Sức ép bủa vây chính quyền quân sự Myanmar

Văn Khoa
Văn Khoa
07/03/2021 08:28 GMT+7

Lực lượng an ninh ở Myanmar tiếp tục đối phó người biểu tình sau khi đặc phái viên LHQ kêu gọi Hội đồng Bảo an hành động đối với chính quyền quân sự Myanmar.

Ngày 6.3, lực lượng an ninh Myanmar tiếp tục dùng hơi cay và lựu đạn gây choáng để giải tán cuộc biểu tình ở TP.Yangon, theo Reuters. Không có thông tin thương vong trong cuộc biểu tình mới. Theo LHQ, đã có hơn 50 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối việc quân đội Myanmar lên nắm quyền, bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và một số lãnh đạo dân cử khác từ ngày 1.2. Những người biểu tình yêu cầu thả bà Suu Kyi và tôn trọng cuộc bầu cử hồi tháng 11.2020, với chiến thắng thuộc về đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD), nhưng bị quân đội bác bỏ, cho rằng có gian lận.

Hội đồng Bảo an họp về Myanmar, biểu tình tiếp diễn

Đặc phái viên của LHQ về Myanmar Christine Schraner Burgener kêu gọi Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ có hành động đối với chính quyền quân sự Myanmar sau khi xảy ra các cuộc biểu tình đẫm máu. “Điều quan trọng là hội đồng này phải kiên quyết và nhất quán trong việc cảnh báo các lực lượng an ninh và đứng về phía người dân Myanmar, trong sự ủng hộ kết quả rõ ràng của cuộc bầu cử tháng 11.2020”, bà Schraner Burgener nhấn mạnh trong cuộc họp kín của HĐBA LHQ, theo Reuters.
Sức ép bủa vây chính quyền quân sự Myanmar1

Cảnh đối đầu giữa người biểu tình và cảnh sát ở TP.Yangon ngày 6.3

ẢNH: AFP

Mỹ và một số nước phương Tây khác đã áp đặt lệnh cấm vận có giới hạn đối với chính quyền quân sự Myanmar. Nhà điều tra độc lập của LHQ về nhân quyền ở Myanmar Thomas Andrews cũng đã kêu gọi cấm vận vũ khí và cấm vận kinh tế. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao cho rằng các lệnh cấm vận khó có thể được HĐBA LHQ xem xét sớm vì Trung Quốc và Nga có thể phủ quyết. Hai nước này cho rằng cuộc chính biến hôm 1.2 là chuyện nội bộ của Myanmar. Cuộc họp kín tại HĐBA LHQ kết thúc mà không có tuyên bố nào. “Tất cả các bên nên bình tĩnh và kiềm chế tối đa. Chúng tôi không muốn thấy bất ổn ở Myanmar”, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân phát biểu sau cuộc họp kín nói trên.
Chính quyền quân sự Myanmar chưa có phản ứng đối với lời kêu gọi của bà Schraner Burgener. Quân đội Myanmar mới đây khẳng định đã kiềm chế trong việc ngăn chặn các cuộc biểu tình, nhưng nhấn mạnh sẽ không cho phép hoạt động này đe dọa sự ổn định, theo Reuters. Trong khi đó, Đài NHK hôm qua đưa tin hơn 100 cảnh sát Myanmar phản đối chính quyền quân sự. Ngoài ra, khoảng 30 cảnh sát Myanmar và thành viên gia đình của họ đã vượt biên, xin tị nạn ở Ấn Độ trong những ngày gần đây. Một quan chức Ấn Độ hôm qua cho hay giới chức ở Myanmar đã đề nghị Ấn Độ trao trả 8 cảnh sát xin tị nạn nhằm tránh thực hiện các lệnh của chính quyền quân sự, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.