Tham vọng xây đảo di động của Trung Quốc

22/04/2015 07:22 GMT+7

Không chỉ cải tạo phi pháp các bãi đá ngầm thành những hòn đảo nhân tạo, Trung Quốc còn đang tìm cách xây dựng những căn cứ di động khổng lồ để sử dụng cho mục đích quân sự tại biển Đông.

Không chỉ cải tạo phi pháp các bãi đá ngầm thành những hòn đảo nhân tạo, Trung Quốc còn đang tìm cách xây dựng những căn cứ di động khổng lồ để sử dụng cho mục đích quân sự tại biển Đông.
 
Hình ảnh dựng trên máy tính về căn cứ nổi khổng lồ của JDG - Ảnh: fyjs.cnHình ảnh dựng trên máy tính về căn cứ nổi khổng lồ của JDG - Ảnh: fyjs.cn
Tham vọng xây dựng những “hòn đảo” di động của Trung Quốc vừa được giới chức nước này hé lộ trong một cuộc họp báo vào tháng 4, theo bài viết của hai cây bút Jeffrey Lin và P.W.Singer trên tạp chí Popular Science ngày 20.4. Tập đoàn phát triển Kê Đông (JDG) và Công ty công nghiệp Hải Nam sẽ là hai đơn vị chịu trách nhiệm thi công công trình đầy tham vọng.
Theo Popular Science, các hòn đảo di động sẽ được thiết kế theo dạng mô đun, tức lắp ráp lại từ nhiều bộ phận nửa nổi nửa chìm khác nhau. Nhờ vậy, chúng sẽ rất khó bị đánh chìm. Các “hòn đảo” di động được thiết kế theo 3 kích cỡ. Loại nhỏ nhất dài 300 m và rộng 90 m, loại trung bình dài 600 m và rộng 120 m, kích cỡ lớn nhất có thể lên đến 900 x 120 m. Các căn cứ nổi được tính toán có độ choán nước từ 400.000 đến 1,5 triệu tấn và có thể di chuyển với tốc độ tối đa đến 18 km/giờ.
“Bất chấp kích thước lớn của các mô đun, những hòn đảo nổi có thể được ráp lại dễ dàng tại vùng biển xa bờ bằng cách kết nối những mô đun đã được những con tàu kéo hạng nặng kéo ra từ các cảng tàu”, theo thông tin trên Popular Science.
Tiền đồn di động
Căn cứ di động đầu tiên sẽ được sử dụng cho hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí xa bờ tại biển Đông. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở mục tiêu dân sự, một sĩ quan Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) có mặt tại cuộc họp báo của JDG đã trình bày về viễn cảnh quân sự hóa những “hòn đảo” này, biến chúng thành tiền đồn quân sự di động đảm nhận trách nhiệm hậu cần, triển khai máy bay và căn cứ nổi cho các phương tiện đổ bộ.
Thiết kế theo kiểu mô đun còn cho phép tạo ra các hòn đảo có kích cỡ lớn hơn nữa bằng cách lắp ráp nhiều mô đun lại với nhau. JDG thậm chí còn tiết lộ hình ảnh minh họa mô tả một căn cứ nổi dài đến 2 km. “Những căn cứ khổng lồ như vậy có thể chở nhiều tiểu đoàn lính thủy đánh bộ và một phi đội máy bay cường kích hoặc tiêm kích, và không giống như những căn cứ cố định trên các hòn đảo, chúng có thể được điều khiển để tránh khỏi tầm tấn công của tên lửa địch”, theo Popular Science.
Các tác giả nhận định rằng ngoài viễn cảnh sẽ được triển khai đến các vùng biển tranh chấp, các căn cứ di động còn có thể là một dạng công cụ mới cho phép Bắc Kinh thực hiện tham vọng đưa quân đến các vùng biển trên thế giới. Lâu nay, một trong những điểm yếu then chốt về mặt chiến lược của quân đội Trung Quốc so với Mỹ là thiếu các căn cứ quân sự ở nước ngoài. Trong tương lai gần, các tác giả tiên đoán nước này có thể dùng căn cứ di động để triển khai tạm thời hoặc lâu dài lực lượng chiến đấu đến gần các chiến trường tương lai.
Trung Quốc không phải là nước đầu tiên nghĩ ra chuyện xây căn cứ di động. Vào thời Thế chiến 2, Anh đã đổ công sức vào dự án Habbukak để xây dựng một hàng không mẫu hạm 2 triệu tấn để hỗ trợ các phi đội chịu trách nhiệm săn lùng tàu ngầm Đức nhưng cuối cùng chẳng đi đến đâu.
Đến giữa thập niên 2000, Mỹ công bố tham vọng chế tạo Căn cứ di động xa bờ hỗn hợp (JMOB), tiền thân của dự án đảo nổi di động của Trung Quốc. Dựa trên mô hình lắp ghép, JMOB sử dụng các mô đun bằng thép kích thước 300 x 150 m để ráp lại thành một căn cứ nổi trên biển. Mỹ muốn triển khai các JMOB đến Ả Rập Xê Út và Nhật Bản, nhưng dự án rốt cuộc bị đánh giá là không thực tế và bị xếp xó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.