Syria - bàn cờ lắm tay chơi

Ngọc Mai
Ngọc Mai
17/04/2018 15:00 GMT+7

Không chỉ có các phe cánh trong nước, Syria còn là bàn cờ phức tạp và dai dẳng của nhiều thế lực bên ngoài.

Đầu năm 2011, các cuộc biểu tình chống chính phủ lần lượt bùng phát và trở nên dữ dội tại Syria. Biểu tình biến thành bạo lực dẫn đến nội chiến, lại có thêm sự xuất hiện của các tổ chức khủng bố cùng sự can thiệp của ngoại bang khiến tình hình ngày càng phức tạp.
Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, khoảng 400.000 người Syria đã thiệt mạng, hơn 5,5 triệu người phải tha hương trốn cảnh bom đạn. Bên cạnh đó, hơn 6,1 triệu người vô tội đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất, không nhà cửa ở Syria.
Đã 7 năm trôi qua, cuộc xung đột quốc gia Trung Đông này chưa có điểm dừng và giờ đây là bàn cờ của nhiều phe cánh.
Chính phủ Tổng thống Assad
Nhân tố đầu tiên và quan trọng nhất trong cuộc chiến này là chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Theo AFP, trước khi cuộc xung đột nổ ra, quân đội chính phủ có khoảng 300.000 binh sĩ, nhưng đã bị giảm đi một nửa vì thương vong, đào ngũ.
Trong cuộc chiến này, quân đội Syria phải chiến đấu chống lực lượng nổi dậy, các nhóm khủng bố, trong đó khét tiếng nhất những năm qua là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Bên cạnh đó, chính quyền Assad đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Trong nhiều cuộc họp song phương và đa phương, phương án loại bỏ ông Assad khỏi vị trí lãnh đạo đã được Mỹ đưa ra. Đây cũng là điểm bất đồng lớn giữa Nga và Mỹ.
Chính phủ Syria còn vướng phải cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học làm dân thường thiệt mạng. Dù Syria bác bỏ cáo buộc này, nhưng đây lại là lý do được Mỹ và đồng minh đưa ra để tiến hành vụ tấn công chấn động bằng tên lửa hôm 14.4.2018.
Theo AFP, chính phủ Syria hiện kiểm soát các thành phố lớn như Damascus, Aleppo, Homs và Hama, với khoảng 70% dân số.
Các nhóm nổi dậy
Cuộc xung đột xuất phát từ sự xuất hiện của các nhóm nổi dậy đối lập chống chính phủ. Theo AFP, phe đối lập Syria có nhiều phe phái với quy mô hoạt động khác nhau.
Trên mặt trận này đáng chú ý là nhóm Ahrar al-Sham, vốn muốn thay thế Tổng thống Assad bằng chính quyền Hồi giáo. Bên cạnh đó, Quân đội Tự do Syria (FSA) cũng là một lực lượng nổi dậy mà chính quyền Syria coi là khủng bố. Nhiều nhóm nổi dậy ở Syria được cho là do các chính phủ nước ngoài hậu thuẫn, đặc biệt là các nước vùng Vịnh.
Các nhóm khủng bố
Người dân Syria còn trở thành nạn nhân của nhiều nhóm khủng bố, trong đó khét tiếng nhất là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Bắt đầu nổi lên từ năm 2014, IS từng là một nhánh của al-Qaeda đã chiếm nhiều vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq, trở thành mối đe dọa nguy hiểm đối với Trung Đông.
Không chỉ tuyên bố thành lập một “đế chế Hồi giáo”, IS còn tiến hành các hành động tàn bạo và lan truyền tư tưởng cực đoan ở nhiều nơi. Giết chóc, nô lệ, bắt cóc con tin, tấn công khủng bố là những điều thế giới kinh hoàng về IS.
Quân đội Syria và các nhóm nổi dậy đều chống IS. Ngoài ra, các lực lượng quân sự nước ngoài cũng tiến hành hàng loạt chiến dịch không kích chống IS tại Syria. Đến nay, IS đã bị đẩy lùi khỏi các thành trì, nhưng vẫn còn nhiều phần tử nhỏ lẻ len lỏi nhiều nơi.
Bên cạnh IS, al-Qarda cũng hiện diện tại Syria, nhưng có quy mô nhỏ hơn. Những năm gần đây, Mặt trận al-Nusra vốn tuyên bố có liên hệ với al-Qaeda đổi tên thành Tahrir al-Sham. Đây cũng bị xem là một trong những nhóm khủng bố lớn nhất trên thực địa tại Syria.
Nga
Được xem là đồng minh của Syria, Nga trở thành một nhân tố chính yếu tham gia vào các chiến lược ở Syria. Bắt đầu đưa quân tới thực hiện chiến dịch không kích chống IS ở Syria từ tháng 9.2015, Nga được xem là đã trở lại trung tâm bàn cờ quốc tế.
