Tâm chấn mới của đại dịch Covid-19

Bảo Vinh
Bảo Vinh
15/03/2020 01:00 GMT+7

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng châu Âu đã trở thành tâm chấn của đại dịch Covid-19 và thế giới đã chạm đến cột mốc bi kịch.

Với việc vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19 lây lan ra hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 5.600 người tử vong, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus thừa nhận sự thật đau buồn rằng đây là cột mốc bi kịch của thế giới.

Tâm chấn châu Âu

Từ chỗ là nơi khởi phát của dịch Covid-19, Trung Quốc những ngày gần đây ghi nhận rất ít ca nhiễm mới và bắt đầu nới lỏng các quy định hạn chế đi lại. Trong khi đó, châu Âu giờ đã thành “tâm chấn” của đại dịch với số ca nhiễm và tử vong vì SARS-CoV-2 nhiều hơn phần còn lại của thế giới cộng lại, trừ Trung Quốc.
Số ca nhiễm mới mỗi ngày tại châu Âu giờ đây còn cao hơn cả Trung Quốc vào giai đoạn cao điểm. Đến tối qua, Ý thông báo tổng số ca nhiễm tăng lên thành 21.157 với 1.441 ca tử vong. Tây Ban Nha hôm qua thông báo có thêm 1.500 ca nhiễm mới, nâng tổng số bệnh nhân lên hơn 5.750 với 136 người tử vong, nhiều thứ hai châu Âu. Pháp đến nay có gần 2.900 ca nhiễm và 79 ca tử vong, còn Đức cũng có hơn 3.000 ca nhiễm.
Theo nhận định của giới chuyên gia, những số liệu thống kê chưa diễn tả hết được tình cảnh đáng báo động mà châu Âu đang trải qua. Trong khi hầu hết ca bệnh ở Trung Quốc tập trung tại tỉnh Hồ Bắc hay Hàn Quốc có tâm dịch Daegu, dịch bệnh tại châu Âu lại phân tán ra nhiều vùng và mỗi nước lại có chiến lược chống dịch khác nhau.
Ý đã ban bố lệnh phong tỏa trên cả nước, trong khi Tây Ban Nha cũng vừa tuyên bố tình trạng cảnh giác nhằm huy động toàn bộ nguồn lực để chống dịch sau khi số ca bệnh vượt mốc 3.000. Ít nhất 10 nước châu Âu đã cho đóng cửa biên giới đối với người nước ngoài để phòng ngừa vi rút xâm nhập, trong khi hầu hết các nước đều cho đóng cửa trường học và nơi tập trung đông người như nhà hát, nhà hàng, bảo tàng...

Lo không đáp ứng được

Với việc số ca bệnh mới giảm liên tiếp trong thời gian gần đây, chính quyền Trung Quốc mới đây tuyên bố đã qua đỉnh dịch. Trong khi đó, tình hình trên toàn cầu vẫn diễn biến khó lường.
Tâm chấn mới của đại dịch Covid-191

Vệ binh quốc gia cung cấp thực phẩm cho người dân vùng bị phong tỏa ở bang New York

Ảnh: AFP

Trong buổi họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 13.3, bà Maria Van Kerkhove, quan chức WHO phụ trách bộ phận về những căn bệnh mới, cho biết vẫn chưa thể dự đoán đại dịch Covid-19 sẽ phát triển như thế nào trên toàn cầu.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận nước này mới chỉ ở giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua. Trong đánh giá mới nhất, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho rằng các biện pháp kiểm soát cho tới nay mới chỉ giúp làm chậm việc lây lan chứ không thể ngăn chặn hoàn toàn.
Bên cạnh đó, ECDC dự báo hệ thống y tế EU vẫn đối diện với nguy cơ cao bị quá tải trong vài tuần tới. Nếu đại dịch tiến triển với tốc độ hiện tại nhưng các nước không có biện pháp đối phó mạnh mẽ, số bệnh nhân cần được điều trị tại khu chăm sóc đặc biệt vào cuối tháng 3 sẽ vượt xa khả năng đáp ứng của EU.

Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp

Rạng sáng qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, cởi trói nguồn ngân sách 50 tỉ USD để giúp các địa phương đối phó với dịch Covid-19, theo CNN.
Trước đó, chính quyền Nhà Trắng bị chỉ trích phản ứng chậm chạp đối với dịch bệnh và không cung cấp đủ thiết bị xét nghiệm. Theo Tổng thống Trump, 500.000 bộ xét nghiệm sẽ được cung cấp vào đầu tuần sau và thêm 5 triệu bộ nữa trong tháng tới. Tuy nhiên, ông khẳng định việc xét nghiệm đại trà là điều không cần thiết.
Một số tiểu bang được cho là đã kêu gọi Tổng thống Trump ban bố tình trạng khẩn cấp để giúp chống dịch nhưng nhà lãnh đạo từ chối và đánh giá thấp nguy cơ của đại dịch Covid-19. Tính đến hôm qua, có gần 2.300 ca nhiễm và khoảng 50 ca tử vong tại 49 trong tổng số 50 tiểu bang ở Mỹ.
Bên cạnh việc mở ngân quỹ liên bang để chống dịch, Tổng thống Trump kêu gọi các tiểu bang thành lập cơ sở y tế và kích hoạt kế hoạch khẩn cấp. Trước đó, các quan chức cảnh báo tình trạng quá tải tại các bệnh viện ở Ý hoàn toàn có thể xuất hiện tại Mỹ.
Mặt khác, chính quyền sẽ kéo dài hạn chót đóng thuế cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng, mua thêm dầu thô để dự trữ và miễn tính lãi đối với các khoản vay của sinh viên. Theo CNN, ít nhất 46.000 trường học trên cả nước đã hoặc sắp bị đóng cửa, làm ảnh hưởng đến ít nhất 21 triệu học sinh, sinh viên.
Cùng ngày, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 như miễn phí xét nghiệm, nghỉ ốm hưởng lương trong 2 tuần, bảo hiểm thất nghiệp... Dự luật dự kiến sẽ được thông qua sau khi Tổng thống Trump tuyên bố ủng hộ.
Thêm nhiều người gần Tổng thống Trump bị nhiễm
Bác sĩ của Nhà Trắng Sean Conley hôm qua cho biết thêm 1 khách mời dự sự kiện với Tổng thống Trump ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tuần trước đã dương tính với SARS-CoV-2. Đài CNBC dẫn lời ông Conley nói Tổng thống Trump đã ngồi chung bàn với vị khách này nhưng tiếp xúc không gây nhiều nguy cơ và không cần phải cách ly. Đại sứ quán Brazil sau đó xác nhận người bị nhiễm là tham tán tại Washington D.C, ông Nestor Forster.
Trước đó, thư ký truyền thông Fabio Wajngarten của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro cũng tham dự sự kiện và xác nhận nhiễm Covid-19. Dù ông Wajngarten đứng gần và bắt tay Tổng thống Trump nhưng bác sĩ Conley nói những tiếp xúc giữa hai người là “rất hạn chế”. CNN hôm qua đưa tin nghị sĩ Brazil Nelsinho Trad và luật sư Karina Kufa của Tổng thống Bolsonaro cũng đã nhiễm Covid-19 sau chuyến đi Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Bolsonaro thông báo kết quả xét nghiệm của ông âm tính với SARS-CoV-2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.