Số phận tòa nhà cao nhất Triều Tiên

28/01/2019 19:10 GMT+7

Sau nhiều năm bị lãng quên, tòa nhà cao nhất Bình Nhưỡng là khách sạn Ryugyong có dấu hiệu hồi sinh với màn trình diễn ánh sáng vài giờ mỗi đêm.

Được mệnh danh là tòa nhà hoang cao nhất thế giới, khách sạn Ryugyong cao 330 m với 105 tầng tọa lạc tại thủ đô CHDCND Triều Tiên. Có bề ngoài như một kim tự tháp bằng kính khổng lồ, tòa nhà chọc trời nhưng trống rỗng luôn thu hút sự chú ý của những người có cơ hội đặt chân đến Bình Nhưỡng. Trong khoảng 3 thập niên, Ryugyong luôn chìm vào bóng tối, trừ ngọn đèn cảnh báo máy bay chớp nháy lẻ loi trên đỉnh tháp. Bàn luận về sự tồn tại của khách sạn này là đề tài cấm kỵ và nhạy cảm đối với người dân thủ đô. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi khi nhà thiết kế Kim Yong-il bắt tay vào thắp sáng biểu tượng một thời bị xem là sự thất bại.

Biểu tượng của cạnh tranh

Theo AFP, khách sạn Ryugyong là di sản từ thời lãnh đạo Kim Jong-il. Cha ông Kim Jong-un lúc sinh thời ra lệnh khởi công dự án này từ năm 1987 và dự kiến hoàn thành vào thời điểm Bình Nhưỡng đăng cai sự kiện Festival Thanh niên và sinh viên thế giới lần thứ 13. Đây là hoạt động do Triều Tiên tổ chức vào năm 1989 với hy vọng có thể tạo tiếng vang hơn Thế vận hội mùa hè 1988 tại Seoul. Vào thời điểm đó, Ryugyong được kỳ vọng trở thành khách sạn cao nhất thế giới, nhằm cạnh tranh kỷ lục với khách sạn Westin Stamford ở Singapore do Công ty Hàn Quốc SsangYong xây dựng với chiều cao 226 m.
Tuy nhiên, trở ngại về đầu tư và trục trặc về kỹ thuật đã kéo dài thời gian xây dựng. Phải đến năm 1992 khách sạn mới đạt đến chiều cao như trong thiết kế, trước khi dự án bị ngưng lại vì khủng hoảng kinh tế tại Triều Tiên sau khi Liên Xô tan rã, và nạn đói trong thập niên 1990 càng làm tình hình thêm trầm trọng. Sau thời gian phơi sương gió, đến năm 2011 tòa nhà chọc trời của Bình Nhưỡng được chắp hy vọng mới. Tập đoàn Orascom của Ai Cập, chịu trách nhiệm thiết lập mạng lưới điện thoại di động cho Triều Tiên, đã hỗ trợ tài chính để hoàn tất phần kính bên ngoài tòa nhà vào năm 2011. Thế nhưng, đến nay chính quyền Bình Nhưỡng chưa hề đề cập đến thời điểm khai trương hay đón vị khách đầu tiên đến Ryugyong. Sự trì hoãn khiến giới quan sát bên ngoài đặt nghi vấn về độ vững chãi của cấu trúc bê tông và kính này.

Bừng sáng mỗi đêm

Bất chấp những hạn chế liên quan đến tòa nhà trên, nhà thiết kế Kim Yong-il tỏ ra hết sức hài lòng về thành quả của mình. “Tôi thiết kế ánh sáng đầy ấn tượng cho tòa nhà khổng lồ này, và khi mọi người nhìn thấy nó, họ sẽ có cảm giác vui vẻ”, AP dẫn lời ông Kim. Mỗi đêm, tòa nhà vốn không hề được lắp điện bên trong lại trở thành phông nền cho bữa tiệc ánh sáng vô cùng hoành tráng. Trong vài giờ, hơn 100.000 đèn LED cùng chiếu hình ảnh về tượng đài và công trình kỷ niệm nổi tiếng của Triều Tiên, pháo hoa, các biểu tượng của đảng Lao động cùng những khẩu hiệu chính trị. Lần đầu tiên màn trình diễn được giới thiệu là vào tháng 4, nhân dịp kỷ niệm ngày sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành. Ông Kim Yong-il tiết lộ riêng công tác chuẩn bị đã mất 5 tháng, trong đó thời gian thiết kế và lập trình màn biểu diễn tốn hết 2 tháng. Một chuyên gia khác đảm nhận nhiệm vụ lắp đặt hệ thống dây điện và đèn LED các loại, nhằm bảo đảm chuyển tải chương trình trên máy tính thành nội dung thực tế.
Tòa nhà cao 330 m có tổng cộng 3 mặt. Buổi biểu diễn được thực hiện ở mặt trước của khách sạn, trong khi hai mặt còn lại thể hiện những nội dung đơn giản hơn. Đối với phần chóp hình nón, chuyên gia Kim tạo ra hình ảnh lá cờ 3 màu đỏ, trắng, xanh cao 40 m bay trong gió và có thể nhìn thấy ở mọi góc độ. Chương trình chính kéo dài 4 phút, bắt đầu với đoạn hoạt hình mô tả lại lịch sử của Triều Tiên, theo sau là phần vinh danh những tinh thần tự lực cánh sinh và chạy 17 khẩu hiệu chính trị như “một trái tim thống nhất”, “hòa hợp toàn thể”... Do khả năng cung cấp của mạng lưới điện có giới hạn, tòa nhà chỉ tỏa sáng vài giờ mỗi đêm trước khi tiếp tục chìm vào bóng tối. Dù vậy, giới quan sát cho rằng sự hồi sinh của tòa nhà “ma” khổng lồ này có thể là dấu hiệu tích cực đối với Triều Tiên trong thời gian tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.