Thế trận quân sự mới của Mỹ để đương đầu Trung Quốc

05/09/2021 06:15 GMT+7

Tuyên bố mới nhất của Mỹ đã mở ra chiến lược mới của nước này trong việc tái bố trí lực lượng quân sự để đối phó Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.

Vừa qua, Phó đô đốc Michael McAllister, Tư lệnh Tuần duyên Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương, ngày 3.9 đã có cuộc họp báo từ xa với các phóng viên trong khu vực, nói về vai trò và nhiệm vụ của Tuần duyên Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (Indo-Pacific).

Theo nội dung họp báo, ông McAllister thông báo tuần duyên nước này vừa ra mắt đội tàu phản ứng nhanh tại đảo Guam. Bên cạnh đó, từ ngày 8.8, tàu tuần duyên Munro (WMSL 755) được triển khai đến hoạt động tại khu vực và có các hoạt động chung với Tuần duyên Nhật Bản lẫn Philippines.

Ông thông tin: “Đó là một phần của lực lượng hải quân được tích hợp mà chúng tôi đã làm rõ trong chiến lược 3 lực lượng Mỹ”.

Chiến lược hải quân “3 trong 1”

Cuối năm 2020, Mỹ đề ra kế hoạch tích hợp 3 lực lượng hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên trở thành lực lượng quân sự chung trên biển nhằm ứng phó các thách thức mới mà trong đó có Biển Đông.

Phân tích kế hoạch vừa nêu khi trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng việc Mỹ tích hợp 3 lực lượng để các hoạt động ứng phó trở nên chặt chẽ và toàn diện hơn.

“Ví dụ lực lượng tuần duyên phù hợp giải quyết thách thức về môi trường và thực thi pháp luật trong lĩnh vực hàng hải như ngăn cản hành vi bắt nạt ngư dân, phá hoại môi trường, buôn lậu… Đó là những hành vi không phải gây chiến, nhưng ẩn chứa rủi ro phá hoại, thậm chí dẫn đến xung đột”, cựu đại tá Schuster chỉ ra và cho rằng lực lượng tuần duyên có thể ngăn cản hiệu quả để phòng ngừa xung đột xung quanh các hành vi trên.

Đây có thể xem là một phương pháp “dùng gậy ông đập lưng ông” đối với Trung Quốc, bởi Bắc Kinh thường xuyên điều động các tàu hải cảnh gây rối ở Biển Đông dưới hình thức “phi quân sự”.

Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích: “Vì Trung Quốc sử dụng hải cảnh và các tàu khảo sát “núp bóng” nghiên cứu để phục vụ tham vọng bành trướng, nên việc Mỹ phối hợp hải quân với tuần duyên là rất quan trọng. Trung Quốc cũng đã tích hợp khi việc cải tổ gần đây đã thống nhất hoạt động của hải quân và hải cảnh nước này. Chính vì thế, Mỹ cũng cần tích hợp hoạt động giữa hải quân (lực lượng quân sự) với tuần duyên (lực lượng bán quân sự).

Tàu tuần duyên Munro và tàu khu trục USS Kidd vượt eo biển Đài Loan ngày 27.8

Ảnh: Hạm đội Mỹ

Bên cạnh đó, cũng lực lượng “3 trong 1” của Mỹ, theo ông Schuster, thủy quân lục chiến có thể phối hợp các lực lượng phòng thủ trên bờ, hợp tác với các đồng minh để tiến hành đổ bộ, đáp ứng cả yêu cầu sơ tán cứu hộ khi cần thiết. Còn hải quân thì cung cấp hỗ trợ toàn diện trên biển và cả trên không.

Vì thế, khi tích hợp cả 3 lực lượng vừa nêu, hải quân Mỹ có thể hoạt động toàn diện ở các vùng biển, đối phó các thách thức cả “dân sự” lẫn quân sự.

Không quân nhiều mũi giáp công

Về phía không quân, tháng 12.2020, Mỹ tiến hành cuộc tập trận hiếm có khi điều động oanh tạc cơ chiến lược B-1 Lancer từ đảo Guam bay đến Biển Đông, rồi tập trận cùng máy bay chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-22 tại đây.

