Thắng bại từ các thang chấm điểm

25/04/2007 14:11 GMT+7

Theo quy định của chính phủ Úc về vấn đề xét duyệt thị thực nhập cảnh có thời hạn và vĩnh viễn cho người di dân có tay nghề thì việc vượt qua giai đoạn xét duyệt tay nghề và các bước chấm điểm để hội đủ điều kiện được vào nước này sinh sống và làm việc là điều không hề đơn giản.

Các thang điểm quy định được dựa vào những tiêu chuẩn cơ bản về tay nghề, tuổi tác, trình độ Anh ngữ, kinh nghiệm làm việc, bằng cấp được công nhận, có người thân ở Úc,...

Ví dụ, nếu bạn đang hành nghề nhồi bông thú thì bạn sẽ được chấm 40 điểm và 60 điểm cho những ai hành nghề thú y hợp pháp.


Nhiều công dân Anh quốc đã vượt qua vòng chấm điểm để định cư tại Úc (Ảnh: BBC)

Tuổi tác cũng là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để chấm điểm. Nếu bạn đang ở vào độ tuổi sung mãn nhất, từ 18 đến 30 thì bạn sẽ được chấm điểm cao nhất của thang điểm này là 30. Nhưng những ai đã vượt qua ngưỡng 40 tuổi thì chỉ được chấm 15 điểm và nếu đã qua tuổi 45 thì xem như cơ hội đến Úc bằng diện này đã khép lại.

Thông thạo một ngôn ngữ công đồng ở Úc hay có thể chứng tỏ sẽ đầu tư vào Úc với số tiền 100.000 đô la Úc hoặc có thể chứng minh đã từng làm việc tại Úc ít nhất 6 tháng đều mang đến cơ hội được hưởng 5 điểm thưởng cho bạn.


Giới chức chính phủ cho biết làn sóng dân nhập cư không kiểm soát sẽ ảnh hưởng lớn đến đời sống của cộng đồng dân nghèo bản địa     (Ảnh: AP)

Nếu bạn đang là Giám đốc tài chính và sở hữu bằng cử nhân kinh tế được cơ quan xét duyệt tay nghề ở Úc công nhận thì tổng số điểm mà bạn cần có là 120 điểm cho diện di dân độc lập và 110 điểm cho diện có người thân bảo lãnh. Sau khi vượt qua các vòng kiểm tra sức khỏe và tư cách đạo đức cũng như thẩm định tay nghề, bằng cấp và kinh nghiệm làm việc, "giấc mơ Úc" đang hiện ra trước mắt bạn.

Minh bạch, công bằng và nghiêm ngặt là những tiêu chí hàng đầu trong việc xây dựng tiêu chuẩn nhập cư cho lao động có tay nghề mà chính phủ Anh quốc đang xem xét và xây dựng để áp dụng trong năm 2008 theo mô hình của Úc.

Nhưng mô hình chấm điểm cho lao động có tay nghề cũng bộc lộ những hạn chế của nó. Lee Alexander, một chuyên gia người Anh về công nghệ thông tin hiện đang làm việc có thời hạn tại Sydney đã thiếu từ 5 đến 10 điểm để có thể định cư và làm việc lâu dài tại đây vì anh không có bằng cấp IT từ một trong những trường ĐH được Úc công nhận. Trong không ít trường hợp, hệ thống thang điểm này đã gây tranh cãi vì không mang tính linh động. Trường hợp của anh Lee kể trên cho thấy bằng cấp đôi khi được đánh giá cao hơn kinh nghiệm làm việc thực tế.

Một vấn đề khác cũng đang được đặt ra tại Úc là các tiệm làm tóc đang đối mặt với việc thiếu lao động có tay nghề cao và một số tiệm đã phải đóng cửa. Vì vậy, hệ thống chấm điểm phải được điều chỉnh mỗi sáu tháng theo kết quả khảo sát từ bộ lao động và tổng cục thống kê Úc để lập nên danh sách các ngành nghề đang thiếu hụt nghiêm trọng tại nước này. Nghề làm tóc thường có tên trong danh sách . Nhưng việc xây dựng và điều chỉnh thang điểm cho lao động có tay nghề theo kịp với tốc độ thiếu hụt nhân lực ở một số ngành nghề nhất định hiện đang là vấn đề đặt ra đối với chính phủ một số nước có nhu cầu nhập khẩu lao động từ nước ngoài để đáp ứng các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội hằng năm.


Anh quốc là một trong những thị trường nhập khẩu lao động có tay nghề tiềm năng       (Ảnh: Google)
"Thang chấm điểm theo mô hình của Úc có vẻ hợp lý trong việc thu hút các lao động có tay nghề cao nhưng điều khó khăn cho nền kinh tế như Anh quốc là làm sao nhập khẩu được nhiều người có tay nghề và mức lương thấp để làm việc trong ngành du lịch và xây dựng tại đây. Nhưng những lao động này thường không vượt qua được thang điểm do chính phủ quy định", Ông Christopher Brown, một viên chức thuộc bộ du lịch và vận tải Anh quốc cho biết.

Một việc đáng quan tâm khác là cách trở địa lý cũng làm ảnh hưởng đến chính sách nhập khẩu lao động có tay nghề mà Úc là quốc gia điển hình.

"Mọi quốc gia đều có quyền tiếp cận nguồn nhân lực rẻ. Các nước Tây u có Đông u, khu vực Bắc Mỹ có Nam mỹ, vùng Vịnh có các nước bán lục địa. Nhưng vấn đề là làm sao chọn được nguồn nhân công rẻ và thích hợp nhằm giữ vững và phát triển được nền kinh tế quốc gia", Ông Christopher Brown nói.

Hiện nay, Úc là quốc gia có chương trình di dân tay nghề tương đối thành công và đã thu hút được lượng chất xám từ khắp nơi trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Hongkong, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam,...

Vĩnh Bảo (theo BBC, DIAC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.