Thắng hay thua, Donald Trump vẫn là dấu ấn khó phai trong lịch sử bầu cử Mỹ

07/11/2016 22:42 GMT+7

Dù thắng hay thua trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 8.11, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump vẫn sẽ để lại dấu ấn đậm chất Trump trong lịch sử chính trị Mỹ.

Mặc dù trước đây nhiều lãnh đạo đảng Cộng hòa phản đối ông Trump, nhưng tỉ phú 70 tuổi này vẫn nỗ lực xây dựng “thương hiệu chính trị riêng” của mình. Cuối cùng tỉ phú vốn không có kinh nghiệm trên chính trường này đã đánh bại hàng loạt đối thủ "có máu mặt" trong đảng và được chọn làm ứng viên chính thức đại diện cho đảng ra tranh cử tổng thống, theo AFP.
Khi được hỏi giữa ông Trump hay Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan (đảng Cộng hòa), ai có thể đại diện cho đảng Cộng hòa tốt hơn, 53% thành viên đảng Cộng hòa giờ đây chọn ông Trump, trong khi ông Ryan chỉ có 33%, AFP dẫn lại một kết quả khảo sát nội bộ đảng Cộng hòa gần đây.
Dù vậy, ông Trump đã gây chia rẽ nội bộ đảng vì những chính sách mà ông đề xuất hầu hết đi ngược với đường lối của đảng này. Có thể kể đến các chính sách bao gồm tái đàm phán hoặc hủy bỏ các thỏa thuận thương mại tự do, chính sách ngoại giao theo đường lối tự cô lập cùng nhiều vấn đề khác.
“Cơ bản một số lãnh đạo đảng Cộng hòa ghét ông Trump. Nhưng những người ủng hộ đã theo sát ông Trump”, giáo sư chuyên về khoa học chính trị Robert Shapiro thuộc Đại học Columbia nhận định.
Ông Shapiro cho rằng “hiện tượng Trump” sẽ tiếp diễn sau ngày bầu cử. “Những người ủng hộ ông Trump sẽ tiếp tục theo đuổi quan điểm của họ về thương mại, chính sách nhập cư và tất cả những vấn đề khác mà ông Trump đề xuất”, ông Shapiro nói.
Đối đầu với đối thủ nặng ký Hillary Clinton nhưng ông Donald Trump vẫn tự tin và được nhiều người ủng hộ Reuters
Ấn tượng từ giọng điệu hùng hổ
Giọng điệu cùng nét mặt hùng hổ của ông Trump khi phát biểu được cho là để lại dấu ấn và trở thành "tấm gương" để người khác noi theo trong những chiến dịch vận động tranh cử tương lai.
“Ông Trump làm thay đối chiến lược vận động tranh cử. Chúng ta có thể sẽ chứng kiến thêm nhiều ứng viên tương lai làm theo những gì ông Trump từng làm, cố thoát ly khỏi lề lối của đảng, sử dụng mạng xã hội công kích đối thủ, bày tỏ bất đồng đối với đảng. Nhiều người sẽ nghĩ rằng ông Trump làm được như thế, tại sao mình không thử”, giáo sư Jeanne Zaino của Đại học Iona (New York) nhận xét.
Đa số những cử tri ủng hộ ông Trump là người da trắng thuộc tầng lớp lao động chân tay và người da trắng cao tuổi với quan điểm bảo thủ. Ông Trump tuyên bố sẽ bảo vệ những người này thông qua việc chỉ trích chính sách của chính quyền Barack Obama.
Trong lúc cố đưa ra những thông điệp nhắm vào những người ủng hộ mình, ông Trump cũng đưa ra nhiều phát ngôn gây tranh cãi về phụ nữ, xúc phạm dân nhập cư, người Mỹ gốc Phi, người Hồi giáo và cả người khuyết tật. Những điều này làm gia tăng sự chia rẽ trong lòng nước Mỹ.
Ông Trump cũng nổi tiếng với những thông điệp mang hơi hướng chủ nghĩa dân túy, giúp thu hút được nhiều người ủng hộ. “Tư tưởng theo chủ nghĩa dân túy của ông Trump sẽ tiếp tục thống lĩnh và có sức ảnh hưởng trong đảng Cộng hòa”, ông Roger Stone, cố vấn chính trị của ông Trump nói.
Và trong mắt những cử tri ủng hộ Trump, ông có vẻ “liêm khiết” vì tự bỏ tiền túi 56 triệu USD trong chiến dịch tranh cử, trong khi đối thủ bên phía đảng Dân chủ là bà Hillary Clinton được cho là phải dùng những mối quan hệ mật thiết ở Phố Wall để kiếm tiền tài trợ cho chiến dịch tranh cử.
Giới quan sát vẫn chưa thể nhận định liệu ông trùm bất động sản Trump nếu thua trong cuộc bầu cử này sẽ tiếp tục con đường chính trị hay sẽ tiếp tục phát triển sự nghiệp kinh doanh.
Một số người ủng hộ ông Trump dự kiến sẽ tạo ra một trang tin mang thương hiệu Trump để tiếp tục lan truyền những thông điệp theo chủ nghĩa dân túy của ứng cử viên này. Hiện ban vận động tranh cử của ông Trump đã có sẵn một kho dữ liệu khổng lồ về những người ủng hộ cũng như những mạnh thường quân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.