Tàu Trung Quốc thăm dò 'vùng biển chiến lược' sát Úc

02/03/2020 10:03 GMT+7

Tàu nghiên cứu/khảo sát Xiang Yang Hong 01 của Trung Quốc thăm dò vùng biển quốc tế có tính chiến lược ngoài khơi bang Tây Úc, vào đúng thời điểm tàu ngầm Mỹ đến thăm Úc.

Trong tháng 1 và tháng 2, Lực lượng Biên phòng Úc (ABF) đã theo dõi chặt chẽ động thái của tàu Trung Quốc Xiang Yang Hong 01 (Hướng Dương Hồng 01) khi tàu này tiến hành khảo sát nước sâu ở Ấn Độ Dương gần đảo Giáng sinh và lục địa Úc.
Đài ABC dẫn lời một người phát ngôn ABF cho biết biết tàu Trung Quốc đã ở lại trong vùng biển quốc tế.
"Bộ Nội vụ và Bộ Quốc phòng nắm thông tin tàu Hướng Dương Hồng 01 xuất hiện ngoài khơi bờ biển bang Tây Úc, nhưng không đi vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Úc”, người phát ngôn nói.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Úc cho ABC biết Hướng Dương Hồng 01 “chắc chắn” là đang lập bản đồ vùng biển chiến lược, nơi các tàu ngầm Úc di chuyển đến và đi từ Biển Đông.
"Bắc Kinh rất muốn thu thập thông tin về lộ trình di chuyển của tàu ngầm, cùng lúc kiểm tra và giám sát phản ứng từ Canberra trước sự hiện diện của một tàu công nghệ cao Trung Quốc đang lảng vảng ngoài khơi nước Úc", vị quan chức cho biết thêm.
Quan chức quốc phòng đồng thời lưu ý tàu Trung Quốc đã dành một khoảng thời gian đáng kể tại vùng biển gần trạm liên lạc hải quân Harold E Holt, tọa lạc ở thị trấn Exmouth, bang Tây Úc.
Đáng chú ý là vào thời điểm tàu Hướng Dương Hồng 01 xuất hiện ngoài khơi bờ biển Tây Úc, tàu ngầm tấn công nhanh Mỹ USS Texas (lớp Virginia) có chuyến thăm căn cứ hải quân Úc HMAS Stirling ở thành phố Perth, Úc.

Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo: mối nguy mới từ Trung Quốc dành cho Mỹ

Theo báo cáo của Đại học Hải chiến Mỹ, tàu Hướng Dương Hồng 01 đã được đưa vào hoạt động năm 2016, có thể khảo sát biển phục vụ mục đích quân sự.
Năm 2018, tàu Hướng Dương Hồng 01 bị phát hiện hoạt động bất hợp pháp trong EEZ của Palau ở phía tây Thái Bình Dương. Chính quyền Palau kịch liệt phản đối, yêu cầu tàu Trung Quốc rút khỏi đó.
Đài ABC hồi năm 2019 đưa tin 2 tàu khảo sát công nghệ cao khác của Trung Quốc cũng đã lập bản đồ vùng biển gần Papua New Guinea, nơi Mỹ và Úc vừa bắt đầu nâng cấp một căn cứ hải quân trên đảo Manus.
Lúc bấy giờ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lục Khảng khẳng định việc Bắc Kinh mở rộng hoạt động lập bản đồ hải dương là tuân thủ luật pháp quốc tế, đóng góp cho nghiên cứu khoa học thế giới.
Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc tăng cường những cuộc khảo sát nước sâu ở Tây Thái Bình Dương để đối phó nguy cơ xung đột trên biển với Mỹ trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.