Tàu ngầm Anh phóng tên lửa hạt nhân bay vào đất Mỹ

23/01/2017 18:00 GMT+7

Nữ Thủ tướng Anh Theresa May như ngồi trên lửa sau khi rò rỉ thông tin vụ tàu ngầm Anh phóng hỏng tên lửa liên lục địa Trident II hồi tháng 6.2016 khiến tên lửa bay về lãnh thổ Mỹ thay vì phía tây châu Phi.

Báo Sunday Times ngày 22.1 cho biết một nguồn tin từ Hải quân Anh cung cấp cho báo này về thông tin nói trên, vốn bị giấu nhẹm hơn nửa năm qua.

Theo đó, vào ngày 20.6.2016, tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard của Anh là chiếc HMS Vengeance ở địa điểm ngoài khơi cách bang Florida (Mỹ) 200 hải lý (370 km) đã tiến hành phóng thử một tên lửa liên lục địa loại Trident II D5 (tầm bắn 12.000 km) đến mục tiêu dự kiến ở vùng biển phía tây châu Phi.

Tuy nhiên thay vì bay đến mục tiêu ở cách đó 9.000 km, tên lửa (không gắn đầu đạn) sau khi phóng đã mất điều khiển và bay ngược về phía đất liền Mỹ. Ngay sau đó tên lửa được phá huỷ trên không.

Thời điểm thử tên lửa liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) này diễn ra cận kề ngày nước Anh tiến hành trưng cầu dân ý ngày 23.6.2016 về việc rời khỏi EU (Brexit).

Tàu ngầm hạt nhân HMS Vengeance lớp Vanguard của Anh có thể mang tới 16 tên lửa liên lục địa Trident II do Mỹ chế tạo  Bộ Quốc phòng Anh

Vụ việc nghiêm trọng này xảy ra chỉ ít tuần trước khi bà Theresa May nhậm chức Thủ tướng Anh, và trong tháng 7.2016, bà May đã thuyết phục Quốc hội Anh thông qua kế hoạch thay thế lực lượng tàu ngầm phóng tên lửa liên lục địa, được xem là vũ khí răn đe hạt nhân duy nhất của Anh. Chi phí cho việc đóng mới 4 tàu ngầm hạt nhân cùng các trang thiết bị khác là 40 tỉ bảng Anh (50 tỉ USD).

Sau khi có thông tin vụ phóng tên lửa Trident thất bại, dư luận Anh đặt câu hỏi liệu bà May có biết vụ việc trên hay không trước khi thuyết phục Hạ viện chấp thuận ngân sách xây dựng đội tàu ngầm hạt nhân mới thay thế đội tàu cũ.

BBC ngày 23.1 đã đặt câu hỏi này 4 lần nhưng bà May đều lảng tránh việc khẳng định về vụ thử tên lửa thất bại hồi tháng 6.2016, chỉ nói "Tôi có niềm tin tưởng tuyệt đối vào hệ thống tên lửa Trident của chúng ta".

Công đảng và Đảng dân tộc Scotland đang yêu cầu chính phủ giải trình vấn đề này.

Dư luận Anh cũng lo ngại cho năng lực tác chiến của đội tàu ngầm hạt nhân này. Nguồn tin nói với Sunday Times rằng có sự hoảng loạn trong giới lãnh đạo cấp cao của chính phủ và quân đội khi vụ phóng thất bại nên phủ Thủ tướng khi đó cố giấu nhẹm thông tin.

Cựu bộ trưởng quốc phòng Anh Kevan Jones ngày 22.1 lên tiếng rằng việc độc lập trong lĩnh vực răn đe hạt nhân là nền tảng quan trọng cho chính sách quốc phòng của đất nước.

Đồ hoạ: BBC

Tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard trang bị hệ thống tên lửa liên lục địa Trident II (Lockheed Martin của Mỹ chế tạo) được đưa vào phục vụ hải quân Anh từ năm 1994, thay thế đội 4 tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân Polaris đã có từ những năm 1960. Hệ thống tên lửa Polaris và Trident đều do Mỹ chế tạo và cung cấp cho Anh (trừ đầu đạn hạt nhân là Anh tự chế tạo).

Anh hiện có 4 chiếc tàu ngầm hạt nhân lớp Vanguard gồm HMS Vanguard, HMS Vengeance, HMS Victorious và HMS Vigilant. Mỗi tàu dài 150 m (gấp đôi 1 máy bay Boeing 747), lượng choán nước 15.900 tấn, thuỷ thủ đoàn 132 người. Lớp tàu này mang tối đa 16 tên lửa Trident II D5, mỗi tên lửa chứa tối đa 8 đầu đạn hạt nhân (mỗi đầu đạn mạnh gấp 8 lần quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima năm 1945). Bình thường các tàu ngầm Vanguard chỉ mang 8 tên lửa với 5 đầu đạn/tên lửa.

Từ khi hoạt động đến nay, tàu ngầm hạt nhân Anh chỉ bắn thử tên lửa Trident có 5 lần vào các năm 2000, 2005, 2009, 2012 và 2016. Lý do bắn ít ỏi như vậy vì mỗi quả tên lửa có giá đến 17 triệu bảng (21 triệu USD). Đáng chú ý là tàu ngầm Vengeance từng phóng Trident thành công hồi năm 2000, từ tháng 12.2015 đã quay lại biển cả sau 4 năm sửa chữa nâng cấp tốn hết 435 triệu USD. Dù tàu này được lắp đặt hệ thống phóng tên lửa mới và nâng cấp hệ thống máy tính, nhưng lần phóng thử tên lửa hồi cuối tháng 6.2016 thất bại khiến Anh lo lắng cho năng lực hạt nhân răn đe của mình.

Chưa kể do lệ thuộc Mỹ về tên lửa nên tàu ngầm Anh thường phải đến Mỹ để tập đoàn Lockheed Martin kiểm tra hệ thống tên lửa Trident mà hãng sản xuất.

Minh hoạ tàu ngầm hạt nhân lớp Dreadnought mang tên lửa liên lục địa của Anh Bộ Quốc phòng Anh/BAE

Đội tàu ngầm Vanguard sẽ được thay thế bằng lớp tàu Dreadnought (tên gọi trước đó là Successor) gồm 4 chiếc, đã bắt đầu được đóng. Lớp tàu ngầm mới này có lượng choán nước đến 17.200 tấn, dài 153 m, nhưng chỉ có 12 ống phóng tên lửa thay vì 16 ống như của Vanguard. Lớp tàu Dreadnought cũng chia sẻ công nghệ của tàu ngầm hạt nhân lớp Columbia của Mỹ (thay thế lớp tàu Ohio) là sử dụng chung thiết kế về khoang phóng tên lửa.

Dự kiến phải đến những năm 2030 nước Anh mới có những tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa liên lục địa này. Trong thời gian đó, các chiếc Vanguard già cỗi phải gồng mình gánh trách nhiệm răn đe hạt nhân cho nước Anh.

Theo The Independent, Pháp là nước châu Âu duy nhất sở hữu khả năng răn đe hạt nhân độc lập, không dựa vào bên ngoài. Pháp có 4 tàu ngầm hạt nhân lớp Triumphant trang bị tên lửa liên lục địa M51 mà nhiều người cho là hiện đại hơn Trident II. Pháp còn có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân loại ASM-A có thể phóng từ máy bay Mirage 2000N và phiên bản phóng trên đất liền của tên lửa này.

Xem lần phóng tên lửa Trident II thành công của tàu ngầm Anh Vigilant năm 2012 (Bộ Quốc phòng Anh):

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.