Tâm lý e ngại vắc xin giữa đại dịch Covid-19

Khánh An
Khánh An
18/11/2020 07:32 GMT+7

Trong khi giới khoa học chạy đua bào chế vắc xin ngừa Covid-19 , tâm lý e ngại tiêm chủng từ một số người đang đe dọa nỗ lực chặn đứng đại dịch.

Khoảng 44 vắc xin nhiều khả năng có hiệu quả trong việc ngừa Covid-19 đang được thử nghiệm trên người với hy vọng chấm dứt đại dịch khiến hơn 55 triệu người mắc và hơn 1,3 triệu người tử vong.
Tuy nhiên, giới chức nhiều nước và các chuyên gia đang lo rằng việc một số người còn e ngại tiêm vắc xin khiến đại dịch khó được chặn đứng và sẽ gây hậu quả kinh tế còn nghiêm trọng hơn, bên cạnh những ảnh hưởng đối với tính mạng, sức khỏe.

Vì sao e ngại ?

Đài CNN vừa qua dẫn lời ông Neil Johnson tại Đại học George Washington, chuyên gia nghiên cứu về tính hoài nghi trên mạng xã hội đối với vắc xin, cho rằng có 4 nguyên nhân chính khiến một số người ngần ngại.

Tiến triển vắc xin ngừa Covid-19: hiệu quả cao, khó bảo quản

Các nguyên nhân này liên quan tính an toàn, sự cần thiết phải tiêm vắc xin, niềm tin vào các công ty dược và quan niệm không chắc chắn đối với khoa học. Lấy ví dụ, ông đề nghị mọi người hãy thử hỏi xem gia đình, bạn bè có sẵn sàng tiêm vắc xin ngừa Covid-19 hay không.
“Tôi sẽ ngạc nhiên nếu bạn hỏi 10 người và tất cả đều nhảy lên đồng ý mà không có người nào bất đồng”, ông Neil Johnson nói.
Bên cạnh đại dịch bùng phát, thế giới còn đang chứng kiến sự gia tăng của các thông tin sai lệch trên mạng, những phỏng đoán vô căn cứ và những phản bác mang tính thành kiến đối với vắc xin.
Theo AFP, một số chuyên gia thậm chí gọi đây là hiện tượng “đại dịch thông tin”, khi một số người khăng khăng cho rằng việc tiêm vắc xin là lựa chọn cá nhân. Một khảo sát của Gallup mới đây cho thấy trên 35% người được hỏi ở Mỹ chần chừ trong việc tiêm vắc xin ngay cả khi được cung cấp miễn phí. Tương tự, khảo sát của Viện Angus Reid ở Canada cho thấy 32% người được hỏi chưa muốn chủng ngừa, trong khi 14% từ chối. Thậm chí một số người tại Đức, Anh và Tây Ban Nha còn biểu tình phản đối việc tiêm vắc xin và các biện pháp phong tỏa phòng dịch.
Tâm lý e ngại vắc xin giữa đại dịch Covid-191

Một tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin tại Brazil

ẢNH: REUTERS

Cách duy nhất
Theo WHO, tất cả các nhóm có nguy cơ cao trên toàn cầu phải được chủng ngừa đồng loạt, nếu không muốn nền kinh tế toàn cầu không có khả năng tái kiến thiết. WHO kêu gọi các nước tham gia vào chương trình chia sẻ vắc xin toàn cầu thay vì tự phát triển vắc xin riêng.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết 20% dân số mỗi nước bao gồm nhân viên y tế, người trên 65 tuổi và người có bệnh sẵn, sẽ được chủng ngừa trước, theo chương trình của WHO. “Cách nhanh nhất để chấm dứt đại dịch và mở cửa lại nền kinh tế là khởi đầu với việc bảo vệ các nhóm có nguy cơ cao ở mọi nơi, thay vì toàn dân hoặc chỉ vài nước”, ông nhấn mạnh.
Hiện Bộ Y tế Mỹ thông báo người dân cả nước sẽ được cung cấp vắc xin ngừa Covid-19 miễn phí sau khi chứng minh được hiệu quả. Trong khi đó tại Úc, lo ngại trước nguy cơ một số người hiểu sai và không muốn chủng ngừa, Thủ tướng Scott Morrison cho rằng việc tiêm vắc xin
Covid-19 là vô cùng cần thiết và ông muốn tất cả 25 triệu người dân Úc được chủng ngừa, sau khi nước này đặt mua được vắc xin do Hãng AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) đang bào chế.
Nhiều nghiên cứu cũng chứng minh việc tiêm vắc xin là cần thiết. Chuyên gia dịch tễ hàng đầu Mỹ Anthony Fauci cho rằng việc tiêm chủng rộng rãi sẽ giúp chấm dứt đại dịch, trong khi một nghiên cứu trên chuyên san The Lancet nhấn mạnh đây là cách duy nhất để hoàn toàn dỡ bỏ phong tỏa.
Thế giới thận trọng về vắc xin Covid-19
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci hôm qua nhận xét thông tin đáng hy vọng về những tiến triển trong việc phát triển vắc xin ngừa Covid-19 gần đây là “ánh sáng cuối đường hầm”.
Tuy nhiên, ông kêu gọi người Mỹ không nên mất cảnh giác trong khi giới chuyên gia dự báo ngay cả khi được cấp phép khẩn cấp, sẽ chỉ có một số lượng rất hạn chế được phân phối trước cuối năm, theo AP.
Vắc xin của liên danh Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) được cho là đạt hiệu quả hơn 90%, trong khi Hãng Moderna (Mỹ) công bố vắc xin của hãng hiệu quả đến 94,5% trong việc ngăn ngừa Covid-19.
Tổ chức Y tế thế giới coi những kết quả nói trên là điều đáng mừng nhưng kêu gọi không nên tự mãn, lơ là trong việc phòng dịch. Moderna đang thu thập thêm thông tin để xin phép sử dụng vắc xin khẩn cấp, trong khi Pfizer đang thử nghiệm kế hoạch phân phối tại 4 tiểu bang. 
Vi Trân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.