Tân đại biện lâm thời Mỹ tại Cuba từng bị Bolivia trục xuất

05/12/2017 10:46 GMT+7

Nhà Trắng đã quyết định đề cử nhà ngoại giao Philip Goldberg cho vị trí đứng mũi chịu sào quan hệ Mỹ- Cuba, vào thời điểm quan hệ giữa hai nước vừa chớm hàn gắn đã lại căng thẳng.

Nhà ngoại giao Goldberg có bề dày kinh nghiệm sau thời gian làm việc tại nhiều nước, và được một nguồn tin quốc hội đánh giá là “lựa chọn tốt nhất trong những người xuất sắc”.

Vị trí này không phải là đại sứ nên không cần được quốc hội thông qua. Kể từ khi hai nước thiết lập lại quan hệ ngoại giao vào năm 2015, Mỹ chưa chỉ định đại sứ vì Thượng viện bác đề cử của Tổng thống lúc đó là Barack Obama.

Thay vào đó, ông Goldberg sẽ thay thế ông Jeffrey DeLaurentis, rời vị trí vào tháng 6, làm đại biện lâm thời.

Tuy nhiên, việc bổ nhiệm ông này có thể tạo nên xáo động mới tại Havana. Vào năm 2008, ông Goldberg đã bị trục xuất khỏi Bolivia sau khi Tổng thống Evo Morales chỉ trích ông này kích động khiến xã hội bất ổn.

Quyết định lựa chọn nhà ngoại giao cũng không được công bố chính thức, theo Reuters ngày 5.12 dẫn lời 3 nguồn thạo tin.

tin liên quan

Sóng gió trong quan hệ Mỹ - Cuba
Quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù bước vào giai đoạn trắc trở mới sau khi Mỹ thông báo trục xuất 15 nhà ngoại giao Cuba.

Nếu được phía Cuba chấp nhận, ông Goldberg sẽ nhận nhiệm vụ trong bối cảnh quan hệ song phương đang xấu đi vì tranh cãi xung quanh các vụ “tấn công” bí ẩn mà Washington cho là nhằm vào ngoại giao đoàn của Mỹ tại Havana.

Trước đó, Washington triệu hồi hơn một nửa số nhân viên tại Đại sứ quán ở Cuba, ra lệnh cho cơ quan này ngừng cấp thị thực cho công dân Cuba cũng như cảnh báo công dân Mỹ không đến nước láng giềng. Hiện công dân Cuba nếu có nhu cầu xin thị thực thì phải đến đại sứ quán Mỹ tại các nước khác trong khu vực để làm thủ tục.

Những quyết định trên được ban hành trong bối cảnh chưa có lời giải đáp cho nghi vấn 21 nhân viên ngoại giao Mỹ và thân nhân tại Cuba mất thính lực, tổn thương não, nghi do bị “tấn công bằng thiết bị bí ẩn phát ra sóng âm mà con người không thể nghe được”.

Đến nay, cuộc điều tra của Cuba lẫn Mỹ vẫn chưa có kết quả. Trong khi đó, tờ Miami Herald dẫn lời một số chuyên gia cho rằng việc một quốc gia đi đầu về công nghệ cao như Mỹ mà chưa thể xác định thiết bị gây ra vụ “tấn công sóng âm” là điều “đáng ngờ”.

Nhiều tàu cá lâu nay thường dùng thiết bị sóng âm tầm xa để ngăn chặn cướp biển Somalia ở vịnh Aden. “Thiết bị này tạo ra âm thanh gây đinh tai nhức óc không ai chịu nổi”, một cựu quan chức an ninh Mỹ cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.