Tái cơ cấu lực lượng quân sự, Mỹ dồn lực đối phó Trung Quốc

23/06/2021 07:50 GMT+7

Không chỉ chuyển dịch các hệ thống phòng thủ tên lửa từ khu vực Trung Đông mà Mỹ còn dự định tăng cường lực lượng ở khu vực Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc .

Vừa qua, Mỹ tiết lộ đang giảm mạnh số lượng hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này ở Trung Đông.

Tình hình thay đổi

Tờ The Wall Street Journal dẫn lời một quan chức của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay đây là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu lực lượng quân sự để tập trung các lực lượng vũ trang ứng phó các thách thức từ Trung Quốc và Nga.

Washington muốn giải quyết vấn đề lính đánh thuê ở Libya

Đại sứ Richard Norland, đặc phái viên về Libya của Mỹ, ngày 21.6 (giờ Mỹ) xác nhận chính quyền Washington đang thảo luận với một số thế lực quân sự tại Libya về việc giải tán lính đánh thuê nước ngoài khỏi nước này. Theo Reuters dẫn lời đại sứ Mỹ, Nhà Trắng muốn xử lý vấn đề lính đánh thuê trước khi cuộc tổng tuyển cử ở Libya được tổ chức ngày 24.12, theo đó bầu tổng thống lẫn quốc hội. Thông tin trên đã được đưa ra trước khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tham gia Hội nghị Berlin lần thứ hai về Libya, do Đức chủ trì vào ngày 23.6. Tháng 12 năm ngoái, LHQ ước tính có ít nhất 20.000 tay súng nước ngoài và lính đánh thuê tham chiến ở Libya, có thể kể đến lính Syria, Nga và Sudan.
Trong một diễn biến khác, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cùng ngày cho biết quân đội Mỹ có thể trì hoãn việc rút quân khỏi Afghanistan nếu Taliban tiếp tục tấn công như thời gian qua. Theo ông Kirby, Mỹ luôn theo dõi sát tình hình ở Afghanistan, và nếu cần thiết sẽ điều chỉnh kế hoạch rút quân để đảm bảo an ninh cho quốc gia Nam Á. Tuần trước, Lầu Năm Góc thông báo tiến độ rút quân khỏi Afghanistan đã hoàn thành được 50%, bao gồm hoàn tất việc bàn giao một số căn cứ chủ chốt cho chính quyền Kabul.
H.G
Bên cạnh đó, cuối tuần qua, tờ Politico dẫn nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho hay quân đội Mỹ đang xem xét thành lập một lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực ở khu vực Thái Bình Dương như một biện pháp chống lại sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trả lời Thanh Niên ngày 22.6 về các diễn biến trên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng: “Với Mỹ, mối đe dọa chính ở Trung Đông là Iran và các nhóm khủng bố. Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông giờ đây có đủ nguồn lực tài chính và thậm chí công nghệ để phòng thủ trước mối đe dọa tên lửa đạn đạo của Iran vốn có nhiều hạn chế. Ngoài ra, các đơn vị phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ được phát triển để ứng phó với các mối đe dọa tên lửa tầm xa, chứ không phải tên lửa đạn đạo tầm ngắn mà Iran và các nhóm vũ trang trong khu vực như Hezbollah và Hamas đang sở hữu”.

Sự dịch chuyển cần thiết

Khi vấn đề Trung Đông không còn là thách thức quá lớn, theo ông Schuster, trong 2 đối thủ là Nga và Trung Quốc thì Trung Quốc vẫn là mối đe dọa lớn hơn nhằm vào Mỹ.
“Ngoài ra, với Mỹ thì Nga là một mối đe dọa lớn ở châu Âu nhưng giờ đây không phải là nguy cơ lớn như Trung Quốc. Ngoài ra, lực lượng tên lửa chiến lược của Trung Quốc đang ngày càng phát triển về số lượng và cả khả năng tấn công nên việc tái triển khai lực lượng để đối mặt với mối đe dọa từ Bắc Kinh là cần thiết. Với những yếu tố đó, việc phân bổ lại các nguồn lực cho Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là hoàn toàn hợp lý”, cựu đại tá Schuster đánh giá.
Tương tự, GS Yoichiro Sato (chuyên về quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản) cho rằng lâu nay, khu vực Trung Đông có tác động phức tạp trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.
“Nhưng việc Mỹ chuyển dịch nguồn lực từ Đại Tây Dương sang Thái Bình Dương là hợp lý với bối cảnh của nước này. Tuy nhiên, sự dịch chuyển đó đã bị gián đoạn ở nhiều thời điểm, cả trong lẫn sau Chiến tranh lạnh”, GS Sato nhận xét.

Mối đe dọa cấp bách

Phân tích khi trả lời Thanh Niên, TS Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao thuộc Tổ chức RAND, Mỹ) chỉ ra rằng: “Việc Mỹ chuyển các hệ thống phòng thủ tên lửa từ Trung Đông sang châu Á - Thái Bình Dương cho thấy Washington đánh giá Bắc Kinh là mối đe dọa cấp bách, bởi thực tế Bắc Kinh đã tăng cường kho dự trữ lớn tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo có thể đe dọa quân đội Mỹ”.
Bên cạnh đó, theo TS Heath, việc Lầu Năm Góc đang xem xét một lực lượng đặc nhiệm hải quân thường trực để chống lại Trung Quốc chứng minh Washington đang xem Bắc Kinh là đối thủ đáng gờm. Ông phân tích thêm: “Lực lượng đặc nhiệm của Mỹ sẽ giúp cân bằng sức mạnh hải quân ngày càng tăng của Trung Quốc đang đe dọa thống trị các vùng biển châu Á. Nếu được thông qua, kết quả này có thể đồng nghĩa với việc chuyển nhiều khí tài hải quân hơn tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo - Pacific) và gia tăng các hoạt động nhằm răn đe Trung Quốc”.

Còn nhiều thách thức

Thực tế gần đây, Mỹ liên tục điều động và tăng cường hoạt động của các tàu chiến, máy bay chiến đấu ở nhiều cấp độ khác nhau. Điển hình là việc triển khai cùng lúc các nhóm tác chiến tàu sân bay và nhóm sẵn sàng đổ bộ, phối hợp tập trận giữa các nhóm này ở Biển Đông.

Hoạt động tấp nập trên tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Biển Đông

Từ năm ngoái, Mỹ cũng đã bổ sung các loại chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-22 và F-35 đến khu vực Indo - Pacific, đồng thời thử nghiệm điều động oanh tạc cơ chiến lược tầm xa B-1 Lancer bay từ châu Mỹ đến Thái Bình Dương để thử nghiệm tấn công khẩn cấp và bất ngờ. Các oanh tạc cơ B-1, thậm chí B-2, còn phối hợp tập trận với máy bay tiêm kích đa nhiệm như F-22.
“Tuy nhiên, quá trình này còn nhiều thách thức. Điển hình là việc đối phó với các mối đe dọa tên lửa Trung Quốc ngày càng tăng ở Đông Á thực tế phức tạp hơn nhiều, chứ không đơn giản chỉ là điều động các hệ thống phòng tên lửa từ Trung Đông sang Đông Á. Việc Bắc Kinh phát triển và triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm và phương tiện bay siêu thanh đặt ra những mối đe dọa mới, đòi hỏi những thách thức lớn hơn về công nghệ và tài chính đối với Washington”, GS Sato đặt vấn đề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.