Sáu phút cân não hóa giải thảm họa hạt nhân của Zbigniew Brzezinski

28/05/2017 09:34 GMT+7

Ba giờ sáng 9.11.1979, nguy cơ về một thảm họa hạt nhân giữa Mỹ và Liên Xô đã cận kề hơn bao giờ hết và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski chỉ có vài phút để đưa ra quyết định.

Trong nhiều thập niên, nguy cơ về một cuộc tấn công bằng tên lửa của Liên Xô luôn khiến giới lãnh đạo Mỹ phải mất ăn mất ngủ và Washington không giấu giếm kế hoạch chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất. Trong những năm 1960 trở đi, quân đội Mỹ nghiên cứu và phát triển những hệ thống cảnh báo sớm nhằm phát hiện và có nhiều thời gian để đối phó với những cuộc tấn công. Và nước Mỹ không phải chờ đợi lâu để được thử nghiệm hệ thống của mình. Nhân vật trung tâm trong cuộc khủng hoảng ngày đó chính là cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski, người vừa qua đời ngày 26.5.
Cuộc gọi lúc 3 giờ sáng
Rạng sáng 9.11.1979, Cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski của Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đang yên giấc thì bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại. Ở đầu dây bên kia, giọng của ông William Odom, trợ lý quân sự của ông Brzezinski vang lên: "Xin lỗi ngài nhưng chúng ta đang bị tấn công hạt nhân".
Thông tin chấn động này khiến Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ giật mình. Ông bình tĩnh hỏi lại: "Thật sao? Nói tôi nghe". Ông Odom tiếp đó đáp lời rằng "30 giây trước, 250 quả tên lửa của Liên Xô đã được phóng về phía Mỹ".
Theo quy trình, ông Brzezinski có 2 phút để xác minh thông tin và có thêm 4 phút nữa để đánh thức tổng thống và đưa ra biện pháp phản ứng. Ông cẩn thận yêu cầu trợ lý xác nhận lại thông tin.
(Từ trái sang) Ông Brzezinski, Tổng thống Jimmy Carter và Ngoại trưởng Cyrus Vance Cục văn thư lưu trữ Mỹ
Những phút giây kế tiếp đó đối với ông là một cảm giác lạ lùng. "Mỗi khi đi máy bay, lúc đi vào vùng nhiễu động tôi thường rất hồi hộp. Tuy nhiên lần này tôi lại hoàn toàn bình tĩnh", cố vấn Brzezinski nhớ lại.
Là một người sinh ra ở Ba Lan và có quan điểm chống Liên Xô, dễ hiểu khi ông Brzezinski lúc đó suy nghĩ rằng nước Mỹ phải tấn công đáp trả. Ông nói với ông Odom trong cuộc gọi thứ hai rằng phải đảm bảo các máy bay ném bom của Bộ tư lệnh không quân chiến lược (SAC) đã được cất cánh, các hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa được đặt trong tình trạng báo động. 
Những phút sau đó, nhiều suy nghĩ khác xuất hiện trong đầu ông, "mọi người sẽ chết trong 28 phút nữa, vợ tôi, con tôi, mọi người"."Nếu điều đó là sự thật, tôi phải chắc chắn rằng chúng tôi phải có bạn đồng hành". Cuộc tấn công tổng lực của Liên Xô khi đó sẽ quét sạch thủ đô Washington D.C và ông Brzezinski quyết định không đánh thức vợ mình.
Báo động giả
Một phút trước khi ông Brzezinski định gọi cho Tổng thống Carter, trợ lý Odom gọi lại lần thứ ba và thông báo rằng đó là báo động giả. Một người nào đó đã bỏ cuốn băng diễn tập vào máy tính của Bộ tư lệnh Phòng thủ không gian Bắc Mỹ (NORAD) khiến hệ thống cảnh báo sớm bị kích hoạt.
Cơ quan này sau đó đã báo động lực lượng đánh chặn và điều 10 chiếc tiêm kích xuất kích ngay lập tức. Bên cạnh đó, máy bay E-4B, còn gọi là Tổng hành dinh quốc gia trên không, có nhiệm vụ chở theo tổng thống trong trường hợp có tấn công hạt nhân và giúp tổng thống điều hành lực lượng hạt nhân của Mỹ, cũng được lệnh cất cánh từ căn cứ không quân Andrews dù không có tổng thống hay bộ trưởng quốc phòng trên đó.
Ông Brzezinski sau đó nói với trợ lý rằng "phải đảm bảo các máy bay của SAC đã được gọi quay trở về". Trong khoảng 7 tháng sau đó, hệ thống cảnh báo sớm của Mỹ kích hoạt 3 báo động giả khác.
Những sự kiện này sau khi được tiết lộ đã khiến giới lãnh đạo Liên Xô tức giận và chỉ trích Washington về mức độ cực kỳ nguy hiểm của những cảnh báo sai. Lầu Năm Góc sau đó thừa nhận rằng những sai lầm tương tự là điều khó tránh khỏi dù cam kết sẽ ngăn ngừa sự việc vượt ngoài tầm kiểm soát.
Gần 40 năm sau cái đêm cân não đó, ông Brzezinski "ra đi trong yên bình" vào đêm 26.5, theo thông báo của người con gái Mika Brzezinski. Ông từng được xem một người đối trọng với Henry Kissinger bên phía đảng Dân chủ Mỹ. Ông Brzezinski đóng góp vai trò trong việc ký kết hiệp định hòa bình giữa Israel và Ai Cập, giúp bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung Quốc và từng được Tổng thống Carter trao tăng huân chương Tự do.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.