Tái phong tỏa trước nguy cơ mất kiểm soát Covid-19

06/01/2021 07:00 GMT+7

Một số nước bước vào đợt tái phong tỏa mới, trong khi giới chuyên gia lo ngại về độ nguy hiểm của biến thể mới SARS-CoV-2 gây Covid-19 tại Nam Phi.

Tái phong tỏa nhiều nơi

Từ hôm qua 5.1, toàn nước Anh bắt đầu đợt phong tỏa thứ 3 dự kiến kéo dài đến tận giữa tháng 2. Tính đến ngày 4.1, có 26.626 bệnh nhân Covid-19 điều trị tại bệnh viện ở Anh, cao hơn 40% so với đỉnh dịch hồi năm ngoái. Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo những tuần sắp tới sẽ là giai đoạn khó khăn nhất của đất nước trong bối cảnh giới chuyên gia ước tính tổng số người tử vong có thể chạm cột mốc đen tối 100.000 người vào cuối tháng 1, theo tờ The Guardian.
Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel và giới lãnh đạo bang được cho là thống nhất kéo dài lệnh phong tỏa dự kiến hết hiệu lực vào ngày 10.1 đến cuối tháng này do số ca nhiễm và tử vong vẫn tăng dù đã phong tỏa trong kỳ nghỉ cuối năm, theo Đài DW.

Indonesia "ngược dòng", ưu tiên tiêm vắc xin Covid-19 cho người trong độ tuổi lao động

Tại châu Á, giới chức Trung Quốc vừa tuyên bố nhiều khu vực tại tỉnh Hà Bắc là “vùng nguy hiểm” cần được cách ly và xét nghiệm chặt chẽ sau khi phát hiện hàng chục ca bệnh mới. Trong khi đó, chính phủ Thái Lan siết chặt việc di chuyển giữa các tỉnh có dịch trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát gần đây sau một năm không có ca nhiễm cộng đồng. Tờ Bangkok Post đưa tin giới chức y tế đã đề xuất phong tỏa 5 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nhưng Thủ tướng Prayuth Chan-ocha bác bỏ ý tưởng này, thay vào đó ông kêu gọi người dân cần tự ý thức về việc cách ly phòng dịch.

Lo ngại biến thể mới của vi rút

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hôm qua nói với BBC rằng biến thể mới của SARS-CoV-2 gây Covid-19 được phát hiện tại Nam Phi đáng lo ngại hơn nhiều so với biến thể B.1.1.7 tại Anh dù cả hai đều lây lan nhanh. “Tôi rất lo ngại về biến thể Nam Phi, do đó mà chúng tôi đã hạn chế toàn bộ chuyến bay từ nước này”, ông Hancock nói.
Theo một số chuyên gia, biến thể ở Anh có thể không ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc xin nhưng biến thể ở Nam Phi có thể gây ra điều này. Giáo sư Francois Balloux thuộc Đại học Hoàng gia London nói rằng biến thể ở Nam Phi có thể giảm khả năng kháng thể và giúp SARS-CoV-2 vượt qua hệ miễn dịch dù bệnh nhân đã được tiêm vắc xin hoặc đã hồi phục sau khi nhiễm bệnh trước đó. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, vắc xin có thể được điều chỉnh để có thể đối phó với những loại biến thể này trong vài tuần hoặc vài tháng tới.

Bác sĩ Fauci phản bác ông Trump: số người chết vì Covid-19 ở Mỹ là thật

Hôm qua, ông Dương Hiểu Minh, Chủ tịch Công ty Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc, công ty con của Tập đoàn Sinopharm cho biết vắc xin của hãng này được cấp phép hồi tuần trước vẫn có hiệu quả đối với biến thể mới của SARS-CoV-2.
Theo Reuters, ít nhất 34 quốc gia và vùng lãnh thổ đã phát hiện ca bệnh liên quan đến B.1.1.7. New York vừa trở thành bang mới nhất tại Mỹ ghi nhận ca mắc biến thể này sau Colorado, California và Florida. Công ty di truyền học BGI của Trung Quốc ngày 5.1 xác nhận đã phát triển bộ xét nghiệm nhanh, có thể giúp phát hiện người nhiễm biến thể B.1.1.7 trong vòng 1 giờ, theo Hoàn Cầu thời báo. BGI thông báo đã chuyển bộ xét nghiệm mới đến 26 quốc gia và khu vực trên thế giới và được giới chức Mỹ, châu Âu cấp phép.
Có vắc xin nhưng không dùng
Đến nay, tiến độ tiêm chủng tại nhiều nước đang bị chậm trễ so với dự kiến mặc dù đã nhận được vắc xin. Reuters dẫn lời giới chức Mỹ cho biết đã phân phối 15 triệu liều vắc xin nhưng đến nay vẫn có hơn 10 triệu liều trong đó chưa được sử dụng. Dù đặt mục tiêu tiêm chủng cho 20 triệu người tính đến cuối năm 2020 nhưng đến nay mới chỉ có 4,6 triệu người Mỹ được tiêm vắc xin. Giới lãnh đạo bang Florida và New York đã quy định sẽ giảm nguồn cung vắc xin cho những bệnh viện không tiêm chủng đúng tiến độ, một số nơi có thể bị phạt nếu không tiêm vắc xin trong 1 tuần từ ngày nhận. Thống đốc California Gavin Newsom cũng phàn nàn về tốc độ tiêm chủng và cân nhắc kêu gọi nha sĩ, Vệ binh Quốc gia hoặc những người có chuyên môn tham gia tiêm chủng cho người dân. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại nhiều nước châu Âu như Đức, Pháp, Tây Ban Nha... Nguyên nhân là do những trở ngại trong việc phân phối vắc xin, nhân viên y tế nghỉ lễ hoặc do tâm lý e ngại của người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.