Thế trận hải quân châu Á - Thái Bình Dương: Sân chơi của tàu chiến tối tân

29/07/2011 23:10 GMT+7

Các lực lượng hải quân ở châu Á - Thái Bình Dương không ngừng tăng thêm tàu hiện đại có khả năng tác chiến đa nhiệm mạnh mẽ.

Hiện nay, dư luận đang chú ý đến tàu sân bay sau khi Trung Quốc có thể sắp hạ thủy tàu sân bay đầu tiên của nước này. Trong “câu lạc bộ tàu sân bay” châu Á - Thái Bình Dương nổi bật nhất hiện nay dĩ nhiên là tàu sân bay USS George Washington thuộc Hạm đội 7 hải quân Mỹ. Ngoài ra, còn phải kể đến tàu sân bay loại nhỏ HTMS Chakri Naruebet của Thái Lan. Tuy nhiên, thế trận hải quân trong khu vực không chỉ là cuộc chơi của tàu sân bay. Các loại tàu khu trục, tàu hộ tống cũng rất được chú trọng phát triển. Với lo ngại về tàu sân bay của Trung Quốc, nhiều nước cũng đang tăng cường tàu ngầm, vốn được xem là khí tài chống tàu sân bay khá đắc lực, theo Reuters.

 
Tàu khu trục JDS Atago của Nhật Bản - Ảnh: Navy.forces.gc.ca

Sắp tới, Nga có thể sẽ cho góp mặt hai tàu đổ bộ đa năng lớp Mistral của Pháp trên Thái Bình Dương. Tàu Mistral được trang bị hệ thống phóng tên lửa, súng máy, mang theo được 16 - 35 máy bay lên thẳng, 50 - 70 xe bọc thép… Một số nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết nước này có thể sẽ biên chế hai tàu này vào Hạm đội Thái Bình Dương, theo Itar-Tass hồi tháng 2.

Tàu khu trục dày đặc Đông Bắc Á

Một số thuật ngữ

- Độ choán nước (còn gọi là độ rẽ nước) là khối lượng nước mà tàu sẽ chiếm khi chở tối đa trọng tải. Nói cách khác thì độ choán nước bằng tổng trọng tải cộng với khối lượng thân tàu.

- Lớp tàu chiến có thể được hiểu như một thế hệ, phiên bản tàu chiến.

- Hải lý là đơn vị đo chiều dài trên biển, 1 hải lý tương đương 1,852 km.

Trong khi Trung Quốc ở khu vực này có khoảng 16 tàu khu trục lớn, thì Nhật Bản có đến 40 chiếc, Hàn Quốc có 11 chiếc và hàng chục chiếc của Hạm đội 7 hải quân Mỹ.

Tuy không nổi danh như các tàu khu trục của Mỹ tại đây, nhưng nhiều tàu khu trục của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng hiện đại không kém. Nổi bật phải kể đến tàu khu trục JDS Atago và JS Ashigara thuộc lớp Atago của Nhật Bản có giá trị lên đến 1,5 tỉ USD, theo Global Security. Tàu khu trục lớp Atago được trang bị các hệ thống tên lửa đa nhiệm hiện đại bậc nhất, ví dụ như hệ thống Aegis, đủ sức đánh phá trên không, trên biển và cả trên bộ. Lớp tàu Atago có thể mang theo trực thăng chuyên dụng chống tàu ngầm.

Hàn Quốc lại tự hào với hai tàu khu trục Sejong the Great và Yulgok Yi I thuộc lớp King Sejong the Great. Lớp này có chi phí chế tạo xấp xỉ 1 tỉ USD và cũng trang bị các loại tên lửa đa dạng, súng pháo để đối không, đối hải, và hệ thống tên lửa Aegis thời thượng.

“Khắc tinh” tàu sân bay

Reuters dẫn lời chuyên gia Rory Medcalf thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Lowy ở Sydney (Úc), cho rằng tàu sân bay Trung Quốc đã kích thích số lượng tàu ngầm trong khu vực tăng lên. Singapore và Malaysia hiện là hai quốc gia sở hữu các tàu ngầm tân tiến trong khu vực.

Năm 2009 và 2010, Singapore liên tục tiếp nhận hai tàu ngầm lớp Archer do Thụy Điển đóng, nâng tổng số tàu ngầm của Singapore lên 6 chiếc. Ưu điểm của các tàu ngầm lớp Archer là khả năng di chuyển cực êm, hệ thống định vị chuẩn xác, trang bị đến 9 ống phóng ngư lôi. Còn Malaysia sở hữu hai tàu ngầm thuộc lớp Scorpene do Pháp chế tạo, có khả năng tác chiến linh hoạt với 6 ống phóng ngư lôi và có thể hoạt động liên tục trong 50 ngày. Trong số khoảng 20 tàu ngầm của mình, Nhật rất tự hào với 3 tàu lớp Soryu có kích thước lớn, nhưng di chuyển êm, có 6 ống phóng ngư lôi và hệ thống đánh lừa bằng âm thanh.

Tàu hộ tống của ASEAN

Phù hợp với phạm vi Đông Nam Á, các nước ASEAN trang bị nhiều tàu chiến nhỏ hơn tàu khu trục nhưng hiệu quả tác chiến cao như tàu hộ tống, tàu khu trục nhỏ và tàu đổ bộ.

Hải quân Indonesia có các tàu hộ tống thuộc lớp Ahmad Yani do Hà Lan đóng, có thể chiến đấu đa nhiệm trên biển lẫn trên không và các chiến hạm thuộc lớp Sigma với khả năng tác chiến linh hoạt. Các tàu chiến của Indonesia đều được trang bị nhiều hệ thống tên lửa, súng pháo đa dạng.

Tàu chiến nổi bật của Singapore là 6 tàu hộ tống lớp Formidable do Pháp chế tạo, có thể mang theo trực thăng chống tàu ngầm, di chuyển với tốc độ 27 hải lý mỗi giờ. Các tàu này được trang bị nhiều ống phóng tên lửa chống hạm, chống máy bay, ngư lôi, pháo Otobreda 76 ly và súng máy 12,7 ly dùng trong cận chiến.

Các loại tàu chiến

Phân loại tàu chiến chỉ mang tính chất tương đối và có thể thay đổi theo đặc điểm hải quân mỗi nước.

Tàu sân bay: Tàu chiến kích thước lớn, có thể mang theo nhiều máy bay chiến đấu hay máy bay trực thăng.

Tàu tuần dương: Tàu chiến cỡ lớn, có tầm hoạt động rất rộng, có thể di chuyển nhiều tháng và trang bị nhiều loại tên lửa tầm xa.

Tàu khu trục: Là tàu chiến nhỏ và trang bị hạn chế hơn tàu tuần dương, có khả năng tác chiến linh hoạt.

Tàu khu trục nhỏ, tàu hộ tống: Là các loại tàu chiến cỡ nhỏ hơn tàu khu trục nhưng khả năng tác chiến cũng rất linh hoạt.

Tàu đổ bộ: Là tàu chiến chuyên chở lính, khí tài có thể đổ bộ lên sát bờ biển. Tàu đổ bộ cũng có thể được trang bị một số vũ khí để tác chiến trên biển nên được xem như tàu chiến lưỡng dụng.

Ngô Minh Trí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.