Sri Lanka lại lo sợ vì âm mưu giả dạng binh sĩ để tấn công khủng bố

30/04/2019 11:04 GMT+7

Lực lượng an ninh Sri Lanka cảnh báo nguy cơ những phần tử Hồi giáo cực đoan đứng sau vụ đánh bom hàng loạt lễ Phục Sinh (21.4) đang lên kế hoạch giả dạng binh sĩ để tấn công khủng bố.

Trong một bức thư gửi đến các nghị sĩ Sri Lanka ngày 29.4, đơn vị an ninh thuộc lực lượng cảnh sát (MSD) cảnh báo sẽ có thêm làng sóng tấn công mới, theo Reuters.
“Dựa trên thông tin đáng tin cậy, những phần tử Hồi giáo cực đoan lên kế hoạch giả dạng binh sĩ, mặc quân phục và sử dụng xe tải để tiến hành các đợt tấn công mới kể từ ngày 28.4”, theo MSD.
Tuy nhiên, hiện vẫn không có vụ tấn công mới nào giữa lúc cảnh sát và quân đội tăng cường lực lượng đảm bảo an ninh, bắt giữ hàng chục nghi phạm sau loạt đánh bom nhắm vào nhà thờ, khách ở thủ đô Colombo cùng vùng lân cận hôm 21.4 khiến hơn 250 người thiệt mạng.
[VIDEO] Vì sao Sri Lanka trở thành mục tiêu của IS?
Chính phủ đồng thời ra lệnh cấm người dân đeo khăn, mạng che mặt ở nơi công cộng theo luật tình trạng khẩn cấp được ban bố sau vụ đánh bom đẫm máu 21.4.
Tại buổi họp báo ngày 29.4, giám mục Colombo, hồng y Malcolm Ranjith chỉ trích chính phủ vẫn không có biện pháp đảm bảo an ninh phù hợp tại các nhà thờ.
Trước đó, chính phủ xác định hai nhóm Hồi giáo cực đoan trong nước ít tiếng tăm NTJ và JMI đứng sau vụ đánh bom hàng loạt. Tuy nhiên, tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng lên tiếng nhận trách nhiệm.
Lễ thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân thiệt mạng tại thủ đô Colombo Reuters
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho hay các phần tử cực đoan chủ yếu liên lạc với nhau trực tiếp để tránh bị theo dõi, đồng thời cho rằng IS có thể đứng sau chỉ thị các phần tử cực đoan trong nước.
Cảnh sát cũng đã xác định kẻ chủ mưu là thủ lĩnh NTJ Zahran Hashim, người từng tuyên bố trung thành với IS và là một trong số 9 kẻ đánh bom liều chết.
Nhiều người dân Sri Lanka tin rằng sự đối đầu giữa Tổng thống Maithripala Sirisena và Thủ tướng Wickremesinghe làm suy yếu an ninh quốc gia, dẫn đến thiếu biện pháp ngăn chặn dù Ấn Độ đã gửi thông tin tình báo nhiều ngày trước vụ đánh bom hàng loạt.
[VIDEO] An ninh Sri Lanka đọ súng với nghi can Hồi giáo cực đoan; phát hiện lượng chất nổ lớn
Hồi năm 2018, Tổng thống Sirisena đã cố thay thế Thủ tướng Wickremesinghe bằng một ứng viên mà ông ưu ái. Dù vậy, ông Wickremesinghe được phục chức hồi tháng 12.2018 sau khi có sự can thiệp từ Tòa án Tối cao, nhưng chính phủ vẫn còn bị chia rẽ sâu sắc.
Reuters dẫn lời các quan chức quốc phòng tiết lộ kể từ đó mối quan hệ giữa Thủ tướng và Tổng thống ngày càng trở nên tồi tệ hơn, đến mức hai bên cố làm suy yếu quyền lực lẫn nhau, bao gồm không chia sẻ thông tin tình báo. “Giữa lúc tình hình căng thẳng leo thang, giới chức cấp cao nên chấm dứt chia rẽ và tranh giành quyền lực”, giám mục Ranjith nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.