Rút khỏi hiệp ước với Nga, Mỹ sẽ triển khai tên lửa đối phó Trung Quốc

24/10/2018 16:53 GMT+7

Các chuyên gia nhận định việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) sẽ giúp Washington có thể triển khai hệ thống tên lửa trên bộ đến châu Á để đối phó Trung Quốc.

Tổng thống Donald Trump ngày 21.10 tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi INF, thỏa thuận mà nước này đã ký kết với Nga vào năm 1987, sau khi cáo buộc Moscow phát triển nhiều loại vũ khí vi phạm hiệp ước, bao gồm tên lửa 9M729 tầm bắn trên 500 km. Theo INF, 2 nước phải tiêu hủy toàn bộ tên lửa phóng từ trên bộ tầm bắn 500 - 5.500 km và có thể mang đầu đạn hạt nhân.
“Tuy nhiên, Nga không tuân thủ cam kết. Vì thế, chúng tôi sẽ rút khỏi INF”, Reuters dẫn lời Tổng thống Trump phát biểu, đồng thời nói thêm Mỹ muốn Nga và cả Trung Quốc tham gia đàm phán một hiệp ước mới.
Đáp lại, Bộ Ngoại giao Nga tiếp tục bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời tuyên bố sẽ trả đũa “hành động cực kỳ nguy hiểm” của Mỹ.
[VIDEO] Tổng thống Putin châm chọc Mỹ: 'Có vẻ con đại bàng đã ăn sạch cành ô liu?'
Sau đó, Tổng thống Trump tuyên bố Mỹ sẽ tăng cường phát triển kho vũ khí hạt nhân để gây sức ép đối với Nga và Trung Quốc.
Phản ứng trước tuyên bố của ông chủ Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định nước này sẽ không bị áp đặt để tham gia hiệp ước.
Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh tuyên bố: “Trung Quốc tuân thủ chính sách quốc phòng chỉ mang tính phòng vệ nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Chúng tôi sẽ không chấp nhận sự dọa dẫm từ bất kỳ quốc gia nào”.
Các chuyên gia Mỹ cảnh báo nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân mới giống như thời chiến tranh lạnh nếu Mỹ rút khỏi INF, theo tờ The Washington Post. Liên minh châu Âu bày tỏ quan ngại, kêu gọi Mỹ-Nga đàm phán duy trì INF và Bắc Kinh kêu gọi Washington “cân nhắc kỹ lưỡng”.
Theo giới quan sát, động thái rút khỏi INF còn nhằm vào Trung Quốc vì nước này thời gian qua có thể phát triển tên lửa hạt nhân tầm trung mà không vướng phải bất kỳ rào cản nào.
Không bị ràng buộc bởi INF, Trung Quốc đang phát triển kho tên lửa hiện đại có thể tấn công Mỹ cùng đồng minh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một trong số tên lửa đạn đạo liên lục địa Trung Quốc đang phát triển là DF-41 có tầm bắn đến tất cả mục tiêu ở nước Mỹ.
Nhà nghiên cứu Adam Ni thuộc Đại học Quốc gia Úc nhận định Mỹ rút khỏi INF ảnh hưởng đáng kể đến cán cân quân sự giữa nước này và Trung Quốc. Nếu xung đột bùng đổ, Mỹ có thể triển khai những hệ thống tên lửa trên bộ ở châu Á, theo tờ South China Morning Post.
“Mỹ hiện tại có khả năng tấn công tất cả mục tiêu ở Trung Quốc bằng những đợt không kích và hệ thống tên lửa trên tàu chiến. Triển khai hệ thống tên lửa tầm trung trên bộ, chẳng hạn ở tại Nhật sẽ giúp Mỹ tăng cường năng lực và xóa bỏ lợi thế của Trung Quốc trong khu vực”, theo ông Adam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.