn” đó. Do vậy, y cần phải tìm ra điểm yếu trong hệ thống tài chính toàn cầu, nơi có thể làm cho tiền “bẩn” trở nên sạch sẽ. Cuối cùng, Chikli đã tìm thấy điểm yếu đó ở Trung Quốc.
Siêu lừa không ngần ngại tiết lộ với AP rằng y đã rửa 90% số tiền “bẩn” của mình thông qua Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, với chiêu hay sử dụng là xuất - nhập khẩu. Theo đó, Chikli chuyển các khoản tiền “bẩn” cho một số công ty bình phong ở Hồng Kông rồi tìm cách rút ra. Số tiền này được sử dụng để mua hàng hóa ở Trung Quốc.
Mặc dù chỉ mua 20 tấn thép, nhưng Chikli có thể hối lộ bạn hàng để người này ghi biên nhận tới 100 tấn. Sau đó, Chikli bán hàng mua được và gửi tiền về Israel, nơi những hóa đơn giả làm cho toàn bộ số tiền của y như những khoản lợi nhuận hợp pháp.
Mảnh đất màu mỡ của tội phạm
Chiêu thức rửa tiền trên đang trở thành mối lo ngại ngày càng gia tăng đối với giới chức Mỹ. AP dẫn cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ hồi tháng 9.2015 cho hay một mạng lưới rửa tiền toàn cầu do 3 người Colombia cầm đầu ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc từng chuyển hơn 5 tỉ USD cho các băng tội phạm buôn bán ma túy ở Tây Ban Nha và Mexico. Mạng lưới này bị tình nghi hoạt động ở Mỹ, Colombia, Tây Ban Nha, Ecuador và Venezuela.
Giống Chikli, nhóm tội phạm xử lý các khoản tiền “bẩn” thông qua tài khoản ngân hàng ở Hồng Kông và Trung Quốc đại lục rồi “rửa” chúng bằng cách mua hàng hóa rồi mang bán lại ở Colombia và một số nơi khác. Băng nhóm này nằm trong số những tội phạm quốc tế dùng Trung Quốc như là một trung tâm rửa tiền, nơi mà chúng có thể giấu tiền an toàn, “rửa” rồi bơm trở lại thị trường tài chính toàn cầu.
Hồi tháng 2.2016, một nguồn tin tiết lộ với CNN rằng cảnh sát Tây Ban Nha đã bố ráp chi nhánh Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) ở thủ đô Madrid và bắt giữ 5 lãnh đạo với cáo buộc cung cấp dịch vụ rửa tiền khắp châu Âu.
ICBC còn bị tình nghi cung cấp nhiều dịch vụ để những tổ chức tội phạm của người Trung Quốc và Tây Ban Nha đưa vào hệ thống tài chính những khoản tiền “bẩn”, “cho phép chúng được chuyển đến Trung Quốc theo cách dường như hợp pháp”, theo CNN dẫn thông cáo từ Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol). Khi đó, Đại sứ quán Trung Quốc ở Madrid khẳng định các ngân hàng nước này hoạt động ở Tây Ban Nha theo luật nước sở tại và Trung Quốc.
Cách đó gần 3 tháng, vào tháng 11.2015, cảnh sát ở miền đông Trung Quốc đã triệt phá một đường dây ngân hàng “chui” liên quan đến các giao dịch trị giá tổng cộng 64 tỉ USD, bắt giữ 100 nghi phạm từ 8 băng nhóm, theo CNN. Những băng nhóm này bị cho là dính líu tới một ông trùm vận hành nhiều công ty bình phong ở Hồng Kông tham gia hoạt động rửa tiền và giao dịch ngoại hối.
Cùng thời điểm đó, cảnh sát Trung Quốc phát hiện 10 ngân hàng “chui”, bị tình nghi liên quan đến nhiều giao dịch bất hợp pháp, với tổng số tiền lên tới khoảng 51,6 tỉ nhân dân tệ (8,1 tỉ USD). Theo truyền thông Trung Quốc, trong hơn một năm qua, giới chức nước này đã truy nã 56 đối tượng, phong tỏa 3.000 tài khoản ngân hàng, đóng cửa 37 đơn vị tài chính bị tình nghi rửa tiền và xem xét lại hơn 1,3 triệu giao dịch mờ ám.
Điểm mù của thế giới
Trong cuộc họp báo thường kỳ mới đây, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định rằng nước này “không phải là trung tâm rửa tiền toàn cầu”. Tuy nhiên, theo AP, bức tường pháp lý bao bọc Trung Quốc đang góp phần biến nước này trở thành thiên đường cho giới tội phạm rửa tiền.
Trong một báo cáo công bố hồi tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc có những động thái mập mờ đối với những cuộc điều tra rửa tiền. “Trung Quốc hợp tác không đầy đủ với các cuộc điều tra tài chính và không phản hồi đầy đủ những yêu cầu cung cấp thông tin điều tra”, AP trích báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay.
Ngoài ra, việc Trung Quốc và các nước phương Tây chưa ký hiệp ước dẫn độ cũng gây trở ngại cho những cuộc điều tra như trên. Trong cuộc trả lời phỏng vấn của AP trước khi về hưu, đặc nhiệm FBI Jay Bienkowski nhấn mạnh dẫn độ rất quan trọng cho việc truy bắt tội phạm xuyên biên giới, nhưng Mỹ và Trung Quốc chưa ký hiệp ước dẫn độ. Tương tự, Europol chưa có thỏa thuận hợp tác với Trung Quốc. Có lẽ do đó mà trưởng bộ phận tình báo tài chính của Europol Igor Angelini thừa nhận với AP: “Đối với chúng tôi, đó là một điểm mù”.
Siêu lừa Chikli
Tài nghệ “đá cá lăn dưa” của Gilbert Chikli vốn phát tiết từ thuở bé. Siêu lừa 50 tuổi này kể với AP rằng từ khi lên 8 tuổi, y đã lấy cắp tập vở trong trường rồi bán lại cho bạn cùng lớp. Lớn lên, Chikli lao vào con đường lừa gạt thẻ tín dụng và phát hiện ra “tài năng thiên bẩm” là thuyết phục người khác tin mình.
Gilbert Chikli vẫn đang sống tự do cùng vợ ở Israel - Ảnh: Mywebmemo.com
           Gilbert Chikli vẫn đang sống tự do cùng vợ ở Israel - Ảnh: Mywebmemo.com
Chỉ cần một chiếc điện thoại bàn, y có thể lừa hàng chục công ty và ngân hàng bằng cách gọi điện tới nhân viên tự xưng là chủ tịch, tổng giám đốc hoặc sĩ quan tình báo rồi thuyết phục họ chuyển tiền vào tài khoản của y.
Với chiêu thức này, Chikli đã rút ruột được hàng triệu euro từ các công ty và ngân hàng ở Pháp, trong đó có La Banque Postale và HSBC. Hồi tháng 5.2015, tòa án Pháp đã xử vắng mặt Chikli với mức án 7 năm tù giam và phạt 1 triệu euro. Dù bị truy nã ở Pháp, nhưng Chikli vẫn đang sống tự do ở Israel. Giới chức Israel từ chối giải thích vì sao siêu lừa này có thể sống ung dung ở nước này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.