Thái Lan căng thẳng trước ngày trưng cầu

05/08/2016 06:28 GMT+7

Cảnh sát Thái Lan được triển khai dày đặc để bảo vệ trật tự giữa lúc có nhiều cảnh báo về nguy cơ an ninh trước ngày trưng cầu dân ý về hiến pháp mới vào chủ nhật 7.8.

Từ hơn 10 ngày trước, chính quyền Thái Lan đã liên tục tổ chức các đợt truy quét người lao động, cư trú bất hợp pháp tại Thái khiến dân lao động chui VN, Lào, Myanmar, Campuchia nháo nhác, rùng rùng về quê lánh nạn. Vào ban đêm trên các tuyến đường chính khu trung tâm Bangkok, cảnh sát lập nhiều chốt kiểm soát xe và người hơn ngày thường. Đại sứ quán (ĐSQ) nhiều nước đã cảnh báo công dân của họ đang sinh sống và làm việc tại Thái Lan về những căng thẳng chính trị có thể xảy ra trước ngày trưng cầu.
Tuần trước, ĐSQ Anh đã cảnh báo: “Các bạn nên cẩn thận với những phát biểu công khai về chính trị nơi công cộng”. Trong khi đó, ĐSQ Mỹ tại Bangkok cho biết chính quyền quân sự có thể mạnh tay đối với việc bày tỏ ý kiến của dân chúng trong thời gian này. “Cá nhân nào (kể cả người nước ngoài) công khai chỉ trích Hội đồng hòa bình và trật tự quốc gia Thái Lan (NCPO) hoặc chế độ quân chủ đều có thể bị tạm giam”, thông báo về an ninh của ĐSQ Mỹ tại Thái Lan ghi rõ. Vì thế, phái bộ Mỹ kêu gọi các công dân thường xuyên theo dõi tin tức và cung cấp địa chỉ để giới chức Mỹ dễ dàng cập nhật tình hình và liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.
Còn trang Facebook của ĐSQ Canada lại cảnh báo những cuộc biểu tình có thể nổ ra tại Thái trong thời gian này và luật pháp hiện thời cho phép quân đội được tạm giam và khám xét bất cứ lúc nào. “Sự hiện diện của quân đội được tăng cường trên cả nước và những cuộc tụ họp nhiều hơn 5 người nơi công cộng đều bị cấm”, Facebook ĐSQ Canada khuyên. Ngoài ra, ĐSQ Myanmar cũng cảnh báo công dân đề phòng khả năng gia tăng các cuộc lùng bắt và kiểm soát bất ngờ của chính quyền Thái. Người dân Myanmar tại Thái được khuyên luôn mang theo giấy tờ xuất nhập cảnh cần thiết và bình tĩnh xuất trình khi cảnh sát Thái kiểm tra.
Huy động 200.000 cảnh sát
Theo cảnh sát Thái Lan, khoảng 200.000 nhân viên công lực sẽ được triển khai tại các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc. “Nhìn chung, mọi thứ đều yên bình. Nếu có gì bất hợp pháp xảy ra, chính quyền đã sẵn sàng hành động”, đại tá Winthai Suvaree, phát ngôn viên của chính quyền quân sự nói. Trong khi đó, đại tá Peerawat Saengthong, người phát ngôn Bộ Tư lệnh an ninh nội bộ trấn an các phóng viên: “Các thông tin tình báo mà chúng tôi nhận được chưa cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về khả năng xảy ra bạo lực vào ngày trưng cầu dân ý”.
Trong thời gian chuẩn bị cho đợt trưng cầu lần này, nhà chức trách đã tạm giam và buộc tội hàng chục người lên tiếng phản đối dự thảo hiến pháp, gồm sinh viên, nhà hoạt động, chính trị gia, những người phát tờ rơi vận động việc bỏ phiếu “không đồng ý”... Trong bầu không khí đó, đa số người dân Thái hiện có vẻ e ngại khi bình luận về tình hình chính trị. Khi được Thanh Niên tiếp xúc và hỏi ý kiến về đợt trưng cầu, một cảnh sát đường sắt giấu tên từ chối trả lời cụ thể và chỉ nói: “Tôi có thể gặp rắc rối nếu trình bày ý kiến không hay về chính quyền”.
Trước mắt, các nhóm đối lập gồm cả nhóm Mặt trận Dân chủ chống độc tài (UDD - thường được gọi là nhóm áo đỏ) cho biết họ sẽ không cản trở cuộc bỏ phiếu. “Chúng tôi không có kế hoạch hoạt động gì trong đợt này nhưng sẽ giám sát cuộc bỏ phiếu một cách cẩn thận ở nhà”, Thanawut Wichaidit, người phát ngôn của UDD nói với Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.