Tàu thăm dò Hằng Nga 4 đáp xuống phần tối mặt trăng

03/01/2019 19:30 GMT+7

Hằng Nga 4 của Trung Quốc đã trở thành tàu thăm dò đầu tiên hạ xuống phần tối của mặt trăng, tức phần nằm phía xa trong lúc chị Hằng bị "khóa chặt" một mặt về hướng địa cầu trong vũ điệu thiên thu lâu nay.

Cơ quan Không gian Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã đáp thành công tàu thăm dò rô bốt Hằng Nga 4 tại hõm chảo Aitken-Nam Cực chưa từng được thám hiểm trước đây.
Aitken-Nam Cực là hõm chảo rộng nhất, sâu nhất và có niên đại lớn nhất trên bề mặt mặt trăng.
[VIDEO] Tàu vũ trụ Trung Quốc hạ cánh xuống vùng tối mặt trăng
Tuy nhiên, chẳng biết vì lý do gì những thông tin đầu tiên về việc đáp tàu thành công đã bị xóa khỏi tài khoản Twitter của báo China Daily và đài truyền hình CGTN, khiến giới quan sát rối rắm không hiểu liệu sứ mệnh có thật sự thành công hay không.
Phải 2 giờ sau đó tin tức chính thức được CCTV công bố, cho hay Hằng Nga 4 đã hạ cánh vào 10 giờ 26 (9 giờ 26 3.1 giờ VN), còn Twitter của CCTV kèm theo hình ảnh cận cảnh con tàu đang tiếp đất.
Đây là sứ mệnh nhằm thực hiện các đo đạc hết sức chi tiết về địa hình và kết cấu khoáng chất của mặt trăng. Hõm chảo Aitken được cho đã hình thành trong giai đoạn va đập khủng khiếp nhất vào thời buổi đầu tiên trong lịch sử của mặt trăng.
Sự kiện va chạm này nhiều khả năng tống một khối lượng lớn vật liệu từ lõi chị Hằng ra bên ngoài, có nghĩa là Hằng Nga 4 có thể mang đến những manh mối mới về sự hình thành của vệ tinh tự nhiên của Trái đất.
 
Ảnh chụp từ Hằng Nga 4 trong lúc sắp chạm đất CNSA
Đáp tàu xuống phần tối của mặt trăng là một thách thức khó nuốt về mặt kỹ thuật, vì không có cách liên lạc trực tiếp với con tàu một khi nó chạm đích. Trung Quốc đã phóng vệ tinh chuyển tín hiệu lên quỹ đạo xung quanh mặt trăng vào tháng 5.2018 để vượt qua thách thức này.
Phần tối của mặt trăng đã được quan sát và vẽ bản đồ trong các sứ mệnh Apollo của Mỹ, nhưng đây là lần đầu tiên một con tàu của nhân loại thực sự hạ cánh xuống đây.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.