Tạp chí Diplomat: Mỹ làm gì để đối phó Trung Quốc trên Biển Đông, Hoa Đông?

23/09/2016 17:31 GMT+7

"Ngoại giao là thích hợp và quan trọng, nhưng ngoại giao mà không đe dọa dùng vũ lực để đáp lại hành động gây hấn thì sẽ khó thành công", theo bài viết trên Diplomat về các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông và Hoa Đông.

Bài viết đăng trên Diplomat (trụ sở tại Nhật Bản) hôm 23.9 thống kê rằng một tháng trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua, Trung Quốc đã đưa ít nhất 36 tàu của các lực lượng hải cảnh, hải giám và bảo vệ ngư nghiệp đến vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Điếu Ngư/ Senkaku tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Thêm khoảng 200-300 tàu cá Trung Quốc đi vào khu vực này.
Cách đó chừng 1.300 km, đội tàu hải cảnh của Trung Quốc nhiều lần đi vào vùng biển quanh bãi cạn Scarborough tranh chấp với Philippines
Rồi thì Trung Quốc tập trận với Nga, bao gồm cả tập chiếm và bảo vệ đảo. Những hành động khiêu khích như thế này của Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại từ Philippines và Nhật rằng Trung Quốc đang cố âm mưu thay đổi hiện trạng, chẳng hạn như chiếm các thực thể kể trên hay ít nhất là phong tỏa chúng.
Tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku là một trong những yếu tố căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật - 2 nước đã có lắm hiềm khích trong lịch sử Reuters
Cả Nhật và Philippines đều tiến hành các biện pháp ngoại giao. Nhật tuyên bố phản đối mạnh mẽ, yêu cầu Trung Quốc rút tàu khỏi các vùng biển Nhật và ngăn chặn các hành động tương tự trong tương lai. Về phía Philippines, cựu tổng thống Fidel Ramos đã đến Trung Quốc để thương lượng về tranh chấp lãnh hải. Ngoại giao là thích hợp và quan trọng, nhưng ngoại giao mà không đe dọa dùng vũ lực để đáp lại hành động gây hấn sẽ khó lòng thành công, theo bài viết trên Diplomat.
Mỹ là đồng minh của cả Nhật lẫn Philippines. Chủ quyền lãnh thổ là ưu tiên hàng đầu của 2 đồng minh Mỹ trong vấn đề này. Còn với Mỹ, lợi ích nằm ở tầm ảnh hưởng tại một khu vực tập trung nguồn tài sản to lớn trên thế giới, cũng là nơi quân đội Mỹ ở nước ngoài tập trung đông đảo nhất. Những thiệt hại về uy tín mà Trung Quốc tự gây ra cho chính mình vì các hành động phi pháp trong khu vực cũng như hợp tác từ trong khu vực với Mỹ tăng cao đã không ngăn được Trung Quốc hành xử khiêu khích. Vậy Mỹ, Nhật và Philippines có thể làm gì để ngăn chặn sự khiêu khích này?
Theo Diplomat, Mỹ cần tỏ rõ thái độ hơn nữa với Trung Quốc rằng sự khiêu khích của Trung Quốc đối với Điếu Ngư/ Senkaku và bãi cạn Scarborough sẽ đẩy Mỹ đến chỗ thực hiện các nghĩa vụ đồng minh với cả 2 nước.
Cùng lúc, Mỹ cũng cần phải thể hiện rõ quan điểm rằng vai trò quan trọng nhất để bảo vệ các thực thể này nằm ở chính Nhật Bản và Philippines, còn Mỹ chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Hai nước này cần tăng cường năng lực phòng vệ của mình. Bộ Quốc phòng Nhật gần đây đã đề nghị khoản ngân sách quốc phòng cao nhất từ trước đến nay, lên tới 50 tỉ USD, trong đó tăng cường đáng kể các khoản chi cho bảo vệ đảo.
Philippines có chậm hơn nhưng gần đây cũng yêu cầu mức ngân sách quốc phòng kỷ lục 2,9 tỉ USD, bao gồm việc mua tàu hộ tống, máy bay do thám, radar... Tuy nhiên, sự thất thường trong các tuyên bố của Tổng thống nước này, ông Rodrigo Duterte đang làm khó cho sự hỗ trợ của Mỹ đối với Philippines trong việc chống lại các hành động phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ngoài quốc phòng và ngoại giao, Diplomat cho rằng Nhật và Philippines cũng cần xây dựng kế hoạch bảo vệ các thực thể này. Trái với nhiều nhận định quân sự trước đây, Trung Quốc không dễ gì chiến thắng trong trường hợp xảy ra cuộc chiến giành các đảo, bãi cạn này. Không cần đến sự giúp đỡ của Mỹ, lực lượng phòng vệ Nhật có thể biến bất kỳ một hành động chiếm đảo nào của Trung Quốc thành một động thái đầy rủi ro.
Về phía Philippines, dù tiềm lực của hải quân và không quân nước này đều rất yếu nếu đem so với Trung Quốc, nhưng Philippines có thừa chiến thuật du kích cả trên biển lẫn trên không để chống lại bất kỳ thế lực nào trên một bãi cạn chỉ cách bờ biển của mình có 160 km, chỉ 5 giờ đi tàu và 15 phút phóng máy bay là tới.
Cả Nhật và Philippines đều có thể tung ra những tín hiệu mạnh mẽ tới Trung Quốc bằng cách diễn tập cho các tình huống này ở gần thực thể tranh chấp.
Về phía Mỹ, cường quốc này hoàn toàn có thể lên các kế hoạch ủng hộ các hoạt động của 2 nước đồng minh, bao gồm cả việc tham gia vào các cuộc tập trận. Sự kết hợp của Mỹ sẽ là lời đảm bảo để ngăn Trung Quốc khỏi hành động chiếm và giữ bất kỳ một thực thể nào, theo Diplomat.
Cuối cùng, Mỹ, Nhật và Philippines cần chuẩn bị cho một chiến lược kinh tế để lập tức áp dụng trong trường hợp Trung Quốc gây hấn. Ai cũng biết nền kinh tế Trung Quốc rất lớn và chắc chắn Trung Quốc sẽ tiến hành các biện pháp trả đũa trước bất kỳ sự cấm vận nào, nhưng bản chất lệ thuộc lẫn nhau trong thương mại thế giới khiến Trung Quốc sẽ lâm vào khó khăn trước một lệnh cấm vận quy mô rộng áp đặt lên nước này.
Tàu hải giám Trung Quốc và tàu tuần duyên Nhật trong một lần đụng độ ở vùng biển gần Điếu Ngư/Senkaku  Reuters
Sự hợp tác giữa Mỹ với 2 đồng minh xưa nay đã rõ. Nhưng bản thân Nhật và Philippines cũng đang phối hợp với nhau trước mối đe dọa Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gần đây đã tuyên bố Nhật sẽ cung cấp cho Philippines thêm 2 tàu tuần tra cũng như cho nước này mượn 5 máy bay trinh sát.
Mục tiêu hàng đầu ở cả Biển Đông và Hoa Đông là một loạt giải pháp ngoại giao nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hoà bình thông qua thương lượng và đối thoại hơn là dùng vũ lực. Nhưng sẽ khó lòng đạt được các tiến bộ ngoại giao nếu sự dương oai và khả năng sử dụng quân sự của Trung Quốc không bị ngăn chặn bằng sự thể hiện khả năng phòng vệ quân sự thật sự của những nước có liên quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.