Tàu ngầm Trung Quốc nhắm tên lửa vào tàu sân bay Mỹ

17/12/2015 06:00 GMT+7

Giới chức Mỹ tiết lộ một tàu ngầm tấn công của Trung Quốc gần đây đã thực hành tấn công tên lửa nhằm vào tàu sân bay USS Ronald Reagan.

Giới chức Mỹ tiết lộ một tàu ngầm tấn công của Trung Quốc gần đây đã thực hành tấn công tên lửa nhằm vào tàu sân bay USS Ronald Reagan.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan - Ảnh: AFPNhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan - Ảnh: AFP
Hôm qua 16.12, báo mạng The Washington Free Beacon đưa tin các quan chức Lầu Năm Góc vừa có buổi điều trần trước Hạ viện về “cuộc chạm trán gần nhất giữa tàu sân bay Mỹ và tàu ngầm Trung Quốc trong một thập niên qua”. Vụ việc xảy ra tại vùng biển phía tây Nhật Bản vào ngày 24.10, vài ngày trước khi chiến hạm USS Lassen của Mỹ tuần tra áp sát đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông.
Cụ thể, theo tường trình của giới chức, trong lúc tàu sân bay USS Ronald Reagan đang phối hợp tập trận với các tàu chiến khác trên vùng biển nằm giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên thì một tàu ngầm tấn công Trung Quốc bất ngờ xuất hiện, áp sát “ở khoảng cách nguy hiểm”. Không dừng lại ở đó, binh lính Trung Quốc khóa mục tiêu cho tên lửa nhằm vào tàu Mỹ. Đây được xem là hành động thực hành một cuộc tấn công mô phỏng.
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan là trung tâm của nhóm tác chiến tàu sân bay (CVN) chiến đấu duy nhất đang được Mỹ triển khai tới Yokosuka, Nhật Bản để thế chỗ cho CVN USS George Washington. Nhóm tàu sân bay này sở hữu nhiều loại vũ khí chống ngầm hiện đại, bao gồm nhiều tàu chiến được trang bị cảm biến và ngư lôi săn ngầm. 
Theo The Washington Free Beacon, Washington đã giữ kín thông tin về vụ việc nói trên trong nhiều tuần nhằm tránh ảnh hưởng quan hệ quân sự giữa Lầu Năm Góc và quân đội Trung Quốc. Tuy nhiên, thông tin này cuối cùng cũng được công bố trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung đang căng thẳng sau khi Mỹ quyết định bán gói vũ khí mới trị giá khoảng 1 tỉ USD cho Đài Loan.
Trung Quốc chưa có phản ứng về các thông tin trên, còn phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Darryn James từ chối đưa ra bình luận trực tiếp. Mặc dù vậy, ông vẫn phát biểu: “Tôi không thể thảo luận về các hoạt động liên quan đến tàu ngầm nhưng có thể khẳng định tàu chiến và máy bay của hải quân chúng ta hoàn toàn tự tin có đủ năng lực phòng thủ”.
Thách thức thỏa ước quốc tế
The Washington Free Beacon dẫn lời các quan chức Mỹ và giới chuyên gia nhận định nếu tàu ngầm Trung Quốc thực sự khóa mục tiêu tên lửa nhắm thẳng tàu sân bay Mỹ, đây là hành động vi phạm Quy tắc về chạm trán bất ngờ trên biển (CUES) mà 2 nước ký kết năm 2014. 
Theo đó, để giảm thiểu nổ ra xung đột không lường trước, tàu chiến 2 nước phải tránh những hành động có thể gây hiểu nhầm hoặc có nguy cơ gây sự cố, chẳng hạn như mô phỏng tấn công, nhắm bắn, sử dụng radar khóa mục tiêu của tên lửa, ngư lôi hoặc các loại vũ khí khác. Điều này cũng cho thấy Trung Quốc dường như ít quan tâm đến việc phải tôn trọng những thỏa ước quốc tế đã ký kết.
“Nếu thông tin chính xác, đây sẽ là một trường hợp nữa mà Trung Quốc đang cố tình chứng tỏ họ có thể đe dọa lực lượng của chúng ta trong khu vực”, nghị sĩ Randy Forbes thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ lo ngại. “Sau các vụ thử vũ khí chống vệ tinh và các hành động phô trương sức mạnh khác, sự cố mới nhất là lời nhắc nhở về hướng đi gây bất ổn của Trung Quốc và những thách thức mà Mỹ phải đối mặt trong nỗ lực duy trì sự cân bằng quân sự tại châu Á - Thái Bình Dương”, ông Forbes tuyên bố.
Trong khi đó, giới phân tích nhận định sự cố ngày 24.10 là minh chứng mới về nỗ lực của Trung Quốc nhằm đối phó CVN, một trong những công cụ chiến lược Mỹ dùng để thể hiện sức mạnh trên Thái Bình Dương. “Lực lượng tàu ngầm Trung Quốc đang dẫn đầu nỗ lực đối phó các CVN của Mỹ tại đấu trường Đông Á”, cựu sĩ quan Jim Fanell, người từng đứng đầu đơn vị tình báo của Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, nói với The Washington Free Beacon. 
Chưa hết, theo chuyên gia Ben Ho thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), quân đội Trung Quốc đang tập trung nghiên cứu khả năng dùng tên lửa hành trình chống CVN còn nhà phân tích Lyle J. Goldstein của Trường Chiến tranh hải quân Mỹ chỉ ra rằng giới phân tích quân sự Trung Quốc gần đây thường xuyên thảo luận những biện pháp có thể nhấn chìm tàu sân bay.
Báo Trung Quốc đe dọa máy bay Úc
Hoàn Cầu thời báo ngày 16.12 đăng bài xã luận với lời lẽ đe dọa nhằm vào chiến dịch tuần tra gần đây của không quân Úc tại Biển Đông. 
Trước đó, Bộ Quốc phòng Úc xác nhận máy bay giám sát AP-3C Orion đã thực hiện chuyến tuần tra thông thường ở Biển Đông từ ngày 25.11 - 4.12. “Máy bay quân sự Úc đừng nên thử lòng kiên nhẫn của Trung Quốc bằng cách bay gần các đảo của Trung Quốc. Sẽ rất đáng tiếc nếu một ngày nào đó, có máy bay rơi khỏi bầu trời và đó lại là máy bay Úc”, Hoàn Cầu thời báo thách thức. 
Đáp lại, ABC News dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne hôm 16.12 nói Trung Quốc không cần phải ngạc nhiên vì đợt tuần tra nói trên thuộc khuôn khổ chiến dịch Gateway đã được Canberra triển khai từ năm 1980 tại Bắc Ấn Độ Dương và Biển Đông với mục tiêu nỗ lực đóng góp vào duy trì an ninh, ổn định ở Đông Nam Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.