Thảm bại Leipzig của Napoleon

13/10/2013 11:00 GMT+7

Cách đây đúng 200 năm, Hoàng đế Pháp Napoleon bị đánh bại trong trận chiến quan trọng nhất thế kỷ 19, giúp định hình châu u hiện đại.

Cách đây đúng 200 năm, Hoàng đế Pháp Napoleon bị đánh bại trong trận chiến quan trọng nhất thế kỷ 19, giúp định hình châu u hiện đại.

Hình minh họa trận chiến Leipzig  - d
Hình minh họa trận chiến Leipzig  - Ảnh: Military History Monthly 

Hồi kết cho sự thống trị của Pháp ở châu u được đánh dấu bằng thất bại của Napoleon trong trận Leipzig (Đức) vào tháng 10.1813. Trận Leipzig, hay còn gọi là trận Liên quốc gia, là trận đánh quy mô nhất trong các cuộc chiến tranh của Napoleon, với số quân tham gia gấp ba lần trận Waterloo.

Tháng 12.1812, Napoleon trở lại Paris sau khi đại bại trong cuộc xâm lược nước Nga. Trong 500.000 quân vượt sông Neman cùng Hoàng đế Pháp, chỉ có 85.000 người trở về, phần lớn kiệt quệ về sức khỏe. Liên minh thứ sáu, gồm Anh, Nga, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã được thành lập vào tháng 6.1812. Nước Phổ gia nhập liên minh vào tháng 2.1813.

Cha vợ của Napoleon, Hoàng đế Áo Francis cũng khao khát báo thù song không dám ra tay. Danh tiếng của Napoleon và sức mạnh quân đội viễn chinh vẫn còn đáng sợ. Nếu Napoleon chấp nhận ở lại bên trong biên giới cũ của nước Pháp, hòa bình có thể được lập lại. Song ông không sẵn sàng từ bỏ đế chế và sự thống trị ở nước Đức. Mùa xuân năm 1813, ông gầy dựng một quân đội mới bằng cách gọi thêm thanh niên nhập ngũ, huy động Vệ binh Quốc gia và rút bớt lực lượng ở Tây Ban Nha. Trên giấy tờ, quân số 200.000 người rất ấn tượng song thực tế đây là đội quân ô hợp không được huấn luyện, đặc biệt yếu về kỵ binh, theo tạp chí Military History Monthly.

Xâm lược nước Đức

Tháng 4.1813, Napoleon dẫn đội quân mới tiến vào vùng Saxony nhằm khôi phục uy quyền tại nước Đức. Trong giai đoạn đầu, ông đánh bại Liên minh tại Lutzen ngày 2.5 và Bautzen trong hai ngày 21 - 22.5 song sự thiếu hụt kỵ binh đã ngăn ông dứt điểm cuộc chiến.

Theo sau đó là một thỏa thuận ngừng chiến vào tháng 6 và tháng 7 mà Napoleon muốn tận dụng để huấn luyện binh sĩ. Lúc chiến tranh tiếp diễn vào tháng 8, Áo và Thụy Điển đã gia nhập Liên minh. Quân Thụy Điển được chỉ huy bởi người bạn cũ của Napoleon, Thống chế Bernadotte.

Napoleon đối mặt với 3 kẻ thù: quân đội Bohemia dưới quyền Công tước Áo Schwarzenberg, quân đội vùng Silesia dưới quyền Thống chế Blucher và quân đội phương Bắc dưới quyền Bernadotte. Chiến thuật của Liên minh khi đó là tránh giao tranh trực diện với Napoleon và tìm cách đánh bại các thống chế của ông. Bernadotte đánh bại Oudinot ở Grossbeeren, Blucher đánh bại MacDonald ở Katzbach. Dù Napoleon chiến thắng quân đội Bohemia của Schwarzenberg tại Dresden ngày 26 - 27.8, thành công này không thể vực dậy nhuệ khí cho đội quân kiệt sức của ông. 

Nối tiếp trận thắng ở Dresden là các tổn thất. Tướng Vandamme bị bắt cùng 13.000 quân ở Kulm vào ngày 30.8 và Thống chế Ney bị quân Thụy Điển đánh bại ở Dennewitz vào ngày 6.9 khi tiến đến Berlin.

Rạng sáng ngày 14.10, Napoleon ra lệnh quân đội tập kết tại Leipzig. Đến lúc đó, có bốn đội quân đang kéo về thành phố này: Napoleon với 177.000 quân (thêm 18.000 quân đến sau 2 ngày), quân đội Bohemia đến từ phía nam với 203.000 quân, quân đội vùng Silesia từ tây bắc với 54.000 quân và quân đội phương Bắc từ phía bắc với 85.000 quân.

Tập kết ở Leipzig

Chập tối ngày 15.10, Napoleon tập kết được 190.000 binh sĩ và 690 khẩu pháo ở Leipzig. Với Blucher và Bernadotte lần lượt cách 12 và 20 dặm về phía bắc, Napoleon kết luận không ai có thể can thiệp trong ngày 16.10 nên ông quyết định tập kết mọi binh sĩ ở phía nam thành phố để đánh bại Schwarzenberg. Ý định của ông là tấn công kẻ thù bằng 37.000 quân và phái MacDonald bao vây sườn phải của quân địch trước khi kết liễu bằng lực lượng cận vệ và các quân đoàn khác.