Từ đó đến nay, Nga hỗ trợ quân chính phủ Syria trong các chiến dịch chống khủng bố và lực lượng nổi dậy.
Bản thân Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng thường xuyên điện đàm với Tổng thống Syria Assad. Trên các bàn hội nghị đa phương như tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Nga đứng về phía Syria và bác bỏ những cáo buộc từ phía Mỹ. Mới đây nhất, liên quan đến nghi vấn sử dụng vũ khí hóa học, Nga và Mỹ đã tranh cãi nảy lửa và cáo buộc lẫn nhau.
Nga gọi hành động tấn công bằng tên lửa của Mỹ và đồng minh là gây hấn, chống lại một quốc gia có chủ quyền, đồng thời cảnh báo Nga cũng có làn ranh đỏ mà phương Tây không nên vượt qua.
Mỹ
Dẫn đầu liên quân quốc tế tại Syria, Mỹ tiến hành chiến dịch không kích từ năm 2014 nhằm vào lực lượng IS và các nhóm khủng bố khác. Liên minh bao gồm Anh, Pháp, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Bahrain, Canada, Jordan, Hà Lan và UAE.
Mỹ trước nay không ủng hộ chính quyền Tổng thống Assad, và đã 2 lần phóng tên lửa vào cơ sở của chính quyền Syria trong năm 2017 và 2018.
Do lập trường khác nhau, nhiều người lo ngại nguy cơ đối đầu quân sự giữa Nga và Mỹ tại Syria. Hai bên cũng nhiều lần thảo luận về tránh va chạm ở Syria, tuy nhiên vẫn đấu khẩu quyết liệt trên các bàn nghị sự.
Theo giới chuyên gia, năm 2017 Mỹ đã vô tình “nhường sân” cho Nga ở Syria, cả trên thực địa và mặt trận chính trị. Tuy nhiên, giờ đây Mỹ chuyển hướng, xem Syria là địa bàn chống khủng bố từ xa, vì vậy quyết tâm đạt mục tiêu. Đó cũng là tuyên bố của Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley, khi nói rằng Mỹ sẽ không rút lực lượng tại Syria cho đến khi hoàn thành các mục tiêu.
Iran
Iran cùng với Nga là đồng minh thân cận của chính phủ Syria. Trong cuộc chiến này, Iran hỗ trợ quân đội của ông Assad cả về hậu cần quân sự lẫn tài chính. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, mỗi năm Iran chi khoảng 6 tỉ USD ở Syria.
Theo các nhận định của giới quan sát, thông qua Syria, Iran đảm bảo kết nối với biên giới Li Băng, nhằm giữ vững đường liên hệ chiến lược với trung tâm của lực lượng Hezbollah. Việc Iran ủng hộ Syria còn được lý giải rằng nếu chính quyền Assad sụp đổ, lực lượng Hồi giáo dòng Sunni nổi lên nắm quyền thì Iran lại càng "nhức đầu" hơn.
Israel
Trên bàn cờ Syria, Israel cũng đóng vai trò không nhỏ. Khi Iran có được lợi thế ở Syria thì cũng là lúc Israel phải lo sợ. Israel đã tiến hành nhiều cuộc không kích vào lãnh thổ Syria trong những năm qua.
Thổ Nhĩ Kỳ
Một nhân tố đặc biệt khác mang tên Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này tuyên bố không đứng về bên nào trong cuộc xung đột ở Syria, bởi lẽ chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực khác với cả Nga, Iran lẫn Mỹ.
Cụ thể, mặc dù ủng hộ cuộc tấn công bằng tên lửa của Mỹ và đồng minh vào Syria hôm 14.4, nhưng Phó thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bekir Bozdag cho biết nước này không thống nhất chính sách với Mỹ về vấn đề lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd ở Syria (YPG). Việc Ankara đẩy mạnh chiến dịch nhằm vào các tay súng người Kurd cũng làm dấy lên lo ngại về nguy cơ đối đầu Thổ Nhĩ Kỳ - Mỹ tại Syria.
Trong khi đó, dù Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang hợp tác với cả Nga và Iran để giảm bạo lực ở Syria, nhưng Ankara trước nay không ủng hộ Tổng thống Syria Assad và đã hậu thuẫn một số nhóm nổi dậy chống chính quyền.
Bên cạnh những nhân tố chính này, chiến trường Syria còn có sự tham gia của một số lực lượng khác trong liên quân do Mỹ dẫn đầu, đáng kể có lực lượng người Kurd, hiện kiểm soát hơn 1/4 lãnh thổ Syria, phần lớn ở miền Bắc. Người Kurd không ủng hộ chính phủ hay phe đối lập, nhưng được Mỹ xem là đối tác quan trọng trong cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, lực lượng chính của người Kurd là YPG lại mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.