Tên lửa S-400, ‘quả chuông lửa’ bảo vệ Moscow

10/04/2016 19:19 GMT+7

Kể từ đầu năm 2016, để bảo vệ bầu trời Moscow, hai sư đoàn hỗn hợp tên lửa và pháo phòng không Pantsir-S và một trung đoàn tên lửa phòng không S-400 Triumph đã được thành lập.

Kể từ đầu năm 2016, để bảo vệ bầu trời Moscow, hai sư đoàn hỗn hợp tên lửa và pháo phòng không Pantsir-S và một trung đoàn tên lửa phòng không S-400 Triumph đã được thành lập.

Hệ thống phòng không tối tân S-400 Triumph của Nga - Ảnh: Bộ Quốc phòng NgaHệ thống phòng không tối tân S-400 Triumph của Nga - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Theo TASS ngày 10.4, S-400 được đưa vào hệ thống phòng thủ Moscow thay thế loại tên lửa S-300 đã bị coi là lỗi thời, thực hiện việc hiện đại hóa hệ thống phòng không quanh thủ đô. Ngoài ra Quân chủng Không quân vũ trụ của Nga sẽ nhận thêm 6 tổ hợp S-400 nữa vào cuối năm 2016.

Sát thủ của các loại máy bay và tên lửa

Vũ khí chính của hệ thống phòng không Moscow trước đây là tên lửa S-300PM, nhưng bây giờ đang được thay thế bằng tên lửa cao cấp hơn - S-400 Triumph mà NATO gọi là Grumpy.

S-400 được thiết kế, chế tạo dựa trên các giải pháp kỹ thuật tiên tiến. Với độ chính xác đáng kinh ngạc và tốc độ tia chớp, hệ thống phòng không của Nga được mệnh danh "sát thủ của hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu".

Tên lửa phòng không S-300 trong một lần bắn diễn tập - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga


Mỗi cụm tổ hợp S-400 có thể bắn đồng thời tới 36 mục tiêu bằng 72 quả tên lửa. Đầu dò của tên lửa có thể phát hiện máy bay bay tầm thấp, dù nó có bay gần như chạm mặt đất cỡ 5 m, và có thể phát hiện bất cứ vật thể bay nào trong khoảng không hình cầu bán kính 600 km quanh mình.

Tên lửa của hệ thống S-400 Triumph được phóng theo phương thẳng đứng và đảm bảo bắn trúng mọi mục tiêu theo tất cả các hướng trong không gian 360 độ xung quanh. S-400 có thể được lắp đặt ba loại tên lửa khác nhau, với tầm bắn xa tối đa 400 km, độ cao tối đa 27 km. Chúng có thể tiêu diệt toàn bộ các mục tiêu trên không, ngay cả những mục tiêu phức tạp nhất như tên lửa bay thấp, tên lửa dẫn đường chính xác, tên lửa đạn đạo…

“Mai rùa” trên không

Nếu S-400 Triumph được coi là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa chiến lược thì hệ thống pháo - tên lửa phòng không tầm gần Pantsir (tiếng Nga là mai rùa) chuyên thực hiện nhiệm vụ săn diệt các mục tiêu nhỏ ở tầm gần. Phức hợp pháo - tên lửa này có khả năng tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình và máy bay không người lái trong vòng bán kính 20 km và ở độ cao 15 km.

Tổ hợp phòng không di động tầm gần Pantsir - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga


Khác với hầu hết các hệ thống phòng không của phương Tây, hệ thống này của Nga có tính năng di động. Pantsir-S có thể bắn khi đang di chuyển, điều mà không một hệ thống phòng không nào trên thế giới có thể thực hiện.

Năm 2015, Nga bắt đầu tiến hành sản xuất hàng loạt phiên bản dùng trên tàu chiến của tổ hợp Pantsir. Có nhiều khả năng trong tương lai phiên bản “biển” của Pantsir sẽ thay thế tổ hợp Kortik đang được hải quân Nga sử dụng phổ biến.

“Moscow" cho Moscow

Dù tối tân hiện đại đến mấy thì các loại vũ khí phòng không cũng không thể hoạt động hiệu quả nếu không có “mắt thần” và “bộ não”.

Hồi cuối năm 2014, các lực lượng vũ trang Nga đã được trang bị hệ thống phức hợp radar - truyền tin Moscow-1, được coi là phiên bản hiện đại nhất trong các loại khí tài vô tuyến điện tử.

Phức hợp Moscow-1 cho phép quét vùng trời trong vòng bán kính 400 km để phát hiện và ngăn chặn các nguồn phát xạ vô tuyến đặc trưng của mục tiêu trên không, được coi là “mắt thần”.

Một đơn vị liên lạc điều khiển tên lửa phòng không - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Ngoài ra, theo các chuyên gia, phức hợp này còn là “bộ não cho các lực lượng phòng không”. Moscow-1 có khả năng truyền thông tin và phối hợp hành động của tất cả các phương tiện phòng không có mặt trong phạm vi không gian hoạt động của phức hợp này.

Moscow-1 được thiết kế để quét vùng trời và truyền dữ liệu cho các cơ sở kỹ thuật phòng không và không quân. Phức hợp này hoạt động trong chế độ thu phát sóng thụ động, nghĩa là luôn vô hình với kẻ thù.

Ba loại vũ khí, khi tài kể trên đã thực sự tạo nên “quả chuông lửa” bảo vệ không phận Moscow.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.