Tham vọng chinh phục sao Hỏa

29/09/2016 08:23 GMT+7

Kế hoạch đầy tham vọng của tỉ phú Elon Musk có thể giúp con người hiện diện thường trực trên sao Hỏa trong tương lai gần.

Phát biểu tại Đại hội du hành vũ trụ quốc tế tổ chức tại TP.Guadalajara (Mexico) vào ngày 26.9, tỉ phú có đầu óc mạo hiểm Elon Musk, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Tập đoàn công nghệ khai phá không gian SpaceX, đã vẽ ra viễn cảnh một phi đội gồm 1.000 tàu vũ trụ lần lượt đổ bộ lên bề mặt hành tinh Đỏ, thiết lập một khu thuộc địa tự cung tự cấp với tối đa 1 triệu dân. Theo Reuters, kế hoạch này sẽ cho phép con người trở thành công dân liên hành tinh trong vòng 40 đến 100 năm nữa.
Kế hoạch táo bạo
Trước cử tọa tham gia hội nghị lần thứ 67 tại Guadalajara, ông Musk đã vạch ra khá chi tiết các yêu cầu về công nghệ mới. Đầu tiên là rốc két khổng lồ có thể tái sử dụng, các bồn nhiên liệu làm bằng sợi carbon, những động cơ có sức đẩy khủng khiếp. Và trên hết là các con tàu du hành có khả năng chở 100 hành khách hoặc hơn đến sao Hỏa, đáp xuống bề mặt hành tinh và cất cánh quay lại địa cầu để chở thêm nhiều người khác.
Không dừng lại ở việc đưa người đến sao Hỏa, mục tiêu cuối cùng của ông Musk là xây dựng một nền văn minh ngoài trái đất, theo tạp chí Wired.
“Trước mắt chỉ có 2 con đường cơ bản. Một con đường là chúng ta cứ bám trụ ở địa cầu vĩnh viễn và thế nào cũng có một vài sự kiện hủy diệt ập đến. Con đường còn lại là trở thành công dân liên hành tinh, mà tôi hy vọng là các bạn đều đồng ý rằng đây là hướng đi cần thiết”, theo tờ The Los Angeles Times dẫn lời tỉ phú Musk.
Tham vọng chinh phục sao Hỏa 1
Ông Elon Musk
Theo tính toán của Giám đốc điều hành SpaceX, giá vé một chiều đến sao Hỏa hiện nay vào khoảng 10 tỉ USD. Tuy nhiên, một khi cái gọi là hệ thống chuyên chở liên hành tinh SpaceX (gọi tắt là ITS) chính thức hoạt động hết công suất, một người có thể chỉ mất khoảng 200.000 USD là đến được hành tinh mơ ước.
Trong viễn cảnh mà tỉ phú Mỹ vạch ra trước hội nghị, khoảng 100 hành khách lên tàu vũ trụ ITS được gắn trên mũi của tên lửa khổng lồ thế hệ mới, cao cỡ tòa nhà 40 tầng lầu. 42 động cơ Raptor đồng loạt khởi động, đưa tàu du hành lên thượng tầng khí quyển với vận tốc hàng chục ngàn km/giờ. Sau khi đưa con tàu lên quỹ đạo, tên lửa đẩy một tầng quay lại mặt đất và đáp lên bãi phóng ở mũi Canaveral. Sau một số động tác điều chỉnh và tân trang, giàn giáo tiếp tục gắn con tàu khác lên đầu tên lửa. Lần này không chở theo người mà là nhiên liệu. Tên lửa lại khai hỏa một lần nữa, và con tàu kế tiếp lên quỹ đạo hội ngộ con tàu chở người để chuyển nhiên liệu vào bồn chứa. Sau vài lần lặp lại để đổ đầy bồn chứa, con tàu đầu tiên bắt đầu khởi hành đến sao Hỏa.
Viễn cảnh một đi không trở lại
Các hành khách tương lai cần chú ý là tỉ phú Mỹ không đảm bảo cho sự sống sót của bất kỳ người nào đăng ký du hành sao Hỏa với SpaceX. “Nguy cơ thiệt mạng sẽ cao. Không có cách nào khác. Về cơ bản là bạn có sẵn sàng chết chưa? Nếu câu trả lời là có, vậy thì bạn là ứng viên được chào đón của SpaceX”, theo ông Musk. Bên cạnh đó, còn một vài vấn đề chưa được giải quyết, như chi phí có thể lên đến hàng trăm tỉ USD để đóng tàu du hành và rốc két, cũng như hành khách sẽ làm cách nào sinh tồn trên sao Hỏa, theo tạp chí Wired.