Kế hoạch của Schwarzenberg là tấn công ở phía nam bằng 77.000 quân và phái lực lượng thứ hai, do Bá tước Guylai chỉ huy, tấn công Leipzig từ phía tây. Trái với nhận định của Napoleon, Blucher có ý định tấn công ngay từ ngày 16.10. Chính cuộc tấn công của ông và Guylai đã làm rối loạn kế hoạch của Napoleon.

Sáng ngày 16.10, Napoleon lệnh cho Thống chế Marmont chiếm giữ cứ điểm ở ngoại ô phía nam để yểm trợ tấn công. Trong đêm, Marmont đã quan sát thấy đốm lửa trại của quân Blucher song bất chấp nghi ngờ, ông bắt đầu dẫn quân từ phía bắc xuống phía nam. Hành quân chưa được bao lâu, Blucher đã tấn công, buộc Marmont phải rút về làng Mockern. Vắng Marmont, Ney cử Bertrand dẫn quân xuống phía nam để yểm trợ Napoleon. Song khi Bertrand di chuyển, Guylai tấn công từ phía tây và cũng như Marmont, Bertrand buộc phải hủy bỏ cuộc hành quân để đối phó với mối đe dọa mới. 

Khi quân Pháp bị đẩy vào vị trí cố thủ, Liên minh tràn lên phía bắc và phía tây, nơi họ tiếp tục bước tiến với sự tăng viện bất ngờ của người Phổ. Napoleon hoãn cuộc tấn công đến buổi trưa, khi pháo binh của ông tấn công mạnh mẽ vào hàng ngũ của Liên minh, đẩy lui quân Áo.

Vào buổi chiều, quân Phổ cầm chân lực lượng kỵ binh đang chuẩn bị bao vây sườn phải của quân Áo, giúp lực lượng này giành lại chiến địa. Napoleon buộc phải tháo chạy và chuyển quân đến Mockern, nơi ông phát hiện kỵ binh của mình không đủ sức ngăn cản quân Phổ. Quân của Blucher chiếm được Mockern vào buổi tối song không thể tiến tới vì bóng đêm.

Với tổn thất nặng nề trong ngày thứ nhất (quân Pháp có 27.000 người chết và bị thương, quân Liên minh có 37.000 người chết và bị thương), hai bên hạn chế giao tranh vào ngày 17.10 để đợi tiếp viện. Sáng ngày 18.10, Liên minh quyết định tấn công với quân số áp đảo, gồm 300.000 quân và 1.500 khẩu pháo. Họ bao vây thành công quân Pháp từ đông sang tây. Một thất bại đã treo lơ lửng trên đầu người Pháp khi quân đồng minh Saxon của họ quy hàng Liên minh.

Đêm 18 rạng sáng 19.10, Napoleon ra lệnh rút quân qua chiếc cầu trên sông Elster và lực lượng của Oudinot giữ vai trò chặn hậu. Đến tận 7 giờ sáng, Liên minh mới phát hiện việc rút quân và chuẩn bị truy kích song bị quân của Oudinot cầm chân. Cuộc rút lui diễn ra êm thấm cho đến khi viên hạ sĩ quan phụ trách việc đánh sập cầu để chặn bước tiến công quân địch do quá nôn nóng đã kích nổ sớm. Hậu quả là 37.000 binh sĩ và 20.000 thương binh, 30 viên tướng và 2 thống chế kẹt lại bên kia cầu và không có phương tiện rút lui. Lực lượng kẹt lại đối mặt với một cuộc tàn sát và nhiều người đã cố bơi qua sông Elster, kể cả hai viên thống chế là MacDonald và Poniatowski. MacDonald bơi qua sông an toàn song Poniatowski, mang trong mình vết thương, đã bị nước cuốn trôi.

Tổng kết trận chiến Leipzig, Napoleon mất 38.000 quân do chết và bị thương, 50.000 quân bị bắt sống và 5.000 quân đào tẩu. Liên minh mất khoảng 55.000 người. Quân Liên minh thừa thắng xông lên đã tấn công nước Pháp vào năm kế tiếp, buộc Napoleon phải thoái vị và bị lưu đày tại đảo Elba. 

Sơn Duân

>> ‘Tướng Giáp sánh ngang Alexander đại đế, vượt trội Napoleon’
>> Bức thư của Napoleon bán được 244.000 USD
>> Thư bằng tiếng Anh của Napoleon được bán với giá 325.000 euro
>> Hậu duệ của người nổi tiếng - Kỳ 5: Những đứa con của Napoleon Bonaparte
>> Bán đấu giá tóc của Napoleon
>> Emma Watson vào vai người yêu của Napoleon
>> Thanh kiếm bạc triệu của Napoleon
>> Đấu giá thư tình của Napoleon
>> Bán đấu giá răng của Napoleon
>> Cossacks II: Napoleonic Wars – Cuộc chiến của Napoleon 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.