So kè oanh tạc cơ Mỹ - Nga

12/06/2016 08:50 GMT+7

Máy bay ném bom chiến lược của Mỹ được đánh giá hơn về số lượng nhưng sở hữu vũ khí không lợi hại bằng máy bay cùng loại của Nga.

Hiện nay, vì sự phát triển vượt bậc của tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân nên oanh tạc cơ chiến lược dần không còn đóng vai trò chủ lực như trước. Cả Mỹ và Nga đều đã mạnh tay cắt giảm số lượng máy bay ném bom trong kho vũ khí hạt nhân của mình. Theo Hiệp ước Cắt giảm vũ khí mới (New START) mà hai nước ký hồi năm 2010, mỗi chiếc oanh tạc cơ được tính tương đương một đầu đạn nên máy bay này hiện chỉ chiếm 5,5% kho đầu đạn hạt nhân Mỹ (85 chiếc đang phục vụ) và khoảng 3% kho đầu đạn Nga (khoảng 50 chiếc).
Tuy nhiên, trong bài phân tích mới đăng trên chuyên san The National Interest, nhà bình luận quân sự Leonid Nersisyan chỉ ra rằng oanh tạc cơ trên thực tế có thể mang nhiều vũ khí gắn đầu đạn hạt nhân lẫn vũ khí phi hạt nhân chính xác nên khả năng thực sự của loại khí tài này đang bị xem nhẹ và không được thể hiện đầy đủ trên giấy tờ. Chuyên gia Nersisyan cũng cung cấp nhiều chi tiết và so sánh uy lực oanh tạc cơ của 2 thế lực hạt nhân hùng mạnh nhất thế giới hiện nay.
Pháo đài bay B-52 (phải) trong một lần triển khai trên bầu trời Hàn Quốc Ảnh: Reuters
Sức mạnh oanh tạc cơ Mỹ
Theo dữ liệu do Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tháng 1.2016, nước này có 12 máy bay ném bom B-2 Spirit và 73 chiếc B-52H trong tình trạng sẵn sàng tác chiến. Trong đó, dù đã phục vụ hơn 20 năm nhưng B-52H vẫn là máy bay răn đe hạt nhân chủ lực của Mỹ. Ngoài bom, máy bay này còn được trang bị tên lửa hành trình AGM-86B ALCM có tầm bắn trên 2.400 km và vận tốc 890 km/giờ.
Trong khi đó, B-2 Spirit phục vụ từ thập niên 1990 và đang giữ vị trí oanh tạc cơ đắt nhất thế giới khi Mỹ đã tiêu tốn hơn 44 tỉ USD cho chương trình phát triển máy bay này. Ban đầu, B-2 được ca ngợi là sự kết hợp hoàn hảo giữa khả năng tấn công hạng nặng và năng lực tàng hình để có thể thọc sâu vào lãnh thổ đối phương.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Nersisyan, máy bay này đã không đáp ứng được hoàn toàn kỳ vọng của Lầu Năm Góc. Khả năng tàng hình của B-2 bị đánh giá là không chạy đua kịp với hệ thống radar, cảm biến ngày càng tân tiến của các đối thủ như Nga và có thể trở thành “mồi ngon” của các loại tên lửa phòng không như S-400 hoặc tiêm kích Su-30SM, Su-35S và MIG-31BM.
Mặt khác, Lầu Năm Góc vẫn đang phát triển một loại tên lửa hành trình chiến lược mới phù hợp cho B-2, theo chuyên trang Scout. Trong lúc chờ đợi, máy bay chỉ được trang bị các loại bom nên khó có thể thực hiện những cuộc tấn công hiệu quả sâu vào lãnh thổ của những đối thủ có khả năng phòng không lợi hại.
