Sứ mệnh hoàn hảo của ông Clinton

05/08/2009 22:54 GMT+7

Cuộc “giải cứu” của cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton trên đất CHDCND Triều Tiên đã thu được kết quả nhanh đến bất ngờ.

Vào sáng sớm hôm qua, tại sân bay quốc tế ở thủ đô Bình Nhưỡng của CHDCND Triều Tiên, một người đàn ông tóc trắng cùng hai phụ nữ còn khá trẻ xuất hiện. Họ vui vẻ vẫy chào mọi người trước khi bước lên một chiếc máy bay thuê riêng. Lúc khoảng 8 giờ 30, máy bay cất cánh hướng về nước Mỹ.

Người đàn ông với dáng vẻ thanh tao đó là cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Còn hai người phụ nữ kia là các nhà báo Euna Lee và Laura Ling.

Gánh vác trách nhiệm

Cựu Tổng thống Bill Clinton đã khiến gần như cả thế giới ngạc nhiên khi bất ngờ xuất hiện tại Bình Nhưỡng vào ngày 4.8. Tuy nhiên, để thực hiện chuyến đi này, ông và những người liên quan đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong một thời gian không ngắn.

Theo báo New York Times, cách đây chừng 10 ngày, ông Al Gore đã gọi điện cho ông Clinton và đề nghị thực hiện một chuyến đi tới CHDCND Triều Tiên để thuyết phục giới chức nước này trả tự do cho hai nữ nhà báo Ling và Lee, những người đã bị kết án xâm nhập trái phép vào lãnh thổ quốc gia vùng Đông Á để tiến hành các hoạt động thù địch và đang chịu bản án 12 năm lao động cải tạo. Ông Clinton lập tức đồng ý đi Bình Nhưỡng.

Là sếp của hai cô Ling và Lee tại Đài truyền hình Current TV, ông Gore hẳn nhiên có trách nhiệm lo lắng vụ này. Còn ông Clinton thì lại là sếp cũ của ông Gore khi hai người còn ở Nhà Trắng. Mối quan hệ đó đã dẫn tới lời đề nghị nói trên.

Khi biết được kế hoạch đi Bình Nhưỡng của ông Clinton, chính quyền Tổng thống Barack Obama đã không phản đối. Bản thân ông Obama không trao đổi với cựu Tổng thống Clinton trước chuyến đi, nhưng thuộc cấp của ông thì có. Theo New York Times, Cố vấn an ninh quốc gia James L.Jones đã liên hệ với ông Clinton để bàn một số vấn đề. Vị cựu tướng 4 sao này nói rằng chính quyền đã nỗ lực làm việc với phía CHDCND Triều Tiên để đảm bảo rằng ông Clinton sẽ trở về cùng hai nhà báo.

Trước đây, người ta từng đề cập tới khả năng cựu Phó tổng thống Al Gore hoặc Thống đốc Bill Richardson của bang New Mexico đi Bình Nhưỡng. Ông Al Gore là một nhà thương thuyết giỏi và không phải là nhân vật quá khó chịu đối với giới lãnh đạo CHDCND Triều Tiên. Còn ông Richardson thì cách đây 15 năm từng thành công trong việc thuyết phục quốc gia  Đông Á trả tự do cho một phi công Mỹ. Nhưng rồi, cuối cùng người gánh lấy trọng trách thực hiện sứ mệnh “giải cứu binh nhì Ryan” lần này là ông Clinton.

Lý do của sự lựa chọn này nằm ở chỗ, thời ông Clinton cầm quyền, Nhà Trắng có quan hệ không quá sóng gió với Bình Nhưỡng. Năm 1994, khi nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Il-sung qua đời, ông Clinton trên cương vị Tổng thống Mỹ đã gửi điện chia buồn tới ông Kim Jong-il, con trai người quá cố và là lãnh đạo mới của quốc gia Đông Á. Những chi tiết khả dĩ nhẹ nhàng này của quá khứ có thể làm tăng khả năng thành công cho sứ mệnh tìm kiếm tự do cho hai nhà báo.

Hoàn tất sứ mệnh

Chuyến đi kéo dài 20 tiếng đồng hồ của cựu chủ nhân Nhà Trắng đã diễn ra và kết thúc tốt đẹp. Tại Bình Nhưỡng, ông Clinton đã gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-il. Họ chụp ảnh chung một cách xã giao và đầy nghi thức.

Đối với người Mỹ và phần lớn thế giới, CHDCND Triều Tiên là quốc gia bí ẩn và bản thân nhà lãnh đạo Kim Jong-il cũng luôn bí ẩn. Gần đây, báo chí phương Tây và tình báo của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng nhận định rằng sức khỏe ông Kim rất xấu. Vậy nên việc ông Clinton tiếp xúc với ông Kim lần này có thể giúp làm sáng tỏ chút ít những điều nói trên. Nhưng đó chỉ là chuyện phụ, quan trọng vẫn là tự do của hai nhà báo và những cơ hội đối thoại được mở ra từ chuyến đi của ông Clinton.

Thực ra, giới chức CHDCND Triều Tiên trước đây dường như cũng muốn trả tự do cho cô Ling và cô Lee. Sau khi bản án được tuyên, có nhiều thông tin cho hay hai nữ phóng viên Mỹ đã không bị đưa đi lao động cải tạo mà ở trong một nhà khách. Điều này cho thấy Bình Nhưỡng không muốn làm trầm trọng vấn đề hơn nữa, mà là chờ đợi một lối thoát khả dĩ nào đó. Lối thoát ấy chính là một chuyến thăm kiểu như của ông Clinton vừa qua, để Bình Nhưỡng nhân cơ hội đó mà trả tự do cho hai nữ nhà báo như một cử chỉ thân thiện và với các lý do nhân đạo. Bằng cách này, họ không bị coi là đã phải xuống nước trước áp lực của Mỹ.

Chuyến đi của ông Clinton được coi là một thắng lợi của chính Tổng thống Obama. Nhà Trắng đã không phải nhượng bộ điều gì mà vẫn cứu được hai công dân Mỹ. Và sau sự kiện này, cơ hội đối thoại có thể được nới rộng thêm, để từ đó tiến tới giải quyết một vấn đề nan giải: phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Sự kiện hai nữ nhà báo được trả tự do cũng một lần nữa nâng cao uy tín gia đình Clinton, chứ không riêng gì bản thân cựu tổng thống. Phu nhân của ông, Ngoại trưởng Hillary Clinton, cũng được đánh giá là “có công” trong sứ mệnh trên. Yếu tố này là rất quan trọng, không những cho vị trí ngoại trưởng hiện nay mà còn cho khả năng tranh cử tổng thống sau gần 4 năm nữa của bà Clinton.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.