Tập Cận Bình chống tham nhũng để tránh sụp đổ

09/09/2014 17:26 GMT+7

(TNO) Cuộc chiến chống tham nhũng và hoang phí trong bộ máy công quyền Trung Quốc xuất phát từ mối lo sụp đổ chế độ, một nhà báo Singapore nhận định với Thanh Niên Online .

(TNO) Cuộc chiến chống tham nhũng và hoang phí trong bộ máy công quyền Trung Quốc xuất phát từ mối lo sụp đổ chế độ, một nhà báo Singapore nhận định với Thanh Niên Online.

Tập Cận Bình và “nồi cơm” của quan chức Trung Quốc
 Pháo hoa mừng lễ trung thu ở quảng trường Thiên An Môn năm 2012 nay trở thành hình ảnh dĩ vãng dưới chính sách thắt lưng buộc bụng của Chủ tịch Tập Cận Bình - Ảnh: AFP

Nhà báo kỳ cựu không muốn xưng danh, hiện là một biên tập viên của tờ Straits Times, bác bỏ nghi ngờ rằng cuộc chiến chống tham nhũng và lộng quyền, được mệnh danh là “đả hổ lẫn ruồi nhặng”, mà Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng từ khi nắm quyền hồi tháng 11.2012 là “thanh trừng lẫn nhau”, hay “có phần chiếu lệ”.

“Tôi tin rằng ông Tập hiểu rõ tầm quan trọng của việc xóa bỏ tham nhũng để ngăn chặn sự sụp đổ của Đảng Cộng sản”, nhà báo từng nhiều năm thường trú ở Bắc Kinh và Đài Loan khẳng định.

Am hiểu lịch sử và chính trường Trung Quốc, nhà báo người Hoa này giải thích thêm về lựa chọn hành động của ông Tập: “Sự sụp đổ của nhà Thanh là kết quả của nạn tham nhũng tràn lan bắt nguồn từ triều đại của Càn Long”.

Trị từ chiếc bánh trung thu

Tờ China Daily ngày 9.9 trích thông tin từ kênh truyền hình quốc gia Trung Quốc CCTV cho hay trong dịp lễ trung thu vừa qua, cả nước có 28 trường hợp tặng bánh và các vật phẩm khác tại các cơ quan nhà nước có tính chất vi phạm quy định “thắt lưng buộc bụng” của Chủ tịch Tập.

Bài báo cũng cho biết hôm 8.9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (CCDI) công bố báo cáo hằng tuần cho hay từ ngày 1-7.9, cả nước có tổng cộng 177 trường hợp vi phạm quy chế, bao gồm 28 trường hợp nói trên.

Riêng tại thủ đô Bắc Kinh mùa trung thu, có 2 trường hợp bị phanh phui.

Trường hợp thứ nhất là giám đốc Trung tâm thương mại lương thực quốc gia dùng tiền cơ quan mua và phân phát cho nhân viên bánh và phiếu tặng quà.

Trường hợp thứ hai xảy ra tại Trung tâm xúc tiến phát triển công nghiệp văn hóa quận Hoài Nhu nằm ở vùng ngoại ô. Vị giám đốc trung tâm đã lấy công quỹ phát cho nhân viên tổng cộng 27.300 nhân dân tệ (95 triệu đồng) tiền mặt.

Hai vị này hiện đã bị kỷ luật cảnh cáo, tờ China Daily cho biết.

Tờ báo này cũng nhìn nhận rằng trung thu là dịp lễ truyền thống lớn thứ hai trong năm của Trung Quốc, sau tết nguyên đán. Và việc biếu nhau bánh trung thu là truyền thống lâu đời.

Nhưng bên cạnh bánh trung thu, nhiều nơi cũng kèm theo trong hộp bánh những thứ có giá trị khác, thậm chí là tiền mặt.

Giáo sư Yan Jirong, từ Trường quản lý hành chính thuộc Đại học Bắc Kinh, nhìn nhận việc cho nhân viên bánh trung thu và kèm theo những thứ giá trị khác như một dạng “thu nhập xám” cũng là một nỗ lực của các lãnh đạo cơ quan nhằm bù đắp cho mức lương bèo bọt của nhân viên nhà nước.

Tuy nhiên, “việc mua và phát những hộp bánh như thế bằng công quỹ của nhân dân là hoàn toàn sai trái”, và “việc thiếu kiểm soát cũng như hình phạt thích hợp đã khiến tập quán này trở nên quá phổ biến”, Giáo sư Yan phàn nàn.

Bình luận với Thanh Niên Online về việc xử lý các vụ tặng bánh cho nói trên, nhà báo của Straits Times nói: “Quả thật điều đó có phần quá nặng tay. Tuy nhiên, đôi khi cần phải như vậy để đảm bảo quy định được chấp hành”.

Tìm và diệt

Trưởng ban CCDI Vương Kì Sơn trong một phát biểu mới đây nói rằng, vấn đề không nằm ở chỗ mấy chiếc bánh trung thu mà là những quà tặng xa xỉ, như nữ trang, điện thoại thông minh, thậm chí tiền mặt, ẩn trong những hộp bánh.

Các nhà quan sát chỉ ra rằng, trong các “hộp bánh” tặng cho các quan chức thường chứa những thứ xa xỉ mà ông Vương đề cập.

Hôm 6.9, CCDI đã đưa lên website tại vị trí nổi bật nhất một danh sách dài dằng dặc gồm số điện thoại, địa chỉ, email... của 4 bộ và 24 tỉnh, thành phố, vùng tự trị để mời gọi người dân liên lạc chỉ điểm những hành vi được coi là hoang phí của các quan chức.

“Mục chỉ điểm trên trang web của CCDI cung cấp cho công chúng một kênh trực tiếp để theo dõi việc chi tiêu ngân sách nhà nước”, Giáo sư Yan đánh giá.

Ông cũng khẳng định thêm: “Mọi chỉ báo về các hành vi trái phép sẽ bị truy tận gốc”.

Theo China Daily, hồi cuối năm 2012, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ban hành một bản thông tư 8 điểm quy định cắt giảm tiêu xài hoang phí trong các đảng viên.

Theo đó, CCDI đã phát động 6 chiến dịch lớn trên toàn quốc vào những dịp lễ nhằm ngăn chặn tham nhũng, hoang phí.

Tính đến tháng 6.2014, theo số liệu của CCDI, đã có 61.703 cán bộ, quan chức bị kỷ luật dưới nhiều hình thức, do làm trái quy định.

Đặt vấn đề về tính nghiêm minh và năng lực thi hành mệnh lệnh của ông Tập trên toàn quốc gia rộng gần 10 triệu km2, nhà báo Singapore nhận định: “Việc thực thi chắc chắn sẽ khó đồng đều trong cả nước. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng ông Tập có quyền lực tuyệt đối, đủ sức để bảo đảm công cuộc chống tham nhũng có hiệu quả, chứ không như thời ông Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo”.

Khác với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, ông Tập Cận Bình ngay khi nhậm chức đã nắm trọn vẹn 3 vị trí quyền lực nhất quốc gia là Tổng bí thư Đảng, Chủ tịch nước và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

“Bên cạnh đó, ông ấy còn nhận được sự ủng hộ của đại bộ phận người dân Trung Quốc vốn mong muốn đẩy lùi nạn tham nhũng”, nhà báo này nói.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Ông Lê Hồng Anh hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
>> Thách thức mới dành cho ông Tập Cận Bình
>> Tập Cận Bình và 'nồi cơm' của quan chức Trung Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.