Tàu Mỹ áp sát đảo nhân tạo, rồi sao nữa?

28/10/2015 14:23 GMT+7

(TNO) Cần có chiến lược hoàn thiện và nhất quán để ứng phó với Trung Quốc trước khi mưu đồ kiểm soát Biển Đông trở thành “sự đã rồi”.

(TNO) Cần có chiến lược hoàn thiện và nhất quán để ứng phó với Trung Quốc trước khi mưu đồ kiểm soát Biển Đông trở thành “sự đã rồi”.

Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ được giao nhiệm vụ thách thức yêu sách chủ quyền phi lý mà Trung Quốc mạo nhận ở Biển Đông - Ảnh: Hải quân MỹTàu khu trục USS Lassen của Mỹ được giao nhiệm vụ thách thức yêu sách chủ quyền phi lý mà Trung Quốc mạo nhận ở Biển Đông - Ảnh: Hải quân Mỹ

Hành động của Hải quân Mỹ triển khai tàu khu trục USS Lassen vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Xu Bi mà Trung Quốc tôn tạo phi pháp ở Biển Đông vào ngày 27.10 được dư luận đón nhận một cách tích cực.

Đối với dư luận các nước trong khu vực và thế giới, việc triển khai tàu vào khu vực được xem như động thái hiện thực hóa quan điểm nhất quán của Mỹ không công nhận yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, bác bỏ “đường lưỡi bò” nói chung và chủ quyền mà Trung Quốc mạo nhận quanh các bãi đá được bồi đắp phi pháp nói riêng.

Đối với dư luận Mỹ và chính giới Mỹ, hành động này giúp giảm bớt áp lực từ những chỉ trích nhắm vào chính quyền Tổng thống Barack Obama vì sự thiếu cơ bắp trong ứng phó với cách hành xử ngang ngược của Bắc Kinh.

Nhìn chung, hành động của Mỹ được cho là đáng hoan nghênh, bởi trên bề mặt nó gửi đi một thông điệp rằng Washington trước sau như một không công nhận yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh và sẵn sàng thách thức những yêu sách ấy.

Tuy nhiên, khi soi rọi sự việc trước góc độ chính sách, có thể thấy sự thiếu nhất quán trong cách gửi đi các tín hiệu của Mỹ. Một điểm bất thường là việc Nhà Trắng từ chối xác nhận công khai việc áp sát đảo nhân tạo mà chỉ tiết lộ thông qua các nguồn là quan chức quốc phòng ẩn danh được truyền thông Mỹ trích dẫn.

Theo tờ The New York Times, Nhà Trắng đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng không xác nhận công khai về sự việc. Và khi bị truy hỏi ráo riết tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện ngày 27.10, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter mới miễn cưỡng xác nhận “các tin tức truyền thông về sự việc là chính xác”.

Chính các nguồn ẩn danh này tạo nên sự nhiễu loạn thông tin và sự mập mờ không đáng có. Chẳng hạn, một vấn đề quan trọng cần phải xác định rõ là Mỹ điều tàu áp sát đảo nhân tạo trên danh nghĩa “quyền qua lại không gây hại” hay “quyền tự do hàng hải” ở hải phận quốc tế? Hãng tin Reuters ngày 27.10 dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho hay sứ mệnh được thực hiện dựa trên sự vận dụng “quyền qua lại không gây hại”. Nhưng tờ The Wall Street Journal cũng dẫn lời giới chức quốc phòng cho biết điều ngược lại.

Một câu hỏi nữa cũng chưa được giải đáp là máy bay trinh sát P-8A hoặc P-3 bay theo tàu USS Lassen có thực sự bay vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Xu Bi? Máy bay trinh sát bay vào khu vực đồng nghĩa với việc Mỹ không vận dụng “quyền qua lại không gây hại”, bởi hoạt động trinh sát không phù hợp với quyền này.

Việc phân biệt rõ “quyền qua lại không gây hại” hay “tự do hàng hải” rất quan trọng, bởi “quyền qua lại không gây hại” được áp dụng trong lãnh hải 12 hải lý. Nếu Mỹ vận dụng quyền này thì thông điệp gửi đi chưa thể hiện rõ là Mỹ không công nhận lãnh hải quanh các đảo nhân tạo. Mỹ chỉ thực sự bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc nếu xem đó như một hoạt động tuần tra bình thường ở hải phận quốc tế. Liệu sự mập mờ này có phải là biểu hiện của sự thách thức cầm chừng, để lại dư địa trong quan hệ với Trung Quốc hay không thì chỉ có những diễn biến kế tiếp mới có thể trả lời.