Lực lượng tham gia tập trận gồm 2 oanh tạc cơ B-1 Lancer từ căn cứ Ellsworth (bang Nam Dakota, Mỹ), và 2 chiếc B-1 khác từ căn cứ không quân Anderson ở đảo Guam đều bay đến vùng biển Nhật Bản.

Trong cuộc tập trận, tại vùng biển Nhật Bản, 4 máy bay tiêm kích F-15C của Mỹ xuất phát từ căn cứ không quân Kadena (Nhật) đã phối hợp với 4 chiếc B-1. Chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-35 của thủy quân lục chiến Mỹ đang đóng tại Nhật và máy bay tiêm kích F-15J của lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản cũng tham gia cuộc tập trận. Kèm theo, còn có thêm chiến đấu cơ F/A-18 được trang bị cho tàu sân bay USS Ronald Reagan. Bên cạnh đó, 2 oanh tạc cơ B-2 Spirit từ căn cứ Diego Garcia ở Ấn Độ Dương cũng tiến hành huấn luyện ở Ấn Độ Dương.

Ngoài các cuộc tập trận trên, oanh tạc cơ B-1 cũng nhiều lần xuất phát từ lục địa ở Mỹ hoặc cất cánh từ đảo Guam hoặc căn cứ tại Nhật để thực thi các sứ mệnh ở Biển Đông, hoặc rộng hơn là khu vực tây Thái Bình Dương.

Các cuộc tập trận trên định hình năng lực triển khai của không quân Mỹ đến Biển Đông hoặc vùng tây Thái Bình Dương từ 3 hướng: hướng đông là từ đảo Guam, hướng tây nam từ căn cứ Diego Garcia có thể đánh chặn ở eo biển Malacca - cửa ngõ từ Thái Bình Dương vào Ấn Độ Dương, và hướng bắc là từ Nhật hoặc từ bên trong lục địa Mỹ bay qua Nhật.

Các căn cứ mà chiến đấu cơ Mỹ có thể xuất kích đến Biển Đông

Đồ họa: Hoàng Đình

Định hình vai trò lục quân

Cũng vào tháng 8.2020, một số chuyên trang quân sự loan tin Mỹ vừa điều động máy bay tình báo, do thám và trinh sát (ISR) đến căn cứ ở Nhật Bản để hoạt động tại Indo-Pacific. Cùng thời điểm, các ứng dụng theo dõi hoạt động hàng không cho thấy 1 máy bay ISR của lục quân Mỹ đã đến Nhật và tiến hành một số hoạt động tại khu vực lân cận.

Trả lời Thanh Niên vào thời điểm trên, cựu đại tá Schuster chỉ ra: “Ở Thái Bình Dương, với sự hiện diện của máy bay ISR, lục quân có thể hỗ trợ hải quân khi tạo ra trung tâm tích hợp gần như tức thì đất đối đất, chống hạm và các hệ thống phòng thủ tên lửa. Việc tích hợp này có thể cộng lực từ nhiều lực lượng của Mỹ và đồng minh trong khu vực Indo-Pacific, trong đó có Biển Đông”. Xa hơn, ông dự báo: “Lục quân Mỹ có thể hướng đến phát triển nhóm chỉ huy chung ở Indo-Pacific”.

Bên cạnh đó, cũng vào tháng 8.2020, tướng lục quân Mỹ James C.McConville tiết lộ nước này đang phát triển các hệ thống tên lửa tấn công tàu chiến để ứng phó Trung Quốc ở Indo-Pacific, trong đó có Biển Đông.

N488CR.jpg – Máy bay ISR số hiệu N488CR của Mỹ đã hoạt động ở nhiều vùng biển gần Trung Quốc

Ảnh: Gomez

Như vậy, tất cả các diễn trên đã hình thành một bức tranh rõ ràng hơn về thế trận bao hàm hải - lục - không quân và thủy quân lục chiến cùng tuần duyên mà Mỹ đang hình thành ở khu vực để đương đầu với Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.