Tập đoàn Monsanto thua kiện tại Pháp

18/02/2012 03:50 GMT+7

Tòa án Pháp kết luận thuốc diệt cỏ Lasso của Tập đoàn hóa chất Monsanto (Mỹ) đã gây ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương của nông dân Paul François.

Tờ Le Monde dẫn văn kiện của tòa án Lyon ngày 13.2 viết: “Monsanto phải chịu trách nhiệm về mọi thiệt hại cho sức khỏe của ông Paul François do hít phải thuốc diệt cỏ Lasso”. Khoản tiền bồi thường sẽ được ấn định sau khi có giám định cụ thể của cơ quan y tế. Theo luật sư chuyên về các vấn đề môi trường Stéphane Cottineau, phán quyết này sẽ mở lối cho hồ sơ nhiều vụ tai nạn có liên quan đến hóa chất.

Lập lờ về thiệt hại

Ngày 27.4.2004, ông François phun thuốc Lasso lên đồng bắp của mình. Trong lúc làm vệ sinh máy phun, ông hít phải một lượng thuốc bị bốc hơi và ngay lập tức có nhiều triệu chứng đáng lo ngại: nhức đầu, buồn nôn, rối loạn hoạt động hệ cơ, nói lắp… Sau đó, ông bất tỉnh, được đưa vào bệnh viện và phải tạm ngưng công việc trong gần một năm để dưỡng bệnh. Đến nay, theo Le Monde, người nông dân xấu số chỉ có thể làm việc bán thời gian và chịu hàng loạt di chứng như trí nhớ giảm sút, thường xuyên mệt mỏi và đau đầu. Các bác sĩ nhận định hệ thần kinh trung ương của ông đã bị ảnh hưởng sau tai nạn nói trên.

 
Sản phẩm diệt cỏ Roundup của Monsanto gây nhiều quan ngại - Ảnh: Bloomberg

Đến năm 2005, các kết quả phân tích cho thấy trong cơ thể ông François vẫn còn tồn tại dung môi monochlorobenzene và hoạt chất anachlore, thành phần chính của thuốc Lasso. Cả 2 chất này đều bị cảnh báo có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe từ thập niên 1980. Sau đó, ông François khởi kiện hãng Monsanto và trở thành phát ngôn viên cho các nạn nhân của hóa chất bảo vệ thực vật. Le Monde dẫn lời bên nguyên cáo buộc Monsanto đã “làm mọi cách để Lasso vẫn được lưu hành”. Điều này giải thích vì sao đến tận năm 2007, Lasso mới bị cấm tại Pháp trong khi sản phẩm này đã bị rút giấy phép từ rất lâu tại Canada (năm 1985), Bỉ (1990), Anh (1992). Ngoài ra, Monsanto còn bị tố cáo đã không thông tin đầy đủ về những nguy cơ của sản phẩm trên bao bì.

Không phải cá biệt

Đây không phải lần đầu “đại gia” về hóa chất bảo vệ thực vật Monsanto gây phẫn nộ trong dư luận. Monsanto cùng Công ty Dow Chemical là 2 nhà sản xuất chính của hàng chục triệu lít chất độc da cam mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam trong giai đoạn 1961-1971. Monsanto và Dow cũng nằm trong số 30 công ty có tên trong đơn kiện của nạn nhân da cam Việt Nam từ năm 2004.

Theo Le Monde, Monsanto từng bị phạt ở nhiều nước vì các vụ bê bối đình đám: thải hàng ngàn tấn chất độc có thể gây ung thư và rối loạn hệ sinh dục polychlorinated biphenyl (PCB) trong gần 4 thập niên vào nguồn nước của làng Anniston ở bang Alabama của Mỹ; làm nhiễm PCB, dioxine và nhiều hóa chất độc hại khác tại một khu vực thuộc Xứ Wales…

Mới đây nhất, các báo cáo viên của Hội đồng Chính phủ Pháp đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp kiểm tra nguy cơ gây hại cho sức khỏe của thuốc diệt cỏ Roundup, sản phẩm diệt cỏ của Monsanto đang rất thịnh hành trên thế giới. Một lần nữa, Monsanto lại bị cáo buộc chưa đưa ra những kiểm định cụ thể về khả năng gây độc của sản phẩm. Le Monde dẫn lời một số chuyên gia cho rằng Roundup không chỉ chứa chất glyphosate có thể gây rối loạn hệ nội tiết mà còn có một số chất bổ trợ giúp hóa chất dễ dàng “thấm” vào thực vật. Cần phải xem xét tác động của toàn bộ hỗn hợp này vì nguy cơ không chỉ đối với nông dân mà còn với cả người tiêu dùng.

Quan ngại về Monsanto ở Việt Nam

Theo Quyết định 11/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12.1.2006, Việt Nam đã cho thử nghiệm một số giống cây trồng biến đổi gien trên đồng ruộng. Đến thời điểm này, Bộ NN-PTNT đã ban hành danh mục các loại cây trồng biến đổi gien được phép khảo nghiệm đánh giá rủi ro đối với đa dạng sinh học và môi trường, gồm ngô, đậu tương và bông. Đại diện của Monsanto tại Việt Nam cho Thanh Niên hay tập đoàn này đã được Bộ NN-PTNT cấp phép để tiến hành nghiên cứu và trồng thử nghiệm ngô biến đổi gien trong hai năm 2010-2011.

Tuy nhiên, các nhà khoa học trên thế giới đã bày tỏ quan ngại về khả năng Monsanto sử dụng hóa chất diệt cỏ Roundup khi trồng ngô biến đổi gien tại Việt Nam. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Jeffrey Smith, tác giả của một trong những cuốn sách thuộc hàng bán chạy nhất ở Mỹ là Seeds of Deception (tạm dịch: Hạt mầm dối trá), khẳng định có bằng chứng cho thấy Roundup gây phương hại môi trường và gây dị tật thai nhi. “Tôi cho rằng sẽ thật đau lòng khi Việt Nam phải chịu đựng hậu quả của 2 sản phẩm - chất độc da cam và Roundup - từ một mình Monsanto”, ông Smith nói. Trả lời PV Thanh Niên về quan ngại nói trên, đại diện Monsanto tại Việt Nam khẳng định: “Việc gieo trồng thí nghiệm ngô biến đổi gien được tiến hành phù hợp và tuân thủ nghiêm ngặt theo luật pháp và chính sách tại Việt Nam”.

Tại phiên chất vấn các thành viên chính phủ ở kỳ họp thứ hai Quốc hội tháng 11.2011, đại biểu tỉnh Hải Dương và là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Nguyễn Văn Rinh đã hỏi Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát rằng các nhà khoa học Việt Nam có ý kiến gì về các quan ngại đối với Monsanto. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lúc đó đã đề nghị Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT kiểm tra, giải quyết một cách thận trọng và có báo cáo lại.

An Điền

 Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.