SCSPI: Mỹ điều 60 máy bay do thám áp sát Trung Quốc trong tháng 9

13/10/2020 18:57 GMT+7

Tổ chức Sáng kiến Thăm dò tình hình chiến lược ở Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại Học Bắc Kinh ( Trung Quốc ) cho rằng ít nhất 60 máy bay quân sự Mỹ đã tiến hành các chuyến bay do thám gần Trung Quốc trong tháng 9.

Trong báo cáo công bố ngày 12.10, SCSPI, được chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, cho biết 41 trong số 60 máy bay quân sự Mỹ đã bay qua Biển Đông, 6 chiếc bay qua biển Hoa Đông, 13 chiếc bay trên Hoàng Hải.
Báo cáo lưu ý các hoạt động tiếp nhiên liệu trên không cũng tăng lên vào tháng 9, cho thấy Mỹ có thể chuẩn bị cho những sứ mệnh tầm xa trong tương lai nhằm vào các mục tiêu ở Biển Đông.
SCSPI cho biết một số máy bay được điều động từ đảo Guam để tiếp nhiên liệu trên không cho các máy bay do thám trên Biển Đông
“Việc Mỹ điều động máy bay tiếp nhiên liệu từ Guam thay vì từ căn cứ không quân Kadena ở Nhật Bản là điều bất thường vì các hoạt động như thế này không kinh tế và kém hiệu quả. Điều này cho thấy Mỹ có thể chuẩn bị cho việc tiếp nhiên liệu trong nhiệm vụ tầm xa với điều kiện khắc nghiệt”, theo báo cáo.
SCSPI cho rằng các máy bay do thám Mỹ thường thực hiện hai loại chuyến bay là thường lệ và nhiệm vụ cụ thể, theo tờ South China Morning Post. Tổng số chuyến bay trong tháng 9 tương đương tháng 7 và tháng 8, nhưng con số thực có thể cao hơn, theo SCSPI.
SCSPI cáo buộc 6 máy bay quân sự Mỹ ngụy trang thành máy bay dân sự để do thám các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Theo SCSPI, Vào cuối tháng 9, một máy bay của Không quân Mỹ đã thay đổi mã số nhận dạng khi bay qua Hoàng Hải thành máy bay dân sự Philippines.
Cũng trong tháng 9, tạp chí Popular Mechanics đưa tin một máy bay trinh sát RC-135W Rivet Joint bay ngoài khơi đảo Hải Nam của Trung Quốc đã ngụy trang thành một máy bay dân sự Malaysia đang quá cảnh qua Biển Đông. Chiếc RC-135W được cho là “giả” mã số máy phát đáp để trở thành máy bay dân sự Malaysia.
Lực lượng Không quân Thái Bình Dương (PACAF) của Mỹ từ chối xác nhận hoặc phủ nhận thông tin của Popular Mechanics. Phát biểu trong hội nghị hôm 17.9, tư lệnh PACAF, tướng Ken Wilsbach phản đối thuật ngữ "giả mạo" mã số và khẳng định máy bay trinh sát RC-135W tuân theo các quy tắc quốc tế về máy phát đáp.
"Chúng tôi luôn tuân thủ các quy tắc về không phận quốc tế và chúng tôi đã tuân thủ quy tắc hôm 8.9", ông Wilsbach nói, nhưng không cung cấp thêm chi tiết về những gì trinh sát cơ RC-135W đã thực hiện trong chuyến bay.
Chuyên gia Malcolm Davis tại Viện Chính sách Chiến lược Úc cho rằng Mỹ cần tăng cường hiện diện để ngăn chặn các hành động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm ở Biển Đông.
Ông Davis nói: “Mối lo ngại lớn nhất của tôi là Trung Quốc sẽ tìm cách khai thác bất kỳ tình trạng bất ổn nội bộ hoặc chia rẽ chính trị nào đó ở Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống để tăng cường hoạt động gây hấn ở Biển Đông hoặc với Đài Loan”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.