Siêu bom hạt nhân thông minh của Mỹ

08/02/2017 11:16 GMT+7

Giới chuyên gia cảnh báo B61-12, loại siêu bom dẫn đường đang được quân đội Mỹ thử nghiệm, có thể là vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất từ trước đến nay.

Theo tờ Express, Cơ quan an ninh hạt nhân quốc gia Mỹ (NNSA) xác nhận quá trình sản xuất và thử nghiệm bom hạt nhân dẫn đường B61-12 đã hoàn tất. Từ tháng 3, quân đội sẽ tiếp tục tiến hành thêm nhiều đợt thử nghiệm để hướng tới sản xuất hàng loạt từ năm 2020.
Đắt nhất lịch sử
B61-12 là phiên bản cải tiến của loại bom hạt nhân B61 được Mỹ chế tạo đầu thập niên 1960. Bom nặng 350 kg và có sức phá hủy khoảng 50 kiloton (tương đương 50.000 tấn thuốc nổ TNT). Đặc điểm lợi hại nhất của B61-12 là hệ thống dẫn đường bằng GPS và tia laser ở mũi, biến loại vũ khí này trở thành bom hạt nhân dẫn đường thông minh đầu tiên của Mỹ và trên thế giới. Nhờ đó, B61-12 có độ chính xác vượt trội hơn hẳn các vũ khí cùng loại, cộng thêm độ xuyên phá mặt đất được cải tiến nên có thể đánh trúng mục tiêu với bán kính chênh lệch chỉ khoảng 30 m, thay vì đến hơn 100 m như phiên bản B61-11.
Chuyên san The National Interest dẫn lời giới chuyên gia nhận định tuy sức công phá không quá cao nhưng B61-12 sẽ trở thành một trong những át chủ bài năng lực hạt nhân của Mỹ nhờ tính khả dụng và linh hoạt. Như đã nêu, loại bom mới có năng suất tối đa 50 kiloton, nhưng con số này vẫn có thể được hạ xuống ngay trước khi thả để phù hợp với nhu cầu của từng sứ mệnh cụ thể. Cộng thêm độ chính xác cao, B61-12 có thể đáp ứng nhiều nhiệm vụ khác nhau nên sẽ sớm trở thành vũ khí hiện diện nhiều nhất trong kho hạt nhân của Mỹ.
Mặt khác, theo chuyên trang Global Security, với chi phí ước tính khoảng 11 tỉ USD để sản xuất 400 quả bom, tương đương 27,5 triệu USD/quả, B61-12 là loại bom hạt nhân đắt đỏ nhất từ trước đến nay. Chương trình B61-12 là một phần trong kế hoạch quy mô lớn trị giá 1.000 tỉ USD nhằm hiện đại hóa năng lực hạt nhân trong 30 năm tới của Mỹ.
Theo hiệp ước START mới ký với Nga năm 2010, hai bên đồng ý cắt giảm kho vũ khí hạt nhân và sẽ chỉ duy trì khoảng 1.550 đầu đạn được triển khai vào năm 2018. Hiện, Washington giữ khoảng 1.750 đầu đạn chiến lược được triển khai trong các hầm chứa, máy bay và tàu ngầm. Tuy giảm về số lượng nhưng chính quyền tổng thống vừa mãn nhiệm Barack Obama rồi đến đương kim Tổng thống Donald Trump đều “lách” bằng cách cấp tập hiện đại hóa theo hướng thu nhỏ quy mô nhưng tinh chỉnh độ chính xác và sức hủy diệt cũng như những phương thức khai hỏa mới.

tin liên quan

Những sự cố rơi bom hạt nhân
Mỹ và các đồng minh từng nhiều lần thoát thảm họa trong gang tấc sau những vụ tai nạn liên quan đến vũ khí hủy diệt.
Nhỏ nhưng nguy hiểm
Trang tin Defense Tech dẫn lời giới chức Lầu Năm Góc cho hay một ưu điểm vượt trội của B61-12 là có thể dễ dàng được triển khai từ nhiều phương tiện khác nhau chứ không bị bó vào những chiếc cường kích kềnh càng. Bộ Quốc phòng Mỹ đang xúc tiến thủ tục cho phép chiến đấu cơ F-35 phiên bản dành cho không quân (F-35A) mang bom B61-12. Trên chiếc F-35A, quả bom sẽ nằm gọn trong khoang vũ khí bên trong nhằm bảo vệ khả năng tàng hình của máy bay và sẽ trở thành vũ khí đắc lực cho các chiến dịch tấn công sâu và ngăn chặn, chẳng hạn như đánh phá những hầm chỉ huy kiên cố sâu dưới lòng đất, lực lượng xe tăng, pháo binh, tiếp tế... của đối phương.
Đến nay, Washington vẫn tuyên bố B61-12 sẽ là “lựa chọn cuối cùng”, nghĩa là sẽ không sử dụng đến nếu tình hình chưa trở nên nguy hiểm tột độ đối với an ninh quốc gia. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn cực kỳ lo ngại. Lâu nay, vũ khí hạt nhân chủ yếu mang tính răn đe và phòng ngừa lẫn nhau vì các bên đều hiểu sức mạnh của chúng sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát và cuối cùng dẫn đến kết cục tất cả đều thua. Nay nếu tầm hủy diệt của vũ khí hạt nhân có thể được khống chế, độ chính xác tăng cao và nguy cơ ảnh hưởng diện rộng được khắc phục thì người ta dễ có xu hướng sử dụng loại vũ khí này hơn.
Tiêm kích F-15 thử nghiệm ném bom B-61-12 (không mang đầu đạn hạt nhân) vào tháng 7.2015 Không lực Mỹ
“Nếu sức công phá của bom được hạ xuống phù hợp nhu cầu và quy mô khủng hoảng phóng xạ được thu hẹp thì tổng thống hoặc giới tướng lĩnh sẽ lại trở nên khinh suất hơn, sẽ “nhanh tay bấm nút” hơn”, Đài PBS dẫn lời một cựu sĩ quan cấp cao của Lầu Năm Góc cảnh báo.
Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân chiến thuật mới và viễn cảnh u ám về chiến tranh hạt nhân lại hiển hiện. Đó là lý do dù sức công phá 50 kiloton của B61-12 “không là gì” so với công suất tối đa 1.200 kiloton của bom hạt nhân B83, cũng do Mỹ chế tạo, nhưng đây vẫn bị đánh giá là vũ khí hạt nhân nguy hiểm nhất từ trước đến nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.