Nhờ vào 6 động cơ được thiết kế hoạt động trong môi trường chân không, đưa con tàu thẳng tiến đến đích với tốc độ 30.600 km/giờ, các nhà du hành sẽ đến được sao Hỏa sau hơn 3 tháng (thấp hơn đáng kể so với thời gian 6 - 9 tháng theo tính toán hiện tại, do hành tinh Đỏ cách địa cầu đến 225 triệu km).
Trên đường đi, có vẻ như phía SpaceX sẽ nghĩ ra phương thức nào đó để các hành khách giải trí, như cung cấp các trò chơi phi trọng lực, xem phim ảnh, ăn pizza... “Các bạn sẽ có những thời khắc tuyệt nhất”, ông Musk cam đoan.
Một khi đến nơi, các lá chắn nhiệt trên phần bụng của con tàu sẽ tạo ra ma sát nhỏ với khí quyển loãng của sao Hỏa, giúp hạn chế một phần tốc độ.
Tuy nhiên, lực thắng chính đến từ bộ phận đẩy ngược siêu thanh của con tàu, hoạt động giống như cách SpaceX đáp tên lửa Falcon 9 trên địa cầu. Điểm khác biệt là tải trọng của con tàu nặng hơn nhiều so với tên lửa, nên tạo ra gia tốc mạnh và nhanh hơn gấp nhiều lần. May mắn là lực hút của sao Hỏa chỉ bằng khoảng 1/3 của trái đất, nên mọi chuyện sẽ xuôi chèo mát mái, như ông Musk trấn an.
Và quan trọng hơn nữa, ITS chẳng phải là hệ thống một chiều. Tận dụng nhiên liệu methane và ô xy lỏng lấy trực tiếp trên sao Hỏa, con tàu sẽ có thể nâng lên quỹ đạo nhờ vào trọng lực yếu của sao Hỏa và quay về trái đất. Đây là khâu quan trọng có thể cắt giảm đáng kể chi phí du hành từ hành tinh này đến hành tinh khác. Nếu con tàu vô phương tái sử dụng, giá vé có thể tăng đến nửa triệu USD.
Hỗ trợ từ NASA
Trong dòng tweet trên Twitter trước hội nghị, tỉ phú Musk tiết lộ tên lửa phóng sẽ có đường kính khoảng 12 m, còn con tàu là 17 m. Khi chúng chồng lên nhau, toàn bộ hệ thống này có thể đạt độ cao đến 122 m, tức cao hơn cả rốc két Saturn V từng đưa các nhà du hành Mỹ đến mặt trăng vào thập niên 1970, và rốc két SpaceX phải có lực đẩy gần gấp 4 lần tên lửa này.
Ông Musk dự kiến ITS sẽ thực hiện chuyến bay thử đầu tiên trong vòng 4 năm nữa, và sứ mệnh chở người đầu tiên ước tính diễn ra vào cuối năm 2024. Nếu mọi chuyện thuận lợi, con người sẽ đặt chân thành công lên sao Hỏa vào đầu năm 2025. SpaceX lên kế hoạch bay đến sao Hỏa trong mỗi 26 tháng, khi trái đất và sao Hỏa nằm trên một đường thẳng lý tưởng.
Theo Reuters, Công ty Blue Origin của nhà sáng lập Amazon.com, Jeff Bezos cũng đang thiết kế một thiết bị đẩy tải trọng lớn và khoang tàu mang tên New Armstrong, với hy vọng có thể đưa người đến sao Hỏa, theo Chủ tịch công ty Rob Meyerson. Về phần mình, chính phủ Mỹ cũng đang tăng cường nỗ lực du hành vượt ra ngoài biên giới mặt trăng.
Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đang hỗ trợ sứ mệnh đầu tiên của SpaceX đến hành tinh Đỏ, dự kiến vào năm 2018. SpaceX muốn gửi tàu du hành không người lái Red Dragon đến bề mặt hành tinh để thử nghiệm hệ thống hạ độ cao, xâm nhập khí quyển và đáp của con tàu. NASA sẽ cung cấp các kỹ thuật tiếp sóng viễn thông và liên lạc xuyên không gian cho SpaceX, cũng như các dịch vụ tư vấn khác để trao đổi với dữ liệu hành trình từ nhà thầu tư nhân.
Trong thời gian tới, NASA đặt mục tiêu đáp tàu mang tải trọng đến 30 tấn lên bề mặt sao Hỏa. Cho đến nay, thiết bị nặng nhất từng đổ bộ lên hành tinh Đỏ là tàu tự hành Curiosity nặng 1 tấn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.