Tàu chiến Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines diễn tập chung ở Biển Đông

Văn Khoa
Văn Khoa
09/05/2019 17:06 GMT+7

Tàu chiến của Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ và Philippines vừa tiến hành cuộc diễn tập chung kéo dài một tuần ở Biển Đông.

Cuộc diễn tập diễn ra từ ngày 2-8.5, với sự tham gia của tàu khu trục Mỹ USS William P. Lawrence, tàu khu trục thăng Nhật JS Izumo, tàu khu trục Ấn Độ INS Kolkata, tàu tiếp nhiên liệu INS Shakti cùng tàu tuần tra Philippines BRP Andres Bonifacio.
Các tàu tham gia cuộc diễn tập liên lạc và tổ chức một cuộc trao đổi chỉ huy trên tàu JS Izumo cùng một số hoạt động huấn luyện khác, theo thông cáo từ Hạm đội 7 của Mỹ.
Chuẩn đô đốc Nhật Hiroshi Egawa cho biết bên cạnh xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau, đợt diễn tập còn nhằm tăng cường hòa bình và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. “Khả năng tiến hành suôn sẻ các diễn tập khác nhau giữa lực lượng 4 nước cho thấy sự chuyên nghiệp và kỹ năng hoạt động cao”, ông nói.
Cũng trong bản tin, Hạm đội 7 tái khẳng định góp phần duy trì an ninh cho các đồng minh và đối tác thông qua việc đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Tuy đã có nhiều cuộc diễn tập tương tự diễn ra ở Biển Đông trong quá khứ, cuộc tập trận chung của 4 nước nói trên diễn ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa dọa tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD kể từ ngày 10.5, theo Reuters.
Thông tin về cuộc diễn tập nói trên được đưa ra sau khi Mỹ hôm 6.5 điều 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường hoạt động xung quanh 2 đá Ga Ven và Gạc Ma trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và bồi đắp thành đảo nhân tạo.
Khi đó, phát ngôn viên Hạm đội 7 Clay Doss nhấn mạnh rằng hoạt động mới của hai tàu chiến Mỹ là nhằm đảm bảo tự do hàng hải, đồng thời “thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý và bảo vệ quyền tiếp cận những tuyến đường biển theo luật quốc tế”.
Mỹ nhiều lần cáo buộc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa Biển Đôngbằng cách xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo mà nước này chiếm đóng và bồi đắp phi pháp.
Trong khi đó, chính quyền Trung Quốc lại ngang ngược cho rằng việc xây dựng những cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là “cần thiết để phòng thủ”. Bắc Kinh còn cáo buộc Mỹ làm leo thang căng thẳng trong khu vực khi đưa tàu chiến, máy bay áp sát thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.