Siêu hố đen ở giữa Dải Ngân hà đang ‘ngốn’ vật chất với tốc độ khủng khiếp

15/09/2019 15:16 GMT+7

Hiện tượng kỳ lạ này đã bắt đầu từ tháng 5.2019 và giới thiên văn học cho hay chưa từng chứng kiến siêu hố đen của Dải Ngân hà lâm vào tình trạng “háu ăn” tương tự trong ¼ thế kỷ qua.

Siêu hố đen ở trung tâm Dải Ngân hà được đặt tên là Sagittarius A*, với khối lượng gấp khoảng 4 triệu lần mặt trời của chúng ta.
Tạp chí thiên văn Anh Astronomy Now hôm 14.9 dẫn lời các nhà thiên văn học của Đại học California Los Angeles (UCLA-Mỹ) cảnh báo Sagittarius A* gần đây bắt đầu “ngốn ngấu” một khối lượng đáng kể vật chất mà không rõ nguyên nhân.
Để rút ra kết luận trên, đội ngũ chuyên gia tiến hành so sánh ít nhất 13.000 bức ảnh chụp Sagittarius A*, do Đài thiên văn Keck ở tiểu bang Hawaii (Mỹ) và Kính viễn vọng cực lớn của Đài quan sát Nam Âu ở Chile thực hiện từ năm 2003.
Kết quả cho thấy trong những tháng gần đây, “con quái vật” ở trung tâm thiên hà của chúng ta đang tỏa sáng ở mức chưa từng có.
“Chúng tôi chưa từng chứng kiến điều tương tự trong suốt 24 năm nghiên cứu siêu hố đen này”, theo giáo sư Andrea Ghez của UCLA.
Thông thường, con người không thể quan sát được các hố đen vì ánh sáng vô phương thoát khỏi lực lực hút khổng lồ của chúng, mà thay vào đó chúng ta chỉ thấy ánh sáng phát ra từ các vật thể trong lúc đang bị hố đen nuốt chửng.
Vì vậy, độ sáng gia tăng bất thường ở vị trí Sagittarius A* cho thấy vừa có một khối lượng vật chất đáng kể trở thành “nạn nhân” của nó.
Điều may mắn là Sagittarius A* ở cách Trái đất khoảng 26.000 năm ánh sáng, và nhân loại không phải lo lắng về khả năng địa cầu sẽ trở thành mồi ngon của hố đen trong tương lai.

[VIDEO] Phát hiện "siêu Trái đất" có nước, nhưng loài người chưa thể đến "định cư"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.