Scotland và Gibraltar tìm đường ở lại EU

30/06/2016 08:40 GMT+7

Lãnh đạo các vùng Scotland và Gibraltar thuộc Liên hiệp Anh đã tìm được tiếng nói chung trong việc ở lại Liên minh châu Âu.

Theo AFP hôm 29.6, Thủ hiến Nicola Sturgeon của Scotland cùng người đồng cấp Gibraltar là Fabian Picardo đã hội đàm và thống nhất sẽ tìm cách ở lại EU sau khi Anh quyết định rời khối này.
Trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23.6, hơn 95% cử tri vùng Gibraltar chọn ở lại EU; còn ở Scotland là 62%. Thế nhưng, kết quả trên toàn Liên hiệp Anh cho thấy nhóm ủng hộ chia tay EU (Brexit) chiến thắng với tỷ lệ 52%.
“Chính quyền sẽ tận dụng mọi giải pháp để bảo vệ vị thế của Gibraltar trong tương lai”, AFP dẫn thông cáo từ chính quyền vùng này cho biết.
Trong khi đó, bà Sturgeon ngày 29.6 đã đến Brussels (Bỉ) nhằm nỗ lực thuyết phục EU về khả năng để vùng này gia nhập khối. Sau cuộc gặp với Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz, bà Sturgeon cho biết: “Đây chỉ là cuộc gặp đầu tiên trong vô số cuộc gặp để mọi người hiểu rằng Scotland quyết tâm ở lại EU”. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định khả năng EU “qua mặt” London để chấp nhận Scotland rất khó xảy ra. Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker khẳng định Scotland “có quyền bày tỏ tiếng nói và nguyện vọng” nhưng EU sẽ không can thiệp vào nội bộ Anh. Tuy nhiên, động thái của Scotland cho thấy chia rẽ trầm trọng tại Anh liên quan đến Brexit và nguy cơ vùng này đẩy mạnh trở lại chiến dịch đòi độc lập.
Trong cuộc trưng cầu dân ý hồi năm 2014 về việc có tách khỏi Anh hay không, đa số dân Scotland chọn ở lại vì muốn được tiếp tục sống trong khối EU. Nay Anh đã quyết định dứt áo khỏi EU thì họ cũng không còn lý do gì để níu kéo.
Cùng ngày 29.6, tại thủ đô London, nơi 60% cử tri chọn ở lại EU, hàng ngàn người đã xuống đường phản đối kết quả trưng cầu, nhưng Thủ tướng David Cameron đã khẳng định sẽ không có chuyện tổ chức bỏ phiếu lại, theo Reuters.
Cũng trong hôm 29.6, nhờ nỗ lực bình ổn của ngân hàng trung ương các nước, thị trường thế giới có phần khởi sắc trở lại sau mấy ngày chao đảo do tác động của Brexit. Theo Bloomberg, đồng bảng Anh tăng 0,9% lên 1 bảng/1,33 USD. Giá dầu cũng tăng khoảng 3% với giá dầu thô Mỹ giao dịch ở mức 47,85 USD/thùng và giá dầu Brent là 48,58 USD/thùng. Tuy vậy, giá vàng giảm 0,7% so với thời điểm tăng vọt ngay sau khi có kết quả trưng cầu.
Các chỉ số chứng khoán chính tại châu Âu cũng có dấu hiệu gượng dậy với FTSE 100 (Anh) và DAX (Đức) đều tăng khoảng 1%. Tại phố Wall, chỉ số Dow Jones tăng 1,6%, S&P 500 tăng 1,78% và Nasdaq vọt lên 2,12%. Tương tự, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,6%, Hang Seng (Hồng Kông) tăng 1,3%, Shanghai Composite (Trung Quốc) thêm 0,65% và Kospi của Hàn Quốc tăng 1%.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.