Thảm trạng nước ở châu Á

24/04/2016 09:23 GMT+7

Trong bài bình luận độc quyền cho Thanh Niên, học giả Brahma Chellaney cảnh báo về những hệ lụy từ thực trạng nguồn nước ở châu Á.

Trong bài bình luận độc quyền cho Thanh Niên, học giả Brahma Chellaney cảnh báo về những hệ lụy từ thực trạng nguồn nước ở châu Á.

Đồng bằng Sông Cửu Long oằn mình dưới hạn hán nghiêm trọng - Ảnh: Công HânĐồng bằng Sông Cửu Long oằn mình dưới hạn hán nghiêm trọng - Ảnh: Công Hân
Cuộc khủng hoảng nước ở châu Á ngày càng tồi tệ. Vốn đã là lục địa khô hạn nhất thế giới tính theo lượng nước bình quân đầu người, châu Á hiện đối mặt với hạn hán nghiêm trọng căng rộng từ VN đến Ấn Độ. Tình trạng này càng làm trầm trọng thêm căng thẳng về chính trị và chiến lược khi nó phơi bày rõ tác hại từ chính sách xây đập đối với môi trường và dòng chảy đang ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trong khu vực.
Bức tranh ảm đạm
Đông Nam Á và Nam Á đang hứng chịu nạn hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập niên. Những khu vực bị nặng nhất là Đồng bằng Sông Cửu Long (vựa lúa của châu Á) và Tây nguyên của Việt Nam, 27 trong số 76 tỉnh của Thái Lan, nhiều vùng ở Campuchia, các thành phố lớn Yangon và Mandalay của Myanmar cũng như nơi sinh sống của 1/4 dân số Ấn Độ, tức hơn 325 triệu người.
 Brahma Chellaney - (Giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm nghiên cứu chính sách Ấn Độ)      
Hạn hán có thể không ảnh hưởng tức thời đến các vùng đô thị sầm uất nhưng gây ra những hậu quả to lớn đối với kinh tế và xã hội. Hàng triệu người châu Á hiện đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng và nhiều người phải rời bỏ nhà cửa, trở thành di dân bất đắc dĩ. Myanmar, Thái Lan và Campuchia đều phải tiết chế lễ hội té nước mừng năm mới truyền thống. Tại một huyện ở bang Maharashtra (Ấn Độ), chính quyền địa phương phải ra lệnh cấm tụ tập hơn 5 người tại các cơ sở cung ứng nước hoặc hồ chứa nước do lo ngại bạo lực bùng phát.
Song song đó, hạn hán tại những quốc gia sản xuất gạo hàng đầu thế giới như Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ càng gây thêm áp lực cho thị trường gạo thế giới. Chưa tới 7% sản lượng gạo toàn cầu được giao dịch quốc tế do phần lớn gạo được tiêu thụ ngay tại nơi sản xuất. Châu Á đang đối diện viễn cảnh làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu và không còn dám xuất khẩu gạo mạnh tay. Mùa màng thất bát đặc biệt nghiêm trọng ở Việt Nam và Thái Lan, vốn chiếm một nửa tổng lượng xuất khẩu gạo và gần 3/4 tăng trưởng xuất khẩu dự kiến của thập niên này. Chỉ riêng tại Đồng bằng Sông Cửu Long, đã có khoảng 230.000 ha lúa, hoa màu bị hỏng. Tại đây, các dòng sông trơ đáy dẫn đến nước mặn xâm nhập từ Biển Đông, khiến gần 10% đất nông nghiệp có nguy cơ bị cằn cỗi hóa.
Myanmar, Thái Lan và Campuchia đều phải tiết chế lễ hội té nước mừng năm mới truyền thống. Trong ảnh: lễ hội té nước năm 2016 tại Myanmar Reuters
Tình trạng hạn hán hiện nay là chưa từng có tiền lệ nhưng không phải là “trên trời rơi xuống”. Trái lại, những thách thức về môi trường ở châu Á như suy thoái hệ sinh thái, ô nhiễm nguồn nước, cạn kiệt nước ngầm, hiện tượng El Nino và tác động của biến đổi khí hậu khiến hạn hán xảy ra thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng hơn.
Thậm chí không có hạn hán thì châu Á cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Lượng nước ngọt tính trên đầu người mỗi năm trong khu vực (2.816 m3) chưa tới một nửa mức trung bình toàn cầu (6.079 m3). Cái giá của việc trở thành khu vực phát triển kinh tế mạnh mẽ hàng đầu thế giới là cạn kiệt tài nguyên và tổn hại môi trường. Tất cả khiến nguy cơ thiếu nước càng trầm trọng hơn. Đó là chưa kể dân châu Á đang ngày càng tỏ ra thích ăn thịt trong khi việc sản xuất thịt và các sản phẩm từ thịt tiêu hao quá nhiều nước.
Để giải quyết cơn đói tài nguyên, các nền kinh tế lớn trong khu vực có thể nhập nhiên liệu hóa thạch và khoáng sản từ nơi khác. Nhưng họ không thể nhập nước ngọt vì chi phí quá cao. Hậu quả là, châu Á, khu vực chiếm 72% tổng diện tích tưới tiêu của toàn cầu, bây giờ phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: vừa phải tạo ra đủ lương thực và của cải phục vụ nhu cầu ngày càng tăng vừa phải giảm lượng nước tưới tiêu. Nếu vấn đề này không được giải quyết hợp lý, kinh tế châu Á sẽ “bệnh nặng”, kéo theo kinh tế toàn cầu.
Sông Mê Kông là mạch sống của Đông Nam Á Reuters
Lá bài đập trên sông Mê Kông