Một vấn đề quan trọng hơn là các hành động kế tiếp của Mỹ sẽ là gì, sau sứ mệnh tự do hàng hải ngày 27.10. Hãy đặt ra kịch bản nếu Trung Quốc lợi dụng hành động của Mỹ như là cái cớ để quân sự hóa khu vực, triển khai ồ ạt tàu chiến đến Trường Sa hoặc tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, phản ứng của Washington sẽ là gì?

Những viễn cảnh này thực tế đã được úp mở trong phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng ngày 27.10, theo đó Trung Quốc có thể xác định cần phải “tăng cường và củng cố việc xây dựng các năng lực thích đáng”.

Trung Quốc chắc chắn không chọn phương án đối đầu trực tiếp về quân sự với Mỹ, nhưng việc nước này đẩy nhanh mưu đồ thay đổi hiện trạng và tạo ra “sự đã rồi” là điều hoàn toàn có thể xảy đến.

Nhìn lại khoảng thời gian gần 2 năm qua, từ khi Bắc Kinh bắt đầu hoạt động xây dựng phi pháp ở Trường Sa, Nhà Trắng đã kiên nhẫn chờ đợi cho đến khi Trung Quốc gần như hoàn tất các cơ sở, đường băng, cầu cảng trên các đảo nhân tạo mới có thể đưa ra được phản ứng có vẻ thiết thực ngày 27.10. Và đó không phải là một phản ứng chủ động mà phần nhiều là sự ứng phó tình thế.

Sự chậm trễ của chính quyền Mỹ gợi ý rằng một số quan chức nước này thời gian qua vẫn còn lo ngại việc thách thức Trung Quốc sẽ ảnh hưởng xấu đến các lĩnh vực hợp tác khác giữa hai nước. Trong lúc này, có vẻ như những nhân vật cổ vũ cho sự cứng rắn với Trung Quốc trong chính giới Mỹ đang chiếm ưu thế, nhưng nếu xu thế này thay đổi, điều gì sẽ xảy ra?

Còn nhớ trong vụ tranh chấp bãi cạn Scarborough ở Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh năm 2012, Mỹ - với tư cách một đồng minh hiệp ước của Philippines - đứng ra làm trung gian tháo gỡ căng thẳng giữa hai bên. Theo thỏa thuận đạt được, Philippines đã đồng ý rút tàu thực thi pháp luật của nước này khỏi khu vực bãi cạn để đổi lại việc Trung Quốc cũng làm như thế.

Tuy nhiên, khi Bắc Kinh từ chối tuân theo thỏa thuận và lấn tới kiểm soát luôn Scarborough, Mỹ đã không đưa ra được một phản ứng rõ ràng. Các ngư dân Philippines từ đó đến nay phải ngậm ngùi chứng kiến ngư trường truyền thống của họ ở Scarborough bị những người Trung Quốc khai thác.

Khi Trung Quốc tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông vào tháng 11.2013, Washington đã điều 2 oanh tạc cơ chiến lược B-52 bay vào ADIZ để phản đối và thách thức. Nhưng hành động này chỉ được thực hiện một lần. Từ đó đến nay, hầu hết các hãng hàng không trên thế giới đã ngầm chấp nhận yêu sách của Trung Quốc tại khu vực, dẫn đến việc ADIZ ở Hoa Đông gần như đã trở thành “sự đã rồi”.

Những ví dụ trên cho thấy phản ứng đơn lẻ và chỉ mang tính biểu tượng mà không nằm trong một chuỗi chiến lược hiệu quả để kiểm soát và răn đe những hành động xem thường luật pháp quốc tế có thể sẽ không thể khắc chế được mưu đồ “sự đã rồi” của Trung Quốc. Và câu hỏi hiện nay là liệu Mỹ đã có sẵn một chiến lược nhất quán, rõ ràng và sẵn sàng áp dụng nó để răn đe mọi sự leo thang gây hấn từ Bắc Kinh hay không?

Thông điệp của Mỹ thách thức yêu sách chủ quyền phi lý mà Trung Quốc mạo nhận ở Biển Đông là đáng hoan nghênh, nhưng hy vọng rằng đó không phải là chuyện “đánh trống bỏ dùi”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.