Ngoài ra, Mỹ còn có oanh tạc cơ B-1B Lancer nhưng kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, máy bay này chỉ còn được trang bị bom phi hạt nhân. Đó là lý lo B-1B không nằm trong danh sách vũ khí hạt nhân chiến lược theo Hiệp ước New START. Hiện nay, Mỹ đang phát triển một loại oanh tạc cơ thế hệ mới, được gọi là B-21. Đây sẽ là oanh tạc cơ tầm xa chủ lực của không quân có khả năng mang bom nhiệt hạch và tên lửa hành trình tiên tiến.
Yêu cầu cho loại máy bay ném bom mới là có khả năng tàng hình cao hơn và chi phí phù hợp (giá dự kiến 540 triệu USD/chiếc). Công ty công nghệ quốc phòng Mỹ Northrop Grumman sẽ nhận tổng cộng 80 tỉ USD để phát triển, sản xuất 100 chiếc B-21 để thay thế B-52H lẫn B-1B. Theo The National Interest, quy trình sản xuất dự kiến bắt đầu sớm nhất là vào giữa thập niên 2020.
Oanh tạc cơ Tu-160 của Nga  Ảnh: Alphacoders
Hai đối thủ lợi hại
Tương tự Mỹ, Nga hiện có 2 loại oanh tạc cơ chiến lược: Tu-95MS và Tu-160. Tu-95 được đưa vào phục vụ trong không quân Liên Xô từ năm 1956, nhưng những phiên bản hiện đại được phát triển trong giai đoạn 1981 - 1992 và vì thế “trẻ” hơn nhiều so với B-52. Nga hiện có khoảng 30 - 35 chiếc loại này đang trong chế độ phục vụ.
Vũ khí chính của Tu-95 là tên lửa hành trình Kh-55SM có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, với tầm bắn tối đa 3.500 km. Nga cũng đang tiếp tục nâng cấp Tu-95 để có thể sử dụng tên lửa hành trình Kh-101 và Kh-102. Các loại tên lửa mới này sở hữu nhiều đặc tính nổi trội như tầm hoạt động tối đa 5.500 km và sai số trượt mục tiêu chỉ khoảng 5 m. Theo giới chức quốc phòng Nga, sau khi được hiện đại hóa, Tu-95 có thể phục vụ ít nhất cho tới thập niên 2030.
Còn về Tu-160, đây là máy bay ném bom tinh vi nhất của Nga, với 16 chiếc đang hoạt động. Về vận tốc, Tu-160 có thể bay tối đa hơn 1.975 km/giờ, vượt xa so với B-2 Spirit (1.010 km/giờ). Ngoài ra, máy bay mang được 12 tên lửa hành trình và đang trải qua một đợt hiện đại hóa sâu rộng để có thể tiếp nhận nhiều loại vũ khí phi hạt nhân chính xác mới. Nhiều nguồn tin tiết lộ Nga dự tính sẽ sản xuất ít nhất 50 chiếc Tu-160 phiên bản nâng cấp.
Bên cạnh đó, nước này cũng phát triển dự án phát triển oanh tạc cơ chiến lược thế hệ mới PAK-DA, có khả năng tàng hình. Theo Tư lệnh Lực lượng không gian và trên không Nga Viktor Bondarev, chiếc PAK-DA đầu tiên có thể trình làng trước năm 2021.
Tu-95MS Ảnh: The Aviationist
Từ những thông tin trên, chuyên gia Nersisyan kết luận rằng máy bay Mỹ vượt trội về số lượng và đã chứng tỏ được độ tin cậy với B-52. Tuy nhiên, về vũ khí thì Nga nhỉnh hơn. Theo ông, tầm hoạt động của tên lửa Kh-101/102 hơn gấp đôi AGM-86B ALCM, cho phép oanh tạc cơ Nga phát huy khả năng tấn công tối đa từ một khoảng cách an toàn. Về tương lai, ông Nersisyan cho rằng vẫn chưa thể đánh giá đầy đủ vì cả hai dự án B-21 và PAK-DA đều chỉ mới bắt đầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.