Nếu cứ tiếp tục như hiện nay, khu vực sẽ càng tiến sâu vào một con đường nguy hiểm, dẫn tới suy thoái môi trường trầm trọng hơn, chặn đà phát triển kinh tế và thậm chí có thể gây ra các cuộc chiến tranh vì nguồn nước

Theo nghiên cứu mới của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ), châu Á có nguy cơ cao sẽ lâm vào tình trạng khan hiếm nước trầm trọng vào năm 2050. Tranh chấp trong chia sẻ nguồn nước giữa các quốc gia hoặc giữa chính các địa phương trong cùng một nước sẽ xảy ra thường xuyên hơn, trầm trọng hơn do việc nở rộ các dự án xây đập ảnh hưởng xấu đến dòng chảy hạ lưu. Thực trạng ồ ạt xây đập hiện nay cho thấy nhiều bên vẫn coi trọng khai thác kiểu tận thu hơn là quản lý nguồn nước một cách thông minh.
Đề cập khía cạnh này thì thủ phạm chính yếu là hệ thống đập dày đặc trên sông Mê Kông, mạch sống của Đông Nam Á, mà Trung Quốc và những đối tác thân thiết của nước này chiếm phần lớn. Trong giai đoạn khô hạn này, được cho là sẽ kéo dài đến mùa mưa vào tháng 6, mực nước ở hạ lưu Mê Kông vẫn “thấp nhất kể từ khi bắt đầu có thống kê cách đây gần 100 năm”, theo báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc.
Trung Quốc giờ đây đang diễn vai cứu tinh bằng cách xả nước từ 1 trong số 6 hồ chứa nhân tạo lớn ở thượng lưu sông Mê Kông để “xoa dịu lo ngại” của các quốc gia đang bị hạn, mặn. Giới chức ở Bắc Kinh có cơ hội khoe “tính hiệu quả” của các hồ nước ở thượng nguồn trong việc chống hạn hán và ngăn lũ lụt.
Trong thực tế, tất cả những diễn biến trên càng cho thấy rõ tình trạng các quốc gia hạ nguồn bị đặt vào thế phải trông chờ thiện chí từ Trung Quốc, vốn sẽ xây thêm 14 con đập trên sông Mê Kông. Tác động môi trường của các dự án này chắc chắn sẽ làm trầm trọng hơn thách thức sinh thái, bao gồm hạn hán, mà châu Á đang phải đối mặt.
Nếu cứ tiếp tục như hiện nay, khu vực sẽ càng tiến sâu vào một con đường nguy hiểm, dẫn tới suy thoái môi trường trầm trọng hơn, chặn đà phát triển kinh tế và thậm chí có thể gây ra các cuộc chiến tranh vì nguồn nước. Đã đến lúc phải thay đổi, đã đến lúc phải xúc tiến hợp tác dựa trên luật pháp, các hiệp định chia sẻ tài nguyên nước, minh bạch dữ liệu thủy văn và cơ chế giải quyết tranh chấp hiệu quả.
Các nước châu Á phải hợp tác để đảm bảo sử dụng nước hiệu quả và bền vững hơn, tăng cường sử dụng nước tái chế và nước biển khử mặn, đồng thời đẩy mạnh các giải pháp sáng tạo để thúc đẩy nỗ lực bảo tồn và thích nghi. Cuối cùng, theo tôi, các chính phủ cần bỏ chính sách trợ cấp nước trong các ngành có nguy cơ lãng phí cao và tập trung xây dựng cơ chế cung - cầu theo định hướng thị trường cũng như tạo dựng quan hệ đối tác công - tư hiệu quả.
Mọi giải pháp trên đều cần sự hợp tác chân thành từ Trung Quốc. Nếu nước này không từ bỏ cách tiếp cận hiện tại - từ “thâu tóm nước” trên sông đến “thâu tóm chủ quyền” trên biển thì triển vọng xây dựng một châu Á ổn định, hoạt động dựa trên luật lệ sẽ có nguy cơ tàn lụi mãi mãi.
Bản quyền thuộc về Project Syndicate
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.