Sự trỗi dậy của người Do Thái - Kỳ 2: Lệ thuộc, mất mát và phục hưng

06/06/2013 00:55 GMT+7

Quyết tâm không đầu hàng nghịch cảnh và sự táo bạo, linh hoạt của nhà nước đã đưa Israel phát triển bùng nổ về kinh tế và công nghệ.

Hầu như tất cả mọi người đều nhất trí rằng quan hệ thân thiết với Mỹ đóng góp rất quan trọng đưa Israel đạt tới vị thế như hiện nay. Thế nhưng theo những tin tức gần đây thì có vẻ như Washington khá vất vả với những đồng minh ở Tel Aviv. Giới chức Mỹ tốn rất nhiều công sức để thuyết phục Israel không tự mình ra tay tấn công Iran mà kết quả thì không ai dám bảo đảm. Mỹ cũng tỏ ra bất ngờ trước những cuộc không kích vừa qua của Israel nhằm vào Syria. AP từng dẫn lời các lãnh đạo CIA than phiền rằng tình báo Israel thường tự hành động và không chia sẻ thông tin với họ. Tình trạng này có xuất phát từ tinh thần chutzpah ngang tàng của người Israel và hơn nữa theo sách Quốc gia khởi nghiệp (Thanh Niên đã giới thiệu trong số báo 156, ngày 5.6) thì đất nước này đã nhận một bài học lớn về sự lệ thuộc từ Charles De Gaulle, chính khách vĩ đại của Pháp.

 Sự trỗi dậy của người Do Thái - Kỳ 2: Lệ thuộc, mất mát và phục hưng 1
Tên lửa Spike - Ảnh: Newsru.co.il

“Cú hích” của De Gaulle

 

Những chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của đất nước rồi đảo ngược nó và giải phóng nó

Sách Quốc gia khởi nghiệp, trang 193

Theo Quốc gia khởi nghiệp, ông De Gaulle nhanh chóng lập liên minh với Israel sau khi nước này được thành lập, “nuôi dưỡng thứ được các lãnh đạo Israel tin là tình hữu nghị sâu sắc” và cam kết viện trợ cho Tel Aviv các vũ khí quan trọng. Nhưng vào ngày 2.6.1967, ngay trước khi Cuộc chiến 6 ngày giữa Israel và liên quân Ả Rập bắt đầu, De Gaulle đột ngột thay đổi quan điểm. Sau khi buộc phải từ bỏ các thuộc địa ở Bắc Phi, ông ưu tiên nối lại quan hệ với thế giới Ả Rập. Nhiều vũ khí mà Pháp cam kết giao cho Israel lại về tay các đối thủ chính của nước này như Libya và Syria. Dù cuối cùng vẫn giành thắng lợi trong Cuộc chiến 6 ngày nhưng Israel nhận ra rằng không thể tiếp tục phụ thuộc nước ngoài. Những bộ óc lớn nhất, những kỹ sư tài giỏi (chủ yếu là người Do Thái gốc Liên Xô) được tập hợp lại với sự hỗ trợ nguồn lực từ nhà nước để tạo nên một cuộc cách mạng về công nghệ quốc phòng. Ngày nay, một đất nước từng lao đao vì bị cắt nguồn vũ khí trở thành một trong những nhà xuất khẩu quân sự hàng đầu với các sản phẩm được nhiều nước ưa chuộng như tên lửa Spike, máy bay không người lái vũ trang, tàu tấn công nhanh lớp Dvora và lá chắn tên lửa Iron Dome (Vòm sắt).

Như đã nói trong kỳ trước, theo Quốc gia khởi nghiệp, rất nhiều doanh nhân công nghệ Israel xuất thân từ quân đội (do chính sách nghĩa vụ quân sự bắt buộc của nước này). Tinh thần sáng tạo, lối suy nghĩ tự do, phá vỡ khuôn khổ cũng như khả năng làm việc đa nhiệm giúp họ kết hợp nhuần nhuyễn các thành tựu công nghệ quân sự vào dân sự và tạo nên danh tiếng của Israel như một trung tâm khoa học - công nghệ hàng đầu hiện nay. Sách dẫn chứng sản phẩm đột phá PillCam của Công ty Given Imaging. Đây là một máy quay siêu nhỏ có hình dạng như một viên thuốc dùng để truyền tải hình ảnh trực tiếp từ ruột bệnh nhân đến màn hình của bác sĩ. PillCam là sự kết hợp giữa y khoa, các công nghệ thu nhỏ và quang học dẫn đường dùng trong tên lửa và truyền tải dữ liệu không dây. Đến nay, đã có hàng triệu viên PillCam được bán ra. Theo Quốc gia khởi nghiệp, 2 nhà sáng lập Given Imaging là Gabi Iddan và Gavriel Meron đều từng làm việc cho tập đoàn quân sự Rafael của Israel.

Sự trỗi dậy của người Do Thái - Kỳ 2: Lệ thuộc, mất mát và phục hưng 2
Máy quay siêu nhỏ PillCam - Ảnh: Given Imaging

Trong sách còn nhiều nữa những câu chuyện về cách người Israel biến nghịch cảnh thành điểm mạnh nhờ quyết tâm và sáng tạo. Chẳng hạn như để đối phó tình trạng khô cằn ảnh hưởng đến nông nghiệp, ông Simcha Blass, từng là kiến trúc sư trưởng trong Công ty cấp nước quốc gia, lập Công ty Netafim và giới thiệu công nghệ tưới nhỏ giọt. Đến nay, Netafim là nhà cung cấp hệ thống tưới tiêu theo phương pháp này lớn nhất thế giới, hoạt động ở hơn 110 quốc gia.

Định hình và giải phóng

“Lịch sử của nền kinh tế Israel là một trong hai bước tiến vĩ đại, bị chia cắt bằng một giai đoạn kinh tế trì trệ và lạm phát tăng cao. Những chính sách kinh tế vĩ mô của chính phủ đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của đất nước rồi đảo ngược nó và giải phóng nó…” (Quốc gia khởi nghiệp, trang 193). Trong giai đoạn đầu lập quốc, chính phủ Israel đi theo đường lối mang dáng dấp chủ nghĩa xã hội với các chính sách giúp định hình nền kinh tế một cách vững chắc. Theo sách, từ năm 1948 - 1970, thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp 4 lần. Một điểm đáng chú ý khác trong giai đoạn này, như Thống đốc thứ hai của Ngân hàng Israel là Moshe Sanbar kể lại: “Mọi chính trị gia lúc bấy giờ đều qua đời trong nghèo khó... Họ can thiệp vào thị trường, quyết định bất cứ điều gì họ muốn, nhưng không lấy trong túi ai dù chỉ một xu”. Còn Al Schwimmer, người đặt nền móng cho nền hàng không Israel, từng cảnh báo Thủ tướng David Ben-Gurion rằng ông không chấp nhận thói tiến cử con ông cháu cha và dùng ảnh hưởng chính trị để có việc làm.

Tuy nhiên, nền kinh tế bắt đầu trở nên phức tạp hơn và do thiếu ứng biến (chẳng hạn như sự độc quyền thị trường vốn của chính phủ và thiếu trân trọng các sáng kiến dành cho khối tư nhân - Quốc gia khởi nghiệp, trang 209 và 214), Israel rơi vào một giai đoạn mất mát. Từ giữa thập niên 1970 đến giữa thập niên 1980, đời sống vô cùng khó khăn và lạm phát tăng cao (455% vào năm 1984). Từ năm 1985, nhờ các kế hoạch bình ổn, đẩy mạnh kinh tế tư nhân và thu hút vốn đầu tư mạo hiểm từ nước ngoài tập trung vào công nghệ qua các đời bộ trưởng tài chính Shimon Peres và Benjamin Netanyahu cùng sự hỗ trợ của Mỹ, Israel một lần nữa cất cánh. Các chiến dịch mang hàng chục ngàn người Do Thái đang lưu lạc khắp thế giới “về nhà” giúp tăng nguồn nhân lực và sáng kiến mạnh mẽ. Chương trình thu hút đầu tư mạo hiểm Quỹ Yozma thì thành công tới mức, theo Quốc gia khởi nghiệp, đã được Ireland học tập với Quỹ sáng tạo ra đời năm 2008. 

Trong tình hình chung hiện nay, kinh tế và xã hội Israel cũng đang đối mặt với khó khăn. Trong đó nan giải là tình trạng thất nghiệp tăng cao của cộng đồng Do Thái gốc Ả Rập, những người luôn than phiền bị kỳ thị. Các quan chức được trích dẫn trong Quốc gia khởi nghiệp cũng tin rằng đe dọa hạt nhân từ Iran sẽ xua đuổi nhà đầu tư và những tinh hoa của đất nước khỏi Israel. Đó có thể là lý do giới chức Tel Aviv đang rất sốt ruột muốn ra tay với Iran. 

“Người Israel luôn giới thiệu đất nước Israel”

Theo Quốc gia khởi nghiệp, người Israel đi du lịch rất nhiều với phương châm “Đi thật xa, ở thật lâu và nhìn thật kỹ” để tìm hiểu, học hỏi cái mới và cả tìm kiếm thị trường hải ngoại. Điều đặc biệt là các doanh nghiệp và cộng đồng hải ngoại của nước này “không chỉ truyền bá công nghệ Israel mà còn tìm cách “chào bán” cả nền kinh tế Israel”. Ví dụ điển hình là doanh nhân - nhà đầu tư Jonathan Medved. Ông đi rất nhiều nơi trên thế giới để thuyết giảng về kinh tế Israel nhưng hiếm khi nhắc tới các công ty mà mình góp vốn. Thay vào đó, ông giới thiệu những công ty đầy hứa hẹn khác. “Ưu tiên của tôi là đất nước Israel”, ông nói. Còn Alex Vieux của tạp chí Red Herring nhận định: “Những người khác luôn giới thiệu về công ty của họ. Những người Israel luôn giới thiệu đất nước Israel”.

Trọng Kha

>> Đại sứ quán Libya tại Ai Cập ngừng hoạt động
>> 51 người chết vì uống rượu tự nấu ở Libya
>> Bộ trưởng Quốc phòng Libya thoát chết
>> Lãnh sự Ý bị ám sát hụt tại Libya 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.