Tâm chấn mới của đại dịch Covid-19

Văn Khoa
Văn Khoa
24/05/2020 06:00 GMT+7

Tổ chức Y tế thế giới cho biết Nam Mỹ vừa trở thành tâm chấn mới của đại dịch Covid-19 , với số ca nhiễm tăng cao mỗi ngày.

Tính đến tối qua 23.5, số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã hơn 5,2 triệu, trong đó hơn 1,6 triệu ca ở Mỹ và gần 600.000 ca ở Nam Mỹ, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva ngày 22.5, Giám đốc Chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan cảnh báo tâm chấn của đại dịch Covid-19 vừa chuyển sang Nam Mỹ. “Chúng ta vừa chứng kiến các quốc gia Nam Mỹ có số ca nhiễm ngày càng tăng và rõ ràng có quan ngại khắp các quốc gia đó, nhưng chắc chắn quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất vào thời điểm này là Brazil”, ông Ryan nhấn mạnh.

WHO: Nam Mỹ là tâm dịch Covid-19 mới, phản đối sử dụng hydroxychloroquine

Bộ Y tế Brazil ngày 22.5 xác nhận số ca nhiễm Covid-19 ở nước này đã tăng lên 330.890 ca, vượt qua Nga (326.448 ca), trở thành điểm nóng số 2 về ca nhiễm, chỉ sau Mỹ, theo Reuters. Bộ này cũng ghi nhận thêm hơn 1.000 người chết trong ngày 22.5, nâng tổng số ca Covid-19 tử vong ở Brazil lên hơn 21.000. Trước tình trạng này, Bộ trưởng Y tế lâm thời Brazil Eduardo Pazuello, đang là tướng lục quân, đã phê chuẩn hướng dẫn sử dụng rộng rãi thuốc chống sốt rét chloroquine và hydroxychloroquine cho việc điều trị những ca nhiễm nhẹ. Tuy nhiên, phía WHO tái khẳng định hiện chưa có bằng chứng lâm sàng ủng hộ tác dụng của loại thuốc này trong việc điều trị Covid-19. Trước đó, hai bộ trưởng y tế Brazil đã từ chức vì không đồng ý với Tổng thống Jair Bolsonaro trong việc dùng thuốc chống sốt rét để điều trị Covid-19 cũng như những biện pháp chống dịch khác. Ông Bolsonaro đang bị chỉ trích về cách ứng phó đại dịch ở nước này.

Brazil bùng nổ ca nhiễm Covid-19, tổng thống vẫn đi biểu tình đòi bỏ phong tỏa

Đứng sau Brazil về số ca nhiễm Covid-19 ở Nam Mỹ là Peru. Tính đến tối qua, số ca nhiễm Covid-19 ở Peru tăng lên hơn 111.600 ca, trong đó có hơn 3.240 ca tử vong. Hôm 22.5, Tổng thống Peru Martin Vizcarra gia hạn tình trạng khẩn cấp và lệnh phong tỏa trên toàn quốc đến cuối tháng 6, theo Reuters. Chính phủ Peru bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa từ giữa tháng 3 và đến khi lệnh này hết hạn vào ngày 30.6, nước này đặt trong tình trạng phong tỏa tới 3 tháng rưỡi, lâu hơn cả thời hạn áp đặt lệnh phong tỏa ở Ý và Trung Quốc (hơn 2 tháng).
Trung Quốc lần đầu không có ca nhiễm mới
Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc hôm qua thông báo nước này không có ca nhiễm Covid-19 mới nào, chỉ có 2 ca nghi nhiễm và không có ca tử vong trong ngày 22.5. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đại lục ghi nhận không có ca nhiễm mới kể từ khi bắt đầu công bố dữ liệu về Covid-19 hồi tháng 1, theo AFP. Tại phiên khai mạc kỳ họp thường niên của Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc (tức quốc hội) vào sáng 22.5, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố nước này “đã đạt được những thành tựu chiến lược quan trọng trong việc ứng phó Covid-19”. Tuy nhiên, ông Lý cảnh báo Trung Quốc vẫn đối diện nhiều thách thức “đang nổi lên